Nhận định chất lượng nhân sự là vấn đề yếu kém nhất trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã thành lập Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam hôm qua, 1.8.

Cần có chế tài với những tour dùng HDV Trung Quốc chui

PV Kim Vân | 02/08/2016, 15:01

Nhận định chất lượng nhân sự là vấn đề yếu kém nhất trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã thành lập Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam hôm qua, 1.8.

Sự ra đời của hiệp hội giúp mở ra phương hướng đào tạo đạt chuẩn quốc gia và khu vực cho đội ngũ nhân sự du lịch Việt Nam, thay vì mạnh ai nấy làm như hiện nay. Bên lề sự kiện, vấn đề khắc phục tình trạng sử dụng hướng dẫn viên (HDV) Trung Quốc “chui” cho khách đoàn Trung Quốc cũng được phóng viên báo điện tử Một Thế Giới tìm hiểu.

Nhiều yếu kém của nhân sự ngành du lịch đã được các chuyên gia “chỉ mặt đặt tên” tại đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam. Có thể kể đến những “căn bệnh” như thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, yếu ngoại ngữ, kém giao tiếp.… được xem là tiền đề để Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam ra đời.

Thiếu kết nối nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo

Ông Trần Văn Thông, Trưởng khoa quản trị du lịch và khách sạn Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM nhận định, việc đào tạo nhân sự ngành du lịch của Việt Nam còn nhiều bất cập. Ở trong nước thì có sự chênh lệch giữa thành phố lớn với các vùng sâu vùng xa, còn ra thế giới thì tụt hậu ngay cả so với trong khu vực. Điều này dẫn đến đầu ra cho sinh viên ngành du lịch còn rất thấp. “Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% cần phải được tái đào tạo bởi các doanh nghiệp (DN) du lịch, khách sạn, nhà hàng”, ông Thông cho biết.

Nguyên nhân chính được các chuyên gia nêu rõ, đó là sự thiếu kết nối trong vấn đề đào tạo giữa nhà trường và DN, khi mà chương trình giảng dạy còn thiếu thực tế, chỉ nặng tính lý thuyết mà chưa chú trọng kỹ năng, nên không đáp ứng được yêu cầu của nghề. Ông Phùng Thế Vinh, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vũng Tàu khẳng định, các trường cần mời DN tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo du lịch. “Trường mà tách rời khỏi DN thì chất lượng đào tạo chắc chắn rất tệ. Ở các nước khác, mối quan hệ nhà trường - khách sạn - hãng lữ hành rất chặt chẽ nên đầu ra cho sinh viên du lịch luôn được đảm bảo”, ông Vinh nói.

Chia sẻ quan điểm này, vị trưởng khoa du lịch của trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng nhận định: “Mấu chốt là phải tạo được sự liên kết hợp lý giữa nhà trường và DN, tức là DN phải tham gia vào thiết kế chương trình giảng dạy, và trường đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của DN thì mới có thể đảm bảo được đầu ra cho sinh viên. Hiện nay sinh viên ngành du lịch khách sạn ra trường đều phải tự bươn chải mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía cơ sở đào tạo”.

Nhiệm vụ được đặt ra cho Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam là nắm vai trò đầu mối trong việc thiết kế một chương trình chuẩn quốc gia và khu vực, dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và DN, để từ đó đào tạo nên một đội ngũ nhân lực vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, giỏi ngoại ngữ và đặc biệt là đam mê nghề nghiệp, nhằm đáp ứng được yêu cầu cao của các tập đoàn nhà hàng, khách sạn 5 sao đến đầu tư tại Việt Nam ngày càng nhiều.

Tăng cường cộng tác viên, không cần gia tăng đào tạo dài hạn HDV tiếng Trung

Cũng bàn về vấn đề đào tạo, trước tình hình lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đột biến thời gian qua, làm nảy sinh hiện tượng nhiều tour sử dụng HDV Trung Quốc “chui”để hướng dẫn cho khách Trung Quốc, có một số ý kiến cho rằng do chúng ta quá thiếu HDV tiếng Trung, vì thế cần tăng cường đào tạo đội ngũ HDV quốc tế tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách này. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Sơn, hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt, đối với lượng khách Trung Quốc tăng cục bộ tại một số địa phương thì nên chọn giải pháp đào tạo kỹ năng ngắn hạn cho đội ngũ cộng tác viên là những người biết tiếng Trung để có thể sử dụng ngay.

“Đối với các tour khách Trung Quốc thì ta phải tìm hiểu tính chất của từng tour. Nếu là khách tham quan trên cả nước thì chắc chắn chúng ta cần đào tạo đội ngũ HDV quốc tế tiếng Trung đáp ứng nhu cầu này. Nhưng nếu khách chỉ gia tăng trong một số khu vực nhất định, với mục đích nghỉ dưỡng, mua sắm ngắn ngày thì cơ quan quản lý có thể sử dụng các cộng tác viên tiếng Trung được đào tạo ngắn hạn, đủ khả năng giới thiệu cho khách về vùng đất, thành phố đó. Đương nhiên, việc quản lý khách như thế nào thì cần có sự kết hợp giữa HDV, khách sạn và cơ quan quản lý địa phương”, ông Sơn nhận định.

Ông cũng cho biết, việc đào tạo hướng dẫn viên quốc tế đòi hỏi một chương trình dài hạn. HDV quốc tế không phải chỉ cần biết ngoại ngữ mà còn phải được trang bị đầy đủ kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý và cả ý thức khi đại diện cho quốc gia, giới thiệu tinh hoa của nước mình cho du khách quốc tế. Do đó, đào tạo HDV quốc tế cần tính đến yếu tố dài hạn chứ không nên chỉ để đáp ứng nhu cầu cục bộ. Song song với việc đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngắn hạn, ông Sơn cũng nhấn mạnh cần có chế tài đối với những tour khách Trung Quốc dùng HDV Trung Quốc.

Đội ngũ cộng tác viên có thể là những sinh viên khoa Trung Quốc, hay những người biết tiếng Trung mà chưa có chuyên môn du lịch. Tại Đà Nẵng, thành phố có tỉ lệ khách Trung Quốc tăng vọt thời gian này, ông Đinh Viết Văn Hải, phó chủ tịch CLB Hướng dẫn viên Du lịch Đà Nẵng cho biết, CLB đang huấn luyện kỹ năng cho khá đông các bạn sinh viên tiếng Trung để có thể hướng dẫn được cho khách Trung Quốc chỉ sau một thời gian ngắn. “Các bạn đã biết ngôn ngữ rồi nên chúng tôi chỉ cho các bạn đi theo học hỏi kỹ năng của các anh chị hướng dẫn tiếng Anh hay tiếng Pháp, từ đó cập nhật kiến thức và hướng dẫn lại cho du khách Trung Quốc”, ông Hải cho biết.

Cách làm này đang tạo được hiệu ứng tốt khi dần giải được bài toán thiếu HDV cục bộ mà vẫn đáp ứng được yêu cầu cơ bản của các du khách Trung Quốc khi đến Việt Nam để nghỉ dưỡng gần đây.

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có chế tài với những tour dùng HDV Trung Quốc chui