Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đợt 2 và có dấu hiệu lây lan nhanh chóng tại một số địa phương ở nước ta, Bộ GD-ĐT vẫn cương quyết giữ quan điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đúng theo kế hoạch. Nghĩa là kỳ thi này sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10.8 sắp tới. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tính khả thi và độ an toàn của kỳ thi này, bởi nó thu hút hàng chục triệu người tham gia, lại diễn ra giữa đại dịch.

Cần thay đổi cách nghĩ để giải bài toán cho học sinh lớp 12 giữa mùa dịch

03/08/2020, 11:31

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đợt 2 và có dấu hiệu lây lan nhanh chóng tại một số địa phương ở nước ta, Bộ GD-ĐT vẫn cương quyết giữ quan điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đúng theo kế hoạch. Nghĩa là kỳ thi này sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10.8 sắp tới. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tính khả thi và độ an toàn của kỳ thi này, bởi nó thu hút hàng chục triệu người tham gia, lại diễn ra giữa đại dịch.

Nhiều người cho rằng tập trung thi trong lúc này là rất nguy hiểm cho các em- Ảnh: Vũ Phong

Thi trong khu cách ly”, chia thành 2 đợt

Đó là quan điểm của Bộ GD-ĐT. Các phương án mà Bộ này đưa ra có vẻ khá đơn giản, tuy nhiên, phân tích kỹ hơn chúng ta sẽ thấy nhiều bất cập. Như nhóm thí sinh từng tiếp xúc người bệnh, Bộ GD-ĐT chỉ đạo cho thi tại các khu vực cách ly tập trung, nhưng ai sẽ đảm bảo sự an toàn cho những người tham gia công tác tổ chức thi? Liệu rằng các cán bộ coi thi có đủ can đảm để thực hiện nhiệm vụ tại các điểm thi nhạy cảm như thế này không bởi sau khi làm xong nhiệm vụ nhóm cán bộ đó bắt buộc phải bị cách ly?

Chưa kể đến, bài thi của các thí sinh thuộc nhóm F1, F2 nếu không được xử lý khử trùng đúng cách, có thể trở thành “phương tiện” để lây truyền vi-rút từ trong các khu cách ly ra bên ngoài. Những cán bộ chấm thi loạt bài này phải làm cách nào để đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội?

Chưa kể đến, điều kiện tại các khu cách ly hoặc khu vực lân cận chưa chắc đảm bảo để tổ chức cho việc thi cử. Khi có sự cố phát sinh cần xử lý hoặc cần thanh tra giám sát tại các điểm thi trong khu cách ly, các cán bộ tham gia xử lý, giám sát sẽ phải cách ly ngay sau đó. Điều này sẽ dẫn đến khủng hoảng nguồn nhân lực phục vụ công tác tổ chức kỳ thi tại các địa phương.

Đáng quan tâm nhất là các thí sinh thuộc dạng từng tiếp xúc người bệnh (F1, F2) sẽ làm bài thi như thế nào trong khi các em canh cánh trong lòng nỗi lo bị nhiễm căn bệnh quái ác? Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài làm của các em, dẫn đến kết quả thi sẽ không như mong muốn.

Như vậy, phải chăng chúng ta muốn tổ chức thi cử để tạo sự công bằng cho các thí sinh nhưng ngay từ đầu đã tiềm ẩn nhân tố cho thấy khó có thể đảm bảo tính công bằng giữa nhóm thí sinh được tổ chức bình thường tại các điểm thi truyền thống và nhóm thí sinh F1, F2 phải thi trong khu cách ly, thi tại các phòng dự bị.

Thi để làm gì?

Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm là cơ sở để xét tốt nghiệp bậc học THPT cho các em học sinh lớp 12 thuộc hệ chính quy và hệ giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, kết quả của kỳ thi này còn là căn cứ quan trọng để các em xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, 2 mục đích này hoàn toàn có thể đạt được mà không cần phải tổ chức kỳ thi giữa diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay.

Cụ thể, ở mục đích xét tốt nghiệp THPT, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thực hiện bằng cách xét kết quả học tập của các em thông qua học bạ, sau đó công nhận các em hoàn thành chương trình THPT. Mặc dù hiện tại, thông tư của Bộ GD-ĐT quy định phải lấy kết quả thi mới đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh học xong bậc THPT, tuy nhiên, trong tình hình đặc thù do dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi quy định để phù hợp thực tế.

Bằng chứng cho thấy, nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp đã tuyên bố hủy kỳ thi tú tài năm nay (tương đương kỳ thi THPT quốc gia) do dịch COVID-19. Học sinh các nước này được phép sử dụng điểm trung bình của các môn học ở cấp 3 để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Như vậy, chúng ta nhận thấy các nước phát triển đã không ngại hủy bỏ 1 kỳ thi vì sự an toàn của các em học sinh cũng như toàn xã hội. Còn Việt Nam chúng ta, liệu rằng có nên kiên quyết đánh đổi sự an toàn để tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong khi hoàn toàn có thể thực hiện theo phương án khác khả thi hơn?

