Đó là ý kiến của các chuyên gia y tế đối với những người không thực hiện đủ các biện pháp cách ly theo hướng dẫn.

Cần phạt thật nặng những người không nghiêm túc cách ly để răn đe

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 30/04/2021, 17:26

Đó là ý kiến của các chuyên gia y tế đối với những người không thực hiện đủ các biện pháp cách ly theo hướng dẫn.

Về việc bệnh nhân 2899 tại Hà Nam đã lây bệnh cho nhiều người khi không thực hiện đủ cách ly 14 ngày theo quy định, theo BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho rằng cần phải phạt thật nặng những trường hợp như thế để làm gương.

Trong sáng 30.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sau 34 ngày không ghi nhận ca mới trong cộng đồng, ngày 29.4, Việt Nam đã ghi nhận chùm ca bệnh COVID-19 liên quan đến trường hợp nhập cảnh từ Nhật Bản sau khi hết cách ly tập trung tại Đà Nẵng về tỉnh Hà Nam. Đây chính là bệnh nhân 2899, quê tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nhập cảnh từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay VJ3613 tại sân bay Đà Nẵng ngày 7.4.

tran-dac-phu.jpg
PSG-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp

Sau khi cách ly và có 3 lần xét nghiệm âm tính với vi rút COVID-19, bệnh nhân đi xe khách lúc 20 giờ 30 ngày 21.4 về Hà Nam, trên xe có 34 người đi cùng. Sau khi về quê, người này không thực hiện cách ly đủ 14 ngày theo quy định và khuyến cáo, mà đã tiếp xúc với rất nhiều người, tổ chức ăn uống...

Đưa ra quan điểm về trường hợp làm lây lan dịch bệnh này, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM nói: "Việc phải cách ly 14 ngày của người đi từ vùng dịch, hay tiếp xúc với người có bệnh là trách nhiệm của mỗi người. Nếu không thực hiện đúng quy định về cách ly thì chính người đó sẽ tiếp xúc với hàng trăm người khác và làm lây lan dịch bệnh một cách mạnh mẽ. Thậm chí, nếu không thực hiện đúng và nghiêm túc quy định cách ly thì dù có thực hiện đủ 14 ngày hay một nghìn ngày cũng không có tác dụng gì cả. Cá nhân tôi thấy với những trường hợp này phải xử phạt thật nghiêm để làm gương với người khác".

tp_2_uvpz.jpg
Người dân được các y bác sĩ hướng dẫn cụ thể để ghi thông tin lịch trình dịch tễ

Theo PSG-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), việc phải thực hiện cách ly là trách nhiệm, đồng thời cũng cần khai báo y tế một cách chặt chẽ. Sở dĩ việc phải cách ly 14 ngày là do tiến trình phát triển của vi rút trong cơ thể người nhiễm từ 7 đến 8 ngày sẽ yếu đi, khả năng lây nhiễm cũng thấp dần. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn không có nguy cơ lây nhiễm, cả WHO và các chuyên gia trên thế giới đều khuyến cáo cách ly 14 ngày. Thời gian này người dân vẫn phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch như khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và hạn chế ra ngoài, tiếp xúc đông người.

"Trường hợp của bệnh nhân 2899 giờ là lây cho cả nhà và những người khác và trở thành lây lan dịch bệnh cộng đồng. Các tỉnh/thành phố như Hà Nội, TP.HCM và Hưng Yên hiện cũng đã ghi nhận ca bệnh liên quan tới bệnh nhân trên. Do vậy, có thể nói tốc độ lây lan lần này rất nhanh. Tuy nhiên, nhanh đến đâu thì còn phải chờ kết quả giải gien của Bộ Y tế”, ông Phu cho hay.

Theo ông Phu, trong đợt dịch này, Việt Nam phải đối diện với rất nhiều nguy cơ. Ngoài ổ dịch tại Hà Nam, tình hình dịch tại một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào… cũng đang rất phức tạp. Đặc biệt, Ấn Độ hằng ngày vẫn ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong do COVID-19…

Việt Nam cũng đang trải qua kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 kéo dài tới 4 ngày. Đây là thời điểm rất nhạy cảm, bởi nhu cầu đi lại và tập trung đông người rất cao. Chỉ cần một số người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thì sẽ rất nguy hiểm. “Như vậy có thể nói, nước ta đang phải đối diện với nguy cơ dịch xâm nhập từ nguồn nhập cảnh hợp pháp và cả không hợp pháp. Cộng với tình hình dịch trong nước và quốc tế, Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ. Thực trạng này càng khiến mỗi chúng ta không được chủ quan, bởi chỉ cần chủ quan, lơ là thì dịch bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào và ở bất kỳ tỉnh/thành phố nào. Với kỳ nghỉ dài ngày như thế này, người dân cần nâng cao cảnh giác, thực hiện đủ biện pháp 5K của Bộ Y tế để tránh làm lây lan dịch bệnh”, ông Phu nhấn mạnh.

Với các tỉnh, thành phố có hành khách đi trên các phương tiện, chuyến bay có liên quan đến bệnh nhân ở Hà Nam, đại diện Bộ Y tế lưu ý cần thần tốc truy vết, tiến hành cách ly tập trung ngay với tất cả trường hợp tiếp xúc gần (F1) và xét nghiệm xác định nhiễm COVID-19. Các trường hợp F2 cần theo dõi và quản lý cách ly tại nhà, tuyệt đối không để bỏ sót.

Trước đó, Bộ Y tế cũng ban hành công điện khẩn số 578 ngày 29.4 gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM về việc khẩn trương điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần phạt thật nặng những người không nghiêm túc cách ly để răn đe