Mái tole lợp trên nóc nhà đã mục nát, bức tường bê tông phía trước xập xệ,  nhuộm đầy rong riêu; còn 2 bên hông và phía sau là những tấm lá dừa, tấm tole mục nát được kẹp lại để làm tường nhà, những tấm gỗ mục được chắp vá tạm bợ để làm cửa mở ra đóng vào…

Cận cảnh khu vực tiêu chảy cấp khiến bé 10 tháng tuổi tử vong

Một Thế Giới | 25/07/2014, 10:22

Mái tole lợp trên nóc nhà đã mục nát, bức tường bê tông phía trước xập xệ,  nhuộm đầy rong riêu; còn 2 bên hông và phía sau là những tấm lá dừa, tấm tole mục nát được kẹp lại để làm tường nhà, những tấm gỗ mục được chắp vá tạm bợ để làm cửa mở ra đóng vào…

Đó là “tổ ấm” của gần 20 con người trong đại gia đình của bé Phạm Nghĩa Tình (10 tháng tuổi, ngụ ở tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) - người vừa mắc bệnh tiêu chảy cấp bị tử vong.

Không phát sinh dịch bệnh mới lạ

Khi chúng tôi đến, có gần 10 đứa trẻ lem luốc ngồi bệt dưới nền đất ẩm thấp chen chúc nhau ăn tô mì gói cùng với bà Phạm Thị Linh (bà nội của Phạm Nghĩa Tình).

Dù đã lên chức bà nội  từ nhiều năm qua, nhưng năm nay bà Linh cũng chỉ mới 43 tuổi. Bà Linh cho biết, bà tới đây thuê đất của nông trường Lê Minh Xuân để canh tác từ năm 1996. Bà quê gốc Đồng Tháp, sau đó theo gia đình từ nhỏ đến sống ở Đức Hòa (Long An) và lập gia đình khi mới tròn 16 tuổi, rồi lưu lạc đến vùng đất này.

Đến nay bà đã có tất cả 6 người con (5 trai, 1 gái), 3 đứa con trai lớn đã lập gia đình và bà có được 6 đứa cháu nội.

Giờ đây trong ngôi nhà rộng chừng 80mnày đã có đến gần 20 con người của nhiều thế hệ chen chúc nhau trú ngụ.

Can canh khu vuc tieu chay cap khien be 10 thang tuoi tu vong
Những đứa trẻ trong ngôi nhà của đại gia đình bé Tình 
Tuy nhiên, đáng nói, xung quanh “tổ ấm” của đại gia đình này là chiếc chuồng gà xụp xệ, nhếch nhác; phía trước và bên không nhà là cái ao nuôi cá trê từ phân gà và cả phân người được thải xuống đây.

Ngôi nhà ẩm thấp, cây cỏ rậm rạp, nhếch nhác, những pô rác được vứt xuống ao. Lối dẫn vào nhà là con đường sình lầy xen lẫn phân gia cầm, gia súc. Xung quanh nhà là những cái lu, cái chỉnh, những chiếc thùng nhựa nằm lăn lóc. Tài sản quý giá nhất bên trong “tổ ấm” ấy là chiếc ti vi cũ kỹ.

Thấy chúng tôi đến, mấy đứa trẻ trong nhà xúm xít nhau chạy đến vây quanh như. Bà Linh liền khẽ gọi đứa cháu gái của bà ra múc nước vào chuẩn bị cho em tắm. Thế là đứa cháu gái chừng 8 tuổi của bà liền chạy ra mé ao, lấy một chiếc xô nhựa cáu bẩn múc từng xô nước mang lên.

Nhìn chúng tôi có vẻ ái ngại, bà Linh phân bua: “Ở đây cũng kéo được nước máy nông thôn về, nhưng chỉ để dành nấu ăn thôi, còn tắm giặt thì lấy nước ao lên lắng lại mà tắm, chứ lấy nước máy tắm thì tiền đâu mà trả tiền nước”.

Nhìn những xô nước cáu bẩn, nghĩ đến cái ao “thập cẩm” này, nào là rác, phân gia súc, gia cầm, phân người… lại được sử dụng để tắm giặt, chúng tôi không khỏi rùng mình.

Can canh khu vuc tieu chay cap khien be 10 thang tuoi tu vong
Hằng ngày, những người trong gia đình của bé Tình vẫn ra chiếc ao nuôi cá này để lấy nước phục vụ sinh hoạt.
Bà Linh cho biết, nhà cửa ở đây dột nát, cáu bẩn, gia đình cũng muốn chỉnh trang lại nhưng có được đâu, vì đây là đất quy hoạch.

“Nhiều lúc cũng muốn cải tạo lại cái nền nhà, nhưng chính quyền đâu cho phép. Thôi thì ở được ngày nào hay ngày ấy. Khi nào chính quyền giải tỏa, bố trí chỗ ở khác sẽ tính sau. Giờ không ở đây chẳng biết ở đâu, tiền đâu mà đi tìm chỗ khác để ở”, bà Linh tâm sự.

