Bệnh cúm và COVID-19 có nhiều triệu chứng chung và có chung đường lây. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu bệnh cúm mùa đang gia tăng cũng như mức độ tăng nặng có liên quan đến biến thể mới của COVID-19?
Biến thể mới COVID-19 có liên quan đến cúm mùa?
Hiện nay, thời tiết lạnh trong giai đoạn chuyển mùa đông - xuân tạo điều kiện thuận lợi cho dịch cúm phát triển mạnh. Thực tế, trong thời gian gần đây, số ca mắc cúm đã tăng lên tại nhiều địa phương, trong đó có không ít trường hợp nặng phải nhập viện điều trị, thậm chí thở máy.
Trước tình hình phức tạp của bệnh cúm, câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu nguy cơ bùng phát dịch cúm mùa có liên quan đến biến thể mới của COVID-19?
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cúm và COVID-19 đều là bệnh đường hô hấp do vi rút gây ra, đồng thời có một số triệu chứng tương tự như: sốt, ho, mệt mỏi…
Tuy nhiên, COVID-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, trong khi nguyên nhân của bệnh cúm đến từ vi rút Influenza. Hai loại vi rút này thuộc những nhóm khác nhau, có cấu trúc khác biệt. Ngoài việc có dấu hiệu ban đầu gần giống nhau thì nguyên nhân gây bệnh của 2 bệnh lý này không liên quan đến nhau.
“Biến thể vi rút mới của COVID-19 không phải là nguyên nhân khiến bệnh cúm nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Mặc dù biến thể mới của COVID-19 không phải là nguyên nhân gây ra sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của cúm, nhưng theo bác sĩ Hùng, giai đoạn giãn cách do COVID-19, các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đã giúp giảm sự lây lan của cúm mùa.
Khi các biện pháp được nới lỏng, vi rút cúm có cơ hội bùng phát mạnh hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng đối với cúm có thể đã suy giảm sau nhiều năm ít tiếp xúc với vi rút này.
“Nghĩa là, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc cúm, hoặc các biến chứng nguy hiểm liên quan đến cúm, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, trẻ em hay người có bệnh lý nền”, bác sĩ Hùng nói.
Nhận định về tình hình bệnh cúm hiện nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM khẳng định, dịch cúm hiện nay không có gì đặc biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, thời tiết càng lạnh vi rút cúm càng tác động mạnh và lây lan rộng khiến ca mắc tăng cao.
“Sở dĩ năm nay số ca mắc cúm tăng cao là do thời tiết thuận lợi cho vi rút cúm phát triển. Vi rút cúm có khả năng tồn tại rất lâu ở môi trường lạnh, thậm chí vi rút có thể sống được 1 tháng. Vậy nên, nếu thời tiết lạnh và kéo dài thì tác động của vi rút sẽ tăng lên và lây lan nhiều hơn. Ngoài ra, khi trời lạnh người mắc bệnh không giữ ấm cơ thể sẽ gây biến chứng, nặng thêm”, bác sĩ Khanh giải thích.
Làm thế nào để phân biệt bệnh cúm mùa với COVID-19?
Ngoài ra, một trong những băn khoăn hiện nay của người bệnh là họ không biết mình mắc cúm hay mắc COVID-19 , vì những triệu chứng của 2 bệnh này rất giống nhau.
Theo bác sĩ Hùng, cả cúm và COVID-19 đều lây qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần với người khác, đồng thời có nhiều triệu chứng chung như sốt, ho, mệt mỏi… thậm chí gây viêm phổi ở một số trường hợp.
Tuy nhiên, không chỉ COVID-19 có những triệu chứng giống cúm, mà còn rất nhiều bệnh truyền nhiễm vi rút đường hô hấp khác cũng có thể gây ra các triệu chứng giống cúm như: vi rút hợp bào hô hấp (RSV) gây viêm phổi ở trẻ; Adenovirus có thể gây sốt cao, đau họng, viêm kết mạc cùng lúc, là nguyên nhân của hội chứng sốt - viêm họng - viêm kết mạc; Parainfluenza gây viêm thanh khí phế quản (croup) và nhiễm trùng hô hấp dưới….
Để phân biệt bệnh cúm với COVID-19 và các bệnh hô hấp khác, bác sĩ Hùng cho biết cúm thường có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ 1-4 ngày, triệu chứng xuất hiện khá đột ngột. Người bệnh có thể đang khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ sau một đêm đã cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, sốt cao và có thể có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như: đau ngực, khó thở, dẫn đến viêm phổi.
Trong khi đó, COVID-19 có thời gian ủ bệnh lâu hơn, từ 2-14 ngày, trung bình khoảng 5 ngày. Các triệu chứng thường khởi phát chậm hơn, không rầm rộ như cúm.
Dấu hiệu đặc trưng của COVID-19 mà cúm hiếm khi có là mất vị giác, khứu giác. Nghĩa là bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nhưng không còn cảm nhận được mùi vị. Ngoài ra, ở những bệnh nhân biến chứng nặng có thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo gồm: ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao.
Theo bác sĩ Hùng, do có quá nhiều điểm tương đồng về các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, nên nếu chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài, rất khó để biết bệnh nhân đang mắc cúm, COVID-19, hay những bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp khác. Việc xét nghiệm RT-PCR, hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên là cách nhanh và chính xác nhất xác định được bệnh.
“Để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra, khi có dấu hiệu mắc bệnh, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt. Song song đó, người dân cũng lưu ý cúm mùa không phải bệnh cảm lạnh thông thường, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc xin. Chính vì vậy, người dân nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm. Đặc biệt đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.