Câu chuyện Gương và Sen dám mặc áo vua đi thăm ruộng để rồi rước họa diệt vong cho cả gia tộc, cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức giai thoại. Vậy thì lý do nào khiến Gia Long nổi trận lôi đình tru di cả 3 đời nhà Lê Phước…
Chuyện mặc áo vua đi thăm ruộng, cũng như ngôi mộ bị vua lệnh xiềng xích cho đến nay vẫn chỉ là giai thoại dân gian, chưa hề có bằng chứng nào xác thực.
Theo tư liệu của ông Trương Ngọc Tường, thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Nên việc Nguyễn Ánh được nhà Lê Phước cưu mang trong lúc loạn lạc cũng rất có thể xảy ra.
Đến năm Đinh Mùi, tức là năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân của Ngự úy nhà Tây Sơn đóng tại vàm Ba Rài. Nguyễn Ánh thắng trận, liền ra lệnh cho Tiền quân Tôn Thất Hội đắp đồn Mỹ Trang và Thanh Sơn, nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Nhà Lê Phước bị kết tội “bất trung”, nên bị “tru di tam tộc” và tịch thu ruộng đất để cấp lại cho con cháu của Tiền quân Tôn Thất Hội. Số ruộng đất này theo thống kê trong Địa bạ Minh Mạng năm 1836 có tới 125 mẫu. Dân gian gọi là “đồng quan”.
Đến đời vua Tự Đức, “đồng quan” được giao khoán cho một người có thế lực là ông Trâu Văn Điền coi sóc, lập kho chứa lúa thuế tạm trữ, trước khi chuyển về Huế. Ở gần vàm rạch Ông Tang còn địa danh Bến Kho và xa hơn một chút về phía nam có con rạch mang tên Bầu Điền.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, như thế, có thể suy ra rằng, nguyên nhân khả hữu nhất khiến dòng họ Lê Phước Tang vướng phải đại họa “tru di tam tộc” là do hai cậu Gương và Sen tuy là thân tộc với chúa nhưng dám giúp đỡ cho nhà Tây Sơn hòng diệt vong nhà Nguyễn.
Vào năm 1985, tại khu mộ bị xiềng xích đã xảy ra một vụ trộm vô cùng nổi tiếng. Những tên trộm do quá tin vào những lời đồn đại, những giai thoại dân gian về khu mộ đầy huyền tích này, nên chúng đã nghĩ rằng dưới mồ chắc chắn sẽ còn áo mão vua Gia Long do hai cậu Gương và Sen khâm liệm cho cha mẹ.
Ngay sau đó, chúng đã lén đào mồ vợ chồng ông Tang để trộm “báu vật”. Nhưng do ngôi mộ được xây quá kiên cố nên bọn trộm đã nghĩ ra cách đào hầm ngầm xuyên vào lòng đất dẫn đến quan tài của vợ chồng ông Tang.
Nhưng tất cả chỉ là công cốc, vì ngoài hài cốt đã tiêu tan từ lâu, trong mộ chỉ còn lại một chiếc lược làm bằng sừng dùng cho nam giới thời xưa và một chiếc ống ngoáy bằng đồng dùng để dầm trầu cau.
Việc này, cộng với thời điểm vua Gia Long lên ngôi và năm ông Tang mất được khắc trên bia mộ (năm Kỷ Hợi, tức là năm 1799 dương lịch) thì việc Gương và Sen khâm liệm áo vua cho cha mẹ là điều khó thể xảy ra.
Mộ cổ ô dước bị bỏ hoang
Theo chữ khắc trên bia mộ, ông Tang mất vào tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch. Như vậy khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang đã tồn tại hơn 2 thế kỷ qua.
Cây thị cổ thụ có tuổi thọ phải đến mấy trăm năm hiện nay được liệt vào hàng cây hiếm. Vì bên cạnh cây thị lớn, mọc thêm một cây con. Theo quan sát của các lão niên trong làng, đây rõ ràng là cây con mọc từ thân cây thị mẹ. Giống cây thị, từ trước đến giờ chưa từng có chuyện mọc thêm cây con từ thân, nên cây thị bên mộ ông Tang trở thành “hàng hiếm”.
Cây thị hiếm không ít lần bị "kiểng tặc" dòm ngó |
Hai ngôi mộ nằm trong khu đất khoảng 200 mét vuông, cây cối cỏ dại mọc um tùm. Từ lâu đã bị bỏ hoang phế, không người coi sóc. Khu mộ được chôn theo nguyên tắc truyền đời từ xưa đến nay là “nam tả, nữ hữu”. Có quynh thành bao quanh và 4 trụ hình búp sen, nhưng hiện đã bị gãy mất 2 trụ. Ngoài ra còn có bình phong hậu và bình phong tiền.