Tối 1.12, Uỷ ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cần hiểu đúng về tín ngưỡng Tam phủ và nghi lễ hầu đồng

Hải Yến | 03/12/2016, 06:06

Tối 1.12, Uỷ ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghi thức hầu đồng liệu có phải là mê tín dị đoan?

Tín ngưỡng thời Mẫu chính được gọi là "Hầu đồng" lâu nay vẫn bị kỳ thị, coi như một hình thức mê tín, dị đoan. Mặc dù cho tới hiện nay nhiều người đã có cái nhìn tích cực hơn về một hoạt động chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, âm nhạc về hầu đồng, nhưng cũng không thể phủ nhận rất nhiều người vẫn lợi dụng nghi thức hầu đồng để trục lợi, thể hiện hành vi mê tín, dị đoan, lừa gạt niềm tin của mọi người.

Hầu đồng thực chất là việc mô tả hiện tượng các vị thần linh giáng nhập vào thanh đồng thông qua các giá và mỗi giá lại có một vị thần linh tương ứng khác nhau. Thông thường các giá được thể hiện theo một quy luật giáng nhất định. Thánh Mẫu giáng trước, sau đó có thể đến Đức Thánh Trần, sau mới là các hàng các Quan, các cô, các cậu. Trong nghi thức hầu đồng ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng, do vậy đây được xem là một loại hình sân khấu thiêng liêng. Hầu đồng thực chất là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là một quá trình tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong một tín ngưỡng dân gian bản địa. Trong hầu đồng chúng ta có thể nhận thấy một tinh thần yêu nước, việc tôn thờ hình tượng phụ nữ thông qua các Thánh Mẫu cũng như một cái nhìn mang tính vũ trụ học nguyên sơ với trời, đất, nước. Hầu đồng gắn liền với ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và một sức khỏe dồi dào.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trước đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho hay: Hầu đồng chịu không ít sự kỳ thị của mọi người vì nghĩ đó là trò mê tín dị đoan, nhưng nó vẫn có một chỗ đứng nhất định trong đời sống tâm linh của con người? Đó là vì niềm tin ở cõi tâm linh, nhu cầu thụ cảm nghệ thuật được đẩy lên tầm cao lại gắn liền với các nhân thần hay các anh hùng văn hóa được đúc kết lâu đời trong dân gian và được truyền thông qua những câu chuyện. Từ muôn đời nay, cái mà con người có thể sống và vươn lên đó chính là niềm tin để sinh tồn, bất luận niềm tin đó nó thực hư bao nhiêu phần và hợp lý đến đâu. "Niềm tin vào tín ngưỡng chính là liều thuốc tinh thần tạo dựng nguồn sống cho con người. Khi có niềm tin, con người sẽ chịu đựng được mọi tai ương, tật ách. Cái mức độ xin - cho như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức, tri thức của người tham gia tín ngưỡng. Tuy nhiên việc hành lễ tốn kém, đốt vàng mã với số lượng lớn thường dễ bị coi là buôn thần, bán thánh." – nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiển khẳng định.

Niềm tin vào tín ngưỡng chính là liều thuốc tinh thần tạo dựng nguồn sống cho con người.

Đạo Mẫu cầu an lành, hầu đồng là nghi thức

Trao đổi riêng với báo điện tử Một Thế Giới - cậu đồng Phùng Minh Trí (Trí Hàng Đồng) cho biết: Hầu đồng được coi là một tín ngưỡng dân gian và hiện nay nghi thức nàyđã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một tin vui rất lớn với những người đi hầu như chúng tôi. Sau những nỗ lực cố gắng phục nguyên vẻ đẹp của nghi thức lên đồng, những nét đẹp đó đã được quốc tế công nhận. Thành quả ngày hôm nay là công sức của biết bao thế hệ và tôi tin rằng, thời gian tới, Hầu đồng sẽ có một vị trí, vai trò mới trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt.

Việc lên đồng, hầu đồng là để cho con người ta cầu ban được sức khỏe, tài lộc. Khi thanh đồng thì lúc đó mình đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh, thường được gọi là "cái ghế của thánh", là nơi để thánh ngự vào. Đạo Mẫu là hướng đến cuộc sống an lành, hết sức đời thường, thực tế mà bất cứ thời đại nào cũng có. Do vậy, xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì càng có nhiều người tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu. Được biết hiện nay ở một số trường đã đưa hầu đồng thành một môn học trong tín ngưỡng dân gian, điều đó hoàn toàn là phù hợp và đúng đắn. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt. khi con người quá mong muốn cầu xin "lộc" để thuận lợi cho mình thì lại càng dễ bị lợi dụng, nhất là trong tín ngưỡng càng dễ bị lừa. Chính vì thế cần hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của sự việc, tránh để mọi việc trở nên cực đoan. Hầu đồng là để cầuxin sự an lành của chính mình chứ không phải là nơi xin "lộc, lá". Chính vì mọi người hiểu nhầm vấn đề nên những người đi theo làm hầu đồng luôn bị hiểu nhầm là mê tín dị đoan hay "buôn thần bán thánh", điều đó chỉ xảy ra khi hiểu sai vấn đề hoặc bị lợi dụng mà thôi.

Nếu đi hầu mà chỉ chú ý đến điều tiếng, ảnh hưởng tới công việc hầu đồng của mình thì mọi thứ cũng... không còn trở nên "thiêng" nữa - cậu đồng Phùng Minh Trí cho hay

Trong nghi lễ hầu đồng, trang phục là dấu hiệu quan trọng để nhận biết các giá đồng ứng với từng vị Thánh. Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn. Đối với những người đi lễ, lộc được hiểu theo nhiều cách khác nhau là: sức khỏe, tiền tài, làm ăn phát đạt, sự thịnh vượng... do thánh ban. Lễ vật dâng lên Thánh, được Thánh chứng và ban phát cho những người đi lễ cũng gọi là lộc. Người nhận được lộc tin rằng học sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. Vì vậy, ai cũng cố gắng xin được càng nhiều lộc càng tốt.

Bản thân GS.TS Ngô Đức Thịnh - ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam bày tỏ: Hầu đồng trong giai đoạn hiện nay, vẫn giữ được nhiều nét đẹp nguyên sơ, truyền thống quý giá. Tuy nhiên ở một bộ phận nào đó, trong đó có các thanh đồng đã làm trái đi những giá trị văn hóa vốn có. Nhiều vấn đề thuộc hầu đồng và các thanh đồng, cũng như những người lợi dụng để tuyên truyền mê tín, dị đoan đang trở nên nhức nhối. Quan trọng hơn cần có những tuyên truyền cụ thể đến những “ông đồng, bà cốt” biết tự chấn chỉnh việc lên đồng của chính mình để xã hội công nhận đó là một hoạt động văn hóa tốt đẹp.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hiểu đúng về tín ngưỡng Tam phủ và nghi lễ hầu đồng