Ngày mai 10.10 dương lịch, người Hà Nội kỷ niệm lần thứ 63 ngày tiếp quản lại thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2017). Sực nhớ đến câu ca dao được nhiều người hay nhắc: Chẳng thơm cũng thể hoa lài/Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An.

Cần hiểu đúng câu: Chẳng thơm cũng thể hoa lài...

09/10/2017, 08:53

Ngày mai 10.10 dương lịch, người Hà Nội kỷ niệm lần thứ 63 ngày tiếp quản lại thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2017). Sực nhớ đến câu ca dao được nhiều người hay nhắc: Chẳng thơm cũng thể hoa lài/Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An.

Người Hà Nội - Ảnh: Na Sơn/Internet

Có lẽ, đa số chúng ta đều dễ dàng hiểu được thông điệp ngữ nghĩa được ngụ ý trong câu ca dao này: Dù không có vị thơm (như thường có) thì cũng là loài hoa thuộc dòng hoa lài (hoa nhài). Và dù không được “lịch" (lịch lãm, từng trải) thì cũng đang mang danh là người Tràng An (theo quan niệm xưa, được hiểu là người thuộc xứ kinh kỳ).

Câu ca dao nói lên một nét đẹp đặc trưng, tinh tế và đó là niềm tự hào của mỗi công dân đã và đang sống trên mảnh đất Thăng Long từ xa xưa cho đến bây giờ. Bởi lẽ giàu có, phú quý thì nơi nơi nhiều người có, nhưng hiểu biết, lịch lãm thì không phải cứ nhiều tiền là có được. Đồng thời, câu này cũng gián tiếp nhắc nhở những con người của “Hà Nội ngàn năm văn hiến” cần phải có ý thức, bổn phận về việc trau dồi phẩm chất, sao cho xứng đáng với truyền thống đã có và đang có, với niềm tin yêu, kỳ vọng của mọi người.

Điều tôi muốn nói ở đây là bây giờ, đa số câu thứ hai trong câu ca dao trên được đọc là “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Về ngữ nghĩa, cấu trúc này không khác, thậm chí tường minh hơn (dẫu là không được thanh lịch song dù sao cũng đang được tiếng là người Tràng An - những người được tôn vinh vốn dĩ là có nét đẹp về phẩm chất (thanh nhã, lịch lãm, lịch sự…). Tuy nhiên, từ xa xưa, câu này vẫn được truyền tụng là “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An”. Theo tôi, đây mới là nguyên gốc của câu ca dao. Nó còn lưu giữ trong khá nhiều tài liệu và bản thân tôi đã đọc trong sách giáo khoa thuở nhỏ.

Trước hết, hai câu lục bát trên có sự tương đồng về cú pháp, lặp cấu trúc “chẳng x cũng thể A = không có phẩm chất x cũng vẫn là A”. Chuyện song hành cú pháp như vậy trong văn chương không hiếm. Chẳng hạn: Cơm ăn một bát sao no/Ruộng cày một vụ sao cho đành lòng (ca dao); Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng/Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương/Nếu là mây tôi sẽ là một vừng mây ấm/Là người, ta sẽ chết cho quê hương… (bài hát Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh). Phép lặp kép diễn ra trong các câu kế tiếp nhau tạo nên hướng lập luận và làm cho thông điệp rõ ràng, thuyết phục hơn.

“Chẳng x cũng thể A” là một cấu trúc không quen thuộc của tiếng Việt. Cấu trúc lạ này vẫn được hiểu (và không bị hiểu sai) khi nó được đặt trong hai phát ngôn mà hướng lập luận là như nhau. Lài (nhài) là một loại cây nhỡ, là hình bầu dục, hoa màu trắng mọc thành cụm, nở về đêm, có vị thơm thanh mát (Hoa đào chưa thắm đã phai/Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu). Đây là “vật chứng” quan trọng được đưa ra làm xuất phát điểm cho lập luận.

Tương tự với nét đẹp của hoa lài, người Thăng Long - Hà Nội được coi là những người có tính cách riêng, tiêu biểu cho cư dân vùng kinh thành: đẹp, lịch sự, tế nhị, từng trải, biết cách cư xử đúng mực. Chữ LỊCH ở đây nghĩa rộng hơn nhiều (lịch duyệt, lịch lãm, lịch sự, lịch thiệp…) so với thanh lịch, vốn chỉ là một nét phẩm chất (thanh nhã và lịch sự). Do đó, theo tôi, khi trích dẫn, cần phải trả câu ca dao trên về dạng “nguyên sơ” của nó, vừa thống nhất, chặt chẽ về cấu trúc, vừa hàm súc và giàu sức liên tưởng về ngữ nghĩa:

Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An.

Phạm Văn Tình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
2 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hiểu đúng câu: Chẳng thơm cũng thể hoa lài...