Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỉ đồng.

Cần hơn 150 nghìn tỉ đồng để phát triển cao tốc kết nối tại Tây Nguyên

Hồ Đông | 20/11/2022, 16:05

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỉ đồng.

tay-nguyen.jpg

Tại hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị sáng 20.11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận như Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ... không thể phát triển giao thông đường thủy cũng như đường sắt. Do đó, chỉ có thể phát triển đường bộ và đường không.

Giai đoạn vừa qua, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư (khoảng 95.655 tỉ đồng), hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. Dù vậy, nhưng do tốc độ khai thác thấp (từ 40-50 km/h) mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km

Hiện nay, về giao thông đường bộ, Tây Nguyên có hệ thống đường giao thông liên vùng tương đối phát triển với 19 km đường cao tốc và 3.114 km đường quốc lộ nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ thông các trục dọc: QL14, QL14C, đường Trường Sơn Đông, các trục ngang: QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL28B, QL29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các tuyến QL18B, 78.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỉ đồng. Kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương,..) với kinh phí khoảng 28.038 tỉ đồng (Bộ GTVT đã bố trí khoảng 12.303 tỉ đồng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương dự kiến bố trí khoảng 6.515 tỉ đồng) và kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước khoảng 9.220 tỉ đồng.

Giai đoạn 2026-2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng (cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...) với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 89.165 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, huy động, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là các tuyến cao tốc trong quy hoạch; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.

Thứ ba, các địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án đường bộ cao tốc được đầu tư; kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh theo chủ trương phân cấp, phân quyền.

Thứ tư, khi xây dựng các công trình đường bộ cao tốc cần đi xa các tuyến đường cũ để tạo thêm không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng, khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thứ sáu, các địa phương hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai trên địa bàn; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần hơn 150 nghìn tỉ đồng để phát triển cao tốc kết nối tại Tây Nguyên