Người mẹ trẻ vẫn vô tư

Bà Linh cho biết, Phạm Nghĩa Tình là con đầu của Phạm Văn Nghĩa (con trai thứ 4 của bà Linh). Nghĩa năm nay cũng chỉ tròn 20 tuổi, còn vợ là Trần Bảo Hân chỉ mới 19 tuổi.

Bà Linh kể, trưa 14.7, sau khi bé Tình uống xong bình sữa thì ọc sữa, đến chiều gia đình đưa bé ra bác sĩ Khôi gần nhà để khám. Sau khi khám xong bác sĩ Khôi kết luận, bé Tình bị viêm phế quản và cho uống thuốc, nhưng sau khi uống xong bé lại bị tiêu chảy. Lúc này, gia đình quay ra gặp lại bác sĩ Khôi để mua thuốc tiêu chảy cho bé uống.

Mặc dù uống thuốc tiêu chảy, nhưng suốt từ chiều đến tối hôm đó, bé vẫn liên tục tiêu chảy, trong đêm đó bé tiêu chảy đến chục lần.

“Sau khi uống thuốc không hết tiêu chảy, tui đến Đức Hòa (Long An) mua thuốc Tàu về cho cháu uống. Khi cháu uống thuốc Tàu, thấy giảm tiêu chảy, nhưng đến tối thì thấy cháu mệt, mắt cứ nhìn láo liên lên nóc nhà. Cả gia đình lập tức chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. 
Đến sáng hôm sau, các bác sĩ thông báo với gia đình, cháu có đến 99% không thể cứu sống, tim ngừng đập bất cứ lúc nào. Giờ cứ để cháu ở đây thở oxy, khi nào tim ngừng đập thì đưa về nhà”, bà Linh cho biết thêm.

Sau khi chuẩn bị xong bữa cơm tối cho gia đình, Hân mang cái bụng bầu gần 8 tháng khệ nệ bước ra ngoài cửa.

Can canh khu vuc tieu chay cap khien be 10 thang tuoi tu vong
Dù con trai mới mất chỉ 10 tháng tuổi, nhưng Hân đã mang thai đứa con trai thứ 2 được gần 8 tháng. 
Hân cho biết, quê ở Bến Tre, lên Sài Gòn làm công nhân may vào năm 2012, đến năm 2013 thì gặp Nghĩa và chung sống với nhau như vợ chồng. Tháng 9.2013, Hân đã hạ sinh đứa con trai đầu lòng đó chính là bé Phạm Nghĩa Tình. 
Và cũng từ đó, Hân không đi may nữa, nguồn sống duy nhất của 2 vợ chồng là từ tiền công đi bán lô tô của Nghĩa mỗi đêm khoảng 100.000 đồng, nhưng đêm có đêm không.
Khi nghe chúng tôi đề cập đến cái chết của bé Tình, con trai Hân, 10 tháng tuổi, gương mặt của người mẹ trẻ chùng hẳn xuống.
“Cháu mất rồi, gia đình đem thiêu tro và mang về nhà thờ cúng. Giờ em cũng đang có thai được gần 8 tháng, chắc còn hơn 1 tháng nữa là sinh, lần này cũng sinh cháu trai nữa”, Hân nói.
Hồ Quang
8 trẻ em bị tiêu chảy cấp
Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, đã có thêm 2 trường hợp phát hiện bị tiêu chảy cấp xảy ra tại tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 9 trường hợp (8 trẻ em và 1 người lớn) mắc tiêu chảy cấp xảy ra ở điểm này.
2 trường hợp mới phát hiện là Trần Minh Lý (sinh năm 1985) và Trần Ngọc Quý (sinh năm 2011). Trong đó, bé Trần Ngọc Quý là chị con người bác và sống cùng nhà với bé Phạm Nghĩa Tình, người vừa bị tử vong do tiêu chảy cấp trước đó.
Theo ông Trương Văn Hạnh, phó chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, khu vực xảy ra tiêu chảy cấp có khoảng 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, trong đó có 22 trẻ dưới 15 tuổi.
Cũng theo ông Hạnh, toàn bộ người dân ở khu vực này đều tạm trú, sinh sống chủ yếu bằng nghề đào ao nuôi cá. Mặc dù chính quyền địa phương cố gắng thay đổi cách chăn nuôi của người dân, nhưng do mô hình vườn ao chuồng ở đây tồn tại khá lâu nên rất khó.
Can canh khu vuc tieu chay cap khien be 10 thang tuoi tu vong
Lực lượng y tế dự phòng địa phương đã xịt Cloramin B tại khu vực xảy ra các trường hợp tiêu chảy cấp chiều 23.4
Ở dưới ao thì người dân nuôi cá trê, cá phi, ếch… còn trên ao thì làm chuồng heo, gà, vịt để lấy phân cho cá ăn. Ngay cả vệ sinh của người dân cũng ngay trên ao này. Do đó, tình trạng mất vệ sinh ở đây rất trầm trọng, đó là chưa kể môi trường nhếch nhác, nguồn nước sinh hoạt được đào từ những giếng nước gần các ao nuôi này.
Mất vệ sinh có thể từ những nguyên nhân trên đã gây ra dịch bệnh, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cận cảnh khu vực tiêu chảy cấp khiến bé 10 tháng tuổi tử vong