Vào lúc Trung Quốc chiêu dụ đồng minh là các đảo quốc trên Thái Bình Dương, hải quân Úc sẽ xây lại một căn cứ hải quân Mỹ hồi Thế chiến 2 ở Papua New Guinea nhằm đề phòng Trung Quốc đang ngày càng hiện diện quân sự tại khu vực này.

Căn cứ hải quân của Mỹ thời Thế chiến 2 được Úc tái lập để chống Trung Quốc

03/11/2018, 19:34

Vào lúc Trung Quốc chiêu dụ đồng minh là các đảo quốc trên Thái Bình Dương, hải quân Úc sẽ xây lại một căn cứ hải quân Mỹ hồi Thế chiến 2 ở Papua New Guinea nhằm đề phòng Trung Quốc đang ngày càng hiện diện quân sự tại khu vực này.

Tàu chiến Melbourne của hải quân Úc ở vùng biển Hàn Quốc - Ảnh: EPA

Ngày 1.11, Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng người đồng cấp Peter O Neill của Papua New Guinea đã đồng ý tái lập căn cứ hải quân Lombrum ở đảo Manus ở phía bắc Úc. Động thái này cho phép hải quân Mỹ-Úc thoải mái tiếp cận một cảng ở phía nam Thái Bình Dương, và có hướng tiếp cận vùng Biển Đông tranh chấp ở phía nam.

Thủ tướng Morrison không công khai chi phí khi tuyên bố kế hoạch tái sử dụng căn cứ Mỹ, ông nói: “Tôi muốn củng cố sự cam kết bảo vệ Thái Bình Dương vì đấy là nhà của chúng ta. Khi thời cuộc thay đổi, có sự bất ổn và cạnh tranh chiến lược, Úc sẽ cần hành động mạnh mẽ hơn”.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Úc cùng thời điểm vị chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson thăm Úc và bàn vấn đề chiến lược đối phó Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.

Vị tướng Mỹ nói việc Úc đề nghị cùng hợp tác tái lập căn cứ Manus là “một cơ hội tuyệt vời”, đồng thời nói hãy còn quá sớm để khẳng định tàu chiến Mỹ sẽ sử dụng căn cứ Manus hay không.

Căn cứ Manus do quân Mỹ xây năm 1944, dùng để mở hướng tấn công nhằm tái chiếm Thái Bình Dương khỏi quân Nhật, đồng thời yểm hộ nỗ lực Mỹ giải phóng Philippines.

Ở căn cứ này, Mỹ xây một đường băng dài gần 3.000 mét cho máy bay cất-hạ cánh, và nhiều kè để tàu chiến cập bến. Sau Thế chiến 2, căn cứ này được Mỹ dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh của chế độ quân phiệt Nhật.

Gần đây, Úc sử dụng căn cứ Manus để giữ người xin tị nạn. Tư lệnh hải quân Úc, Chuẩn đô đốc Michael Noonan nói Úc sẽ hợp tác cùng Papua New Guinea xây kè cho căn cứ, để tàu tuần tra tặng cho đảo quốc này cùng cho các đảo quốc khác có thể cập bến. Nhưng cũng ông nói nếu cần thiết thì tàu chiến Úc cũng sẽ sử dụng cảng này.

Quân đội Papua New Guinea cũng mong muốn Úc cung cấp khí tài quân sự hiện đại, gồm xe quân sự và trực thăng.

Việc tái lập căn cứ Manus là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của Úc trước Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Hàng chục năm qua, Úc luôn có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại Thái Bình Dương, nhưng trong vài năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu chú ý đến khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Năm 2018, Papua New Guinea từng cho biết Bắc Kinh ngỏ ý tài trợ cho dự án tái phát triển một căn cứ hải quân trên đảo Manus. Lời đề nghị này khiến Canberra cùng nhiều nước phương Tây lo ngại.

Đầu năm 2018, các quan chức Vanuatu và Trung Quốc đều phủ nhận thông tin của báo giới Úc, rằng Trung Quốc lên tiếng quan tâm việc lập một chốt quân sự thường trực ở Vanuatu.

Hồi tháng 8, Úc “phá” Trung Quốc khi quyết định tài trợ cho quân đội Fiji xây căn cứ Đá Đen ở Nadi, trong khi một đơn vị tác chiến hải quân Úc cùng lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đến khu vực này, để biểu thị tinh thần hợp tác quân sự với các đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Hồi tháng 10, khu trục hạm Michael Murphy của hải quân Mỹ đã thăm thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, nhằm củng cố quan hệ với hải quân đảo quốc.

Tuyên bố tái lập căn cứ của Thủ tướng Úc diễn ra trước khi Papua New Guinea tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) trong hai ngày 17 - 18.11. Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự, và có thể ông sẽ đề nghị lãnh đạo các nước trong khu vực vay tiền của Bắc Kinh, theo báo The Wall Street Journal.

Hiện Papua New Guinea đang ngày càng cần Trung Quốc giúp phát triển, vài năm qua đã vay khá nhiều tiền của Bắc Kinh để đối phó cuộc khủng hoảng ngân sách và kinh tế suy thoái. Chính phủ nước này hiện nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) của Trung Quốc gần 1, 9 tỉ USD, là số tiền vay lãi suất thấp, để xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các dự án xây dựng khác. Nhưng như vậy là Papua New Guinea mắc nợ nặng khi tham gia vào chương trình Vành đai - Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

Ngày 1.11, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc thăm Papua New Guinea, nói Bắc Kinh tăng cường giúp các nước thuộc phía nam Thái Bình Dương hoàn toàn là thiện chí: “Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác, và sự giúp đỡ của chúng tôi không bao giờ đi kèm theo các điều kiện chính trị”.

Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Mục tiêu của Trung Quốc là giúp các đảo quốc ở Thái Bình Dương có được hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi hy vọng các người dân và các nước liên quan từ bỏ tinh thần Chiến tranh lạnh... và đánh giá khách quan quan hệ của Trung Quốc với các đảo quốc ở Thái Bình Dương”.

Bích Ngọc (theo Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căn cứ hải quân của Mỹ thời Thế chiến 2 được Úc tái lập để chống Trung Quốc