Rất nhiều chuyên gia tại các trường đại học cho rằng, nếu không có kết quả thi THPT quốc gia, nhà trường vẫn có thể tuyển sinh được. Cụ thể là, các trường đại học, cao đẳng sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh, sẽ ưu tiên xét tuyển học bạ cho các thí sinh. Đối với những trường đại học lớn, có tiêu chí tuyển sinh cao hơn so với mặt bằng chung, sẽ xây dựng phương án tuyển sinh thông qua các kỳ thi đánh giá năng lực.

Các kỳ thi này có thể được tổ chức linh hoạt, nhiều đợt trong 1 năm để thí sinh có cơ hội tham gia. Ngoài ra, các kỳ thi đánh giá năng lực của những trường đại học lớn cũng sẽ tránh các đợt cao điểm của dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho thí sinh. Như vậy, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, học sinh hoàn toàn có thể vừa được xét công nhận tốt nghiệp vừa giữ nguyên cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng.

Khổ như 2k2

Có thể nói, từ khi đất nước ta đổi mới và nền giáo dục quốc gia phát triển theo hướng hiện đại, thì chưa có thế hệ học trò nào khổ như thế hệ 2k2 (các em học sinh lớp 12 năm học 2019-2020 hầu hết đều có năm sinh là 2002). Các em phải trải qua một đợt nghỉ phòng chống dịch COVID-19 rất lâu từ sau Tết Nguyên đán, phải kéo dài năm học đến tận tháng 8, nghĩa là học 1 năm học dài nhất trong lịch sử.

Không những thế, các em phải “gồng mình” học với nhiều hình thức đào tạo, từ học theo lối truyền thống trên lớp, rồi học trực tuyến qua internet, học qua truyền hình... Dù những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo luôn tự tin rằng chất lượng dạy và học không bị ảnh hưởng, nhưng việc trải qua quá nhiều hình thức học tập như thế chắc chắn sẽ khiến học sinh lớp 12 mệt mỏi.

Năm học này cũng là năm có nhiều thay đổi từ phía Bộ GT-ĐT liên quan đến hình thức đào tạo; khung chương trình; thời điểm kết thúc năm học; thời gian, giới hạn và hình thức thi THPT quốc gia. Ngần ấy thay đổi đã tác động không nhỏ vào tâm lý của học sinh, gây xáo trộn kế hoạch học tập của các em đã chuẩn bị từ trước.

Thậm chí có người nói vui rằng, thời buổi bây giờ càng lên kế hoạch chu đáo càng dễ bị hụt hẫng, chi bằng nước tới chân mới nhảy còn hơn. Quan điểm ấy rất dễ tác động đến cộng đồng, khiến các em học sinh thế hệ 2k3 trở đi sẽ học tập theo hình thức đối phó, không có những sự chuẩn bị dài hơi để tích lũy kiến thức và phấn đấu vào các trường đại học điểm. Như vậy, nền giáo dục của chúng ta nhất định sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Những tưởng kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ là thời điểm kết thúc một năm học dài đăng đẵng của thế hệ 2k2, để các em có thể nghỉ ngơi sau 1 năm học quá nhiều biến động. Thế nhưng, dịch bệnh một lần nữa lại đẩy các em vào một thử thách mới, là phải đi thi giữa đại dịch. Mặc dù Bộ GD-ĐT, các địa phương đã dự trù mọi phương án tối ưu, nhưng tâm lý lo sợ vẫn bao trùm lên các thí sinh, phụ huynh, cán bộ tham gia công tác tại các điểm thi, cán bộ được phân công chấm thi và toàn xã hội.

Nếu như trước đây, khi thí sinh tham gia 1 kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia, lo lắng nhất của các em là làm bài thi không tốt, thì năm nay, có lẽ nỗi lo của thí sinh và phụ huynh không phải là chất lượng bài làm, mà là “sự an toàn của thí sinh trước dịch bệnh”. Thiết nghĩ, đã đến lúc những người có trách nhiệm cần ngồi lại để tìm ra giải pháp an toàn, tối ưu về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Các em học sinh 2k2 cũng mong chờ người lớn hãy biết nghĩ cho các em.

Bởi lẽ, trong năm học qua, dù ngành Giáo dục đã có quá nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến các em, nhưng các em vẫn ngoan ngoãn chấp hành. Tuy nhiên lần này lại là một sự kiện hệ trọng liên quan đến sự an nguy của các em, người lớn phải thật sự cân nhắc. Hoặc giả, trước khi ra những phán quyết quan trọng, người lớn hãy thử đặt mình vào vị trí của các em học sinh lớp 12 năm nay. Biết đâu những phán quyết ấy sẽ hợp lý và nhân văn hơn.

Chí Hùng

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần thay đổi cách nghĩ để giải bài toán cho học sinh lớp 12 giữa mùa dịch