Nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên muốn có sân bay riêng, hoặc nếu đã có thì muốn mở rộng hay thậm chí là thêm sân bay.

Nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khát vọng mang tên sân bay

H.Đ | 13/11/2022, 22:16

Nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên muốn có sân bay riêng, hoặc nếu đã có thì muốn mở rộng hay thậm chí là thêm sân bay.

Bình Định muốn xã hội hóa sân bay Phù Cát

Trong công văn vừa được gửi tới UBND tỉnh Bình Định liên quan đến công tác lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất lập Đề án huy động nguồn vốn đầu tư, khai thác, Bộ GTVT khẳng định đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác sân bay Phù Cát theo hình thức xã hội hóa, phục vụ nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hoàn toàn chính đáng.

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, hồ sơ quy hoạch đã hoàn thiện báo cáo giữa kỳ. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn khẩn trương hoàn thiện báo cáo cuối kỳ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát để gửi hồ sơ xin ý kiến các cơ quan liên quan, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn; đồng thời cung cấp thêm thông tin về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chất lượng hồ sơ quy hoạch.

Cảng Hàng không Phù Cát hiện đang khai thác bao gồm 3 hạng mục chính: sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay A321-200; nhà ga 2 tầng và đường băng. Trong đó, nhà ga hành khách có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, với quy mô hiện tại cảng hàng không Phù Cát đã bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, tết.

Theo kết quả dự báo về tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại du lịch của tỉnh Bình Định, đến năm 2025 khoảng 7,5 triệu hành khách và đến năm 2030 là 12 triệu hành khách.

Do đó, Bình Định cho rằng việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Phù Cát để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là rất cần thiết.

UBND tỉnh Bình Định đánh giá việc huy động nguồn vốn xã hội hóa theo phương thức PPP để đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng cảng hàng không Phù Cát là giải pháp đột phá nhằm đưa sân bay này trở thành một cảng hàng không hiện đại tạo động lực giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Khánh Hòa muốn có sân bay thứ hai

Bộ GTVT cũng vừa có ý kiến liên quan đến đề xuất xây sân bay ở khu kinh tế Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu tỉnh Khánh Hòa làm rõ những nội dung về quy hoạch sân bay trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong.

Một trong những vấn đề quan trọng mà Bộ GTVT yêu cầu là phải làm rõ sân bay ở khu kinh tế Vân Phong sẽ được xây dựng theo hình thức dân dụng hay sân bay charter (chuyến bay thuê trọn gói)?

san-bay.jpg
Khánh Hòa đã có sân bay Cam Ranh

Trước đó, để có cơ sở xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về quy hoạch sân bay trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong.

Tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ GTVT chấp thuận về việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Vân Phong trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 tầm nhìn năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến 2050 và báo cáo Thủ tướng xem xét, bổ sung Cảng hàng không Vân Phong vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng phê duyệt

Theo tờ trình Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 18.10.2022 về việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa đã "quy hoạch, đầu tư xây dựng sân bay dân dụng tại khu vực xã Vạn Thắng, với quy mô 500-550 héc ta".

Khu vực quy hoạch xây dựng sân bay dân dụng tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh kể trên nằm trong quy hoạch phân khu 8 - "Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông", thuộc khu vực bắc Vân Phong. Ngoài sân bay dân dụng đó, cũng tại phân khu này còn có quy hoạch bến thủy phi cơ.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng muốn có sân bay

Hồi tháng 9, UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời giao cho tỉnh triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.

Theo đề xuất của Kon Tum, sân bay Măng Đen có quy mô cấp 4E, công suất thiết kế từ 3 đến 5 triệu hành khách/năm, đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông với diện tích đất khoảng 350 ha. Sân bay dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2027.

Vào cuối tháng 5, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng. Sân bay hiện có 1 đường băng dài hơn 800m, có thể tiếp nhận các máy bay chở khách loại nhỏ và máy bay trực thăng. 

Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương này chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ; đường thủy không khai thác được, đường sắt, đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng; đây là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đây vẫn là điểm nghẽn đối với quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông.

Bình Phước được phép quy hoạch sân bay Hớn Quản thành sân bay chuyên dùng

Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng cũng nhất trí chủ trương quy hoạch sân bay quân sự Hớn Quản thành sân bay chuyên dùng theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước.

Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh Bình Phước thực hiện quy hoạch vị trí sân bay Hớn Quản vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lập hồ sơ gửi Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan thẩm định, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và ra quyết định phê duyệt vị trí quy hoạch sân bay chuyên dùng Hớn Quản theo quy định tại Nghị định số 42/2016/NĐ – CP ngày 15.5.2016 về quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng.

Theo Nghị định số 42, sân bay chuyên dùng là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng. Máy bay chuyên dùng là các loại trực thăng, thủy phi cơ, máy bay cánh bằng loại nhỏ, máy bay không người lái sử dụng đường băng bằng vật liệu hoặc đất, mặt nước.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải thống nhất giao cho tỉnh Bình Phước quản lý sân bay hiện hữu rộng hơn 100ha. Tỉnh sẽ lập dự án mở rộng sân bay lên quy mô 400 - 500ha theo hình thức đối tác công - tư (PPP).  Việc tỉnh Bình Phước muốn xây dựng sân bay lưỡng dụng nhằm chuyển hướng phát triển mạnh công nghiệp, trong đó tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng mở rộng và quy hoạch mới nhiều khu công nghiệp trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khát vọng mang tên sân bay