Ngày 17.8, tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL.

Cần hơn 13.000 tỉ đồng để xử lý tình trạng sạt lở ở vùng ĐBSCL

Mỹ Tho | 17/08/2023, 17:50

Ngày 17.8, tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL.

Theo đó đoàn công tác làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An để bàn giải pháp khắc phục khẩn cấp tình trạng này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

tt-1.jpg
Đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở ở Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL rất đáng báo động. Từ đầu năm đến nay, toàn khu vực có 145 điểm sạt lở bờ sông rạch, bờ biển với chiều dài trên 800km, số điểm và mức độ nguy hiểm nhiều hơn so với cả năm ngoái.

Tại Tiền Giang có 54 điểm sạt lở bình thường, 03 điểm sạt lở nguy hiểm, 08 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tỉnh Bến Tre có 38 điểm sạt lở thường, 12 điểm sạt lở nguy hiểm, 11 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tỉnh Cà Mau có 33 điểm sạt lở thường, 44 điểm sạt lở nguy hiểm và 09 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

tt-3.jpg
Thi công đê biển Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Theo Bộ NN-PTNT việc xử lý các điểm sạt lở hiện nay ở vùng ĐBSCL cần nguồn kinh phí rất lớn (dự kiến hơn 13.400 tỉ đồng) ngân sách nhà nước không thể đáp ứng mà chỉ ưu tiên xử lý các "điểm nóng". Đoàn công tác liên ngành cấp bộ đã đi kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ sạt lở tại 11 khu vực để đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục cấp bách. Trong đó các địa phương đề nghị 06 khu vực, Bộ KH-ĐT đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023. Cụ thể tại tỉnh Hậu Giang có 2 khu vực, Trà Vinh 03 khu vực, Bến Tre 2 khu vực, Tiền Giang 01 khu vực, Long An 03 khu vực. Riêng các khu vực còn lại ở các tỉnh chưa mang tính cấp bách, đoàn công tác liên ngành thống nhất phương án khắc phục sau từ nguồn vốn khác.

tt-5.jpg
Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại cuộc họp 17.8 - Ảnh: Mỹ Tho

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng sạt lở ven sông, ven biển ở vùng ĐBSCL hiện rất nghiêm trọng. Những điểm sạt lở này có nguy cơ tiếp diễn, ảnh hưởng đến nơi ở, đất sản xuất của người dân, cần được đầu tư làm bờ kè xử lý khẩn cấp.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí của các địa phương không đáp ứng. Các tỉnh cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời kinh phí của cấp trung ương. Thời gian qua, chính quyền các địa phương trong khu vực rất chủ động xử lý nhanh các điểm sạt lở vừa và nhỏ, không để gây thiệt hại về tính mạng người dân.

sat-3.jpg
Sạt lở bờ sông hiện nay xảy ra thường xuyên ở ĐBSCL -  Ảnh: Văn hữu Huệ 

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi phân cấp những công trình nào của tỉnh, công trình nào của huyện kèm theo kinh phí, như vậy sạt lở vừa xảy ra làm liền. Nhất là ở dưới huyện sử dụng hết nguồn vốn của huyện, khi nào thiếu trình lên tỉnh chúng tôi xử lý.

Nguồn vốn dự phòng của tỉnh năm nay là 192 tỉ đồng đã sử dụng hết. Tiền Giang hiện chỉ còn nguồn quỹ phòng chống thiên tai sẽ sử dụng nguồn nay cho các công trình khẩn cấp. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho Sở KH-ĐT sẽ cắt một số dự án đầu tư để bổ sung kinh phí chống sạt lở tùy theo tình hình".

Tuy nhiên theo đại diện các bộ, ngành trung ương việc cân đối, bố trí nguồn vốn phục vụ các dự án khắc phục sạt lở là cần thiết nhưng phải đúng mục đích, phải có tình huống thiên tai, đảm bảo tính pháp lý.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT cho rằng, công tác phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL cần có đề án tổng thể. Các tỉnh phải đánh giá khu vực sạt lở nào cần xử lý khẩn cấp, khu vực nào chưa cần xử lý, khu nào cần di dời nhà dân đến nơi an toàn. Có những điểm sạt lở chưa nguy hiểm, chưa mang tính cấp bách không cần sử dụng nguồn vốn dự phòng mà sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách cho hợp lý.

tt-4.jpg
Đoàn công tác khảo sát sạt lở bờ sông Tiền - Ảnh: Mỹ Tho

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, những điểm sạt lở nghiêm trọng cần được xử lý ngay.

"Chúng tôi khuyến cáo các địa phương về cách thức, quy mô và các giải pháp khoa học, kỹ thuật để làm sao bền vững, tiết kiệm được kinh phí. Đồng thời chúng ta bằng số tiền đó nhưng làm được nhiều, các địa phương đã thống nhất với chúng tôi các giải pháp như vậy.

Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ về báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 8 Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ báo cáo tổng thể những điểm có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến người dân, đến hạ tầng, Chính phủ sẽ quyết định cấp tiền, có các giải pháp để các địa phương triển khai", Thứ trưỡng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hơn 13.000 tỉ đồng để xử lý tình trạng sạt lở ở vùng ĐBSCL