Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, qua các bản Hiến pháp khác nhau, quyền biểu tình đều được ghi nhận và hiện nay được quy định tại điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Cần Luật biểu tình để Hiến pháp đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn

Trí Lâm | 13/06/2018, 13:50

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, qua các bản Hiến pháp khác nhau, quyền biểu tình đều được ghi nhận và hiện nay được quy định tại điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Để Hiến pháp đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn

Như vậy, theo ông Vũ, mặc dù quyền biểu tình là quyền hiến định, quyền cơ bản của công dân nhưng công dân chỉ được thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật, nghĩa là phải có Luật Biểu tình. Do đó, phải có Luật Biểu tình để Hiến pháp đi vào đời sống một cách trọn vẹn với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Luật sư Vũcho hay, hiện nay, ở góc độ nào đó, đã có những cuộc biểu tình diễn ra trên thực tế với tên gọi, cách thức thực hiện khác nhau như các hoạt động tập thể phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa; phản đối hành vi sai trái của Formosa...

Tuy nhiên, vì chưa có Luật Biểu tình nên những cuộc biểu tình như vậy chưa được thừa nhận chính thức và cũng không có cơ sở xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của cuộc biểu tình.

Vì chưa có Luật Biểu tình nên cơ quan có thẩm quyền cũng chưa quản lý được hoạt động biểu tình, việc biểu tình (nếu có) của người dân chỉ mang tính tự phát và dễ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí quyền biểu tình còn bị lợi dụng để chuyển hóa cuộc biểu tình thành hoạt động gây rối, tuyên truyền, chống phá… Những bất cập đó là vì chưa có Luật Biểu tình để điều chỉnh, quản lý.

Do đó, luật sư Vũ cho rằngLuật Biểu tình ra đời không chỉ tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền hiến định của mình mà còn phục vụ cho việc quản lý nhà nước, đấu tranh với các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền biểu tình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Quản lý bằng luật là khoa học, văn minh

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại Bình Thuận mấy ngày qua, đại biểu quốc hội (ĐB) Trương Trọng Nghĩa nói rằngbức xúc của người dân thể hiện bằng việc kéo đi biểu tình cho thấy người dân còn quan tâm, chia sẻ những vấn đề của đất nước thì đó là điều đáng quý. Tuy nhiên, nếu có lực lượng nào xúi bẩy, kích bác, mua chuộc, cưỡng bức nhằm mục tiêu và ý đồ không tốt thì thế lực đó phải bị pháp luật trừng trị.

Nói về Luật Biểu tình, ông Nghĩa chia sẻ: “Nhiều người quên rằng việc xây dựng Luật Biểu tình là nằm trong Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị. Đây là lý do vì sao yêu cầu Quốc hội phải xây dựng luật đó. Đây là nghị quyết rất sáng suốt nhưng vì sao từ 2005 đến nay vẫn chưa ra đời được Luật Biểu tình?”.

“Qua các vụ giàn khoan 981, Formosa, giờ tới việc này thấy rằng nhu cầu biểu tình là nhu cầu chính đáng, là quyền con người đã được Hiến pháp quy định. Chúng ta chưa có luật, như tôi hay nói là nợ người dân. Tôi cho rằng đã đến lúc phải đưa luật này trở lại chương trình lập pháp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa cho rằng rằng quản lý xã hội bằng pháp luật là phương thức quản lý khoa học, văn minh, đúng với tư tưởng nhà nước pháp quyền. Càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải có luật để giải quyết.

“Nếu giải quyết không bằng luật sẽ phát sinh vấn đề: Đúng hay không, sai hay không? Chuyện biểu tình, tụ tập đông người là chuyện nhạy cảm đối với các nước chứ không riêng Việt Nam. Ngay nước Mỹ cũng vậy, chiếm Phố Wall, chiếm công viên trước Nhà Trắng... đều được xử lý bằng luật, khi có luật rồi không có cãi”, ông Nghĩa cho hay.

Cùng quan điểm, nói với báo giới tại hành lang Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng “chúng ta rất cần một Luật Biểu tình. Nếu có Luật Biểu tình thì người dân có thể bày tỏ thái độ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ và chúng ta có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích. Chính vì chúng ta không có luật nên mới xảy ra tình trạng này”.

“Tôi biết có không ít người dân rất thành tâm tham gia việc này, chứ không phải ai cũng là quá khích. Nhưng chúng ta không có hệ thống pháp lý để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình. Còn việc ai đó cho rằng đã có thông cáo nhưng người dân vẫn biểu tình, thực ra không thể nói tất cả người dân đều đọc được thông tin”, ông Quốc chia sẻ.

Đại biểu Quốccũng băn khoăn: Tại sao chúng ta không phổ biến cho người dân ở địa phương? Rõ ràng ở đây có vấn đề thông tin không kịp thời. Mặt khác, tổ chức chính trịxã hội ở địa phương gần như không nắm được.

“Tôi biết chắc là có rất nhiều người dân không phải tự phát, vì không ít người dân còn hỏi ý kiến tôi rằng chúng tôi có nên thế này, có nên thế kia không? Quả thực là thông tin của họ không đầy đủ. Sự việc này gây bức xúc cho người dân do chúng ta tuyên truyền chưa tốt và lấy ý kiến cũng chưa tốt. Bởi vậy, tôi nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn thiếu một luật để điều chỉnh về một quyền của người dân đã có, để người dân có cơ hội, có điều kiện bày tỏ quan điểm của mình nhưng trong khuôn khổ của pháp luật”, ông Quốc cho hay.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Luật biểu tình để Hiến pháp đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn