“Nếu con cái ông giỏi thì có thể phát triển ở nơi khác chứ không phải giỏi trong mắt bố. Không thể lý sự là con tôi giỏi nên tôi bổ nhiệm được. Giỏi thì đi đâu mà chả giỏi, chứ giỏi trong mắt bố mẹ, gia đình thì chắc gì đã giỏi” – GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Cần phải sửa luật để khắc phục nạn 'con ông cháu cha' trong bổ nhiệm cán bộ

Trí Lâm | 15/10/2016, 11:58

“Nếu con cái ông giỏi thì có thể phát triển ở nơi khác chứ không phải giỏi trong mắt bố. Không thể lý sự là con tôi giỏi nên tôi bổ nhiệm được. Giỏi thì đi đâu mà chả giỏi, chứ giỏi trong mắt bố mẹ, gia đình thì chắc gì đã giỏi” – GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

“Chạnh lòng” vì “đúng quy trình”

Tại cuộc họp báo Bộ Nội vụ chiều 14.10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã lên tiếng về tình trạng “cả họ làm quan” ở các địa phương trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong công tác tổ chức cán bộ thì người ngoài hay người trong gia đình, nếu có tài năng thì đều được sử dụng vàđược trọng dụng như nhau.

Ông Tuấn cho rằng, khi sửa Luật Cán bộ, công chức sẽ phải quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này để kiểm soát việc trong một đơn vị có nhiều người trong cùng một gia đình và tạo điều kiện thu hút người có đủ năng lực, người tài vào vị trí xứng đáng.

“Cùng với cơ chế kiểm soát tốt việc trong một đơn vị có nhiều người có quan hệ gia đìnhgiữ chức vụ, cũng cần phải có cơ chế tạo điều kiện để thu hút những người có tài năng, có đủ năng lực vào làm việc và được bổ nhiệm vào các vị trí xứng đáng” – ông Tuấn nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ còn cho biết rất mong muốn lắng nghe thông tin từ báo chí để đề xuất các cấp có thẩm quyền đưa ra giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, tránh được những vấn đề báo chí nêu khi bổ nhiệm.

Nói về vấn đề bổ nhiệm “đúng quy trình”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc bổ nhiệm theo đúng luật pháp, đúng quy định của Đảng, phù hợp với các tiêu chuẩn, thủ tục thì là đúng quy trình. Còn vấn đề chất lượng cán bộ thì phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu, của cấp ủy.

“Gần đây trên báo chí đề cập đến cụm từ “đúng quy trình” khiến chúng tôi cũng rất chạnh lòng, mà không có cơ hội để giải thích” – ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trong công tác nhân sự cũng cần phải có cơ chế đào thải. Những người được tuyển chọn, bổ nhiệm nếu như không làm được việc thì phải ra đi, nhường chỗ cho người khác.

“Hiện nay, trong luật cũng đã có quy định về miễn nhiệm rồi, nhưng theo tôi có lẽ còn phải bổ sung thêm một số giải pháp khác như người đứng đầu và lãnh đạo cơ quan mà không làm được việc thì phải họp cấp ủy lại để bàn cách miễn nhiệm chức vụ, để tìm người khác đáp ứng được yêu cầu” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần xóa bỏ việc bổ nhiệm người thân vào bộ máy

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng người thực hiện quy trình mới quan trọng chứ quy trình chưa phải là quan trọng nhất.Theo GS Giang, câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” rất phổ biến trong xã hội Việt Nam và tình trạng bổ nhiệm người thân vào bộ máy chính quyền địa phương mình quản lý cần phải được xóa bỏ.

Dẫn ra ví dụ, ông Giang cho biết, để tránh việc kéo bè kéo cánh, gia đình trị thì các triều đại phong kiến trong lịch sử đã áp dụng nhiều giải pháp, điển hình là Luật Hồi tỵ với rất nhiều quy định ngặt nghèo trong bổ nhiệm. Trong đó, quan trọng nhất là không được bổ nhiệm người thân vào các vị trí trong chính quyền mình quản lý và không bổ nhiệm lãnh đạo địa phương xuất thân từ chính địa phương đó.

Việc bổ nhiệm này tránh cho quan chức phải đối mặt với những mối quan hệ họ hàng, làng xóm trong xử lý công việc, đồng thời tạo môi trường tốt để quan chức có thể quản lý, tránh tình trạng kéo bè kéo cánh, tham nhũng… Chứ người địa phương nào quản lý địa phương ấy thìchưa hẳn các quan chức đã có cách nhìn khách quan về địa phương mình.

“Nếu con cái ông giỏi thì có thể phát triển ở nơi khác chứ không phải giỏi trong mắt bố. Không thể lý sự là con tôi giỏi nên tôi bổ nhiệm được. Giỏi thì đi đâu mà chả giỏi, chứ giỏi trong mắt bố mẹ, gia đình thì chắc gì đã giỏi” – ông Giang nhấn mạnh.

Về vấn đề đúng quy trình, theo GS Giang, quy trình chỉ là một phần, người áp dụng quy trình mới quan trọng và không khó để hợp thức hóa cái quy trình đó. Cả một tập thể nhưng người đứng đầu có sự chi phối rất lớn.

“Đối với những trường hợp đã bổ nhiệm xong mà báo chí phản ánh cũng chỉ tạo thêm một làn sóng dư luận chứ như hiện nay, họ bổ nhiệm đúng quy trình thì cũng không làm gì được họ. Các địa phương khácthấy địa phương này bổ nhiệm họ hàng vào chính quyền không bị xử lý thì đương nhiên họ sẽ bắt chước” – ông Giang cảnh báo.

Ông Giang cho rằng, học để có lợi cho mình thì không có ai buông, nhìn thấy nhiều người làm sai mà không bị xử lý, không ai lên tiếng thì họ sẽ nhanh chóng sắp xếp để đúng quy trình. Thủ tướng đã nói là chọn người tài mà không chọn người nhà là một định hướng rất hay, cần phải có giải pháp cụ thể hơn để chính những cán bộ muốn bổ nhiệm người nhà cũng không được chứ không chỉ là kêu gọi trách nhiệm chung chung của cán bộ.

Theo vị giáo sưnày, trong công tác bổ nhiệm cần phải nghiên cứu những thành tựu mà tiền nhân để lại. Một mặt là tránh cho người làm quan phải đối mặt với những mối quan hệ thân tộc, làng xóm, đồng thời để ngăn ngừa họ lộng quyền, kéo bè kéo cánh để đem lợi về cho mình. Khi đó, muốn được ghi nhận, muốn được lòng dân thì quan chứcbuộc phải có uy tín thực sự.

Trí Lâm
Bài liên quan
Tổng cục Hải quan điều động, bổ nhiệm nhiều cục trưởng
Tổng cục Hải quan vừa công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục trưởng hải quan các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần phải sửa luật để khắc phục nạn 'con ông cháu cha' trong bổ nhiệm cán bộ