Ngày 22.11, UBND TP.Cần Thơ đã quyết định thành lập 50 đội y tế lưu động, hoạt động trên địa bàn TP. Những đội y tế này hoạt động từ ngày 20.11 và kết thúc khi có quyết định của UBND TP.
Mỗi đội y tế lưu động có 4 thành viên, gồm 1 đội trưởng và 3 thành viên, là sinh viên Trường đại học Y Dược Cần Thơ. 10 bác sĩ của trường đại học này sẽ hỗ trợ hoạt động cho các đội.
Đội y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Y tế quận huyện và thực hiện công tác giám sát, theo dõi F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công; hỗ trợ trạm y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà.
Những đội y tế này cũng hỗ trợ trạm y tế trong công tác kết nối với F1, F0 được cách ly và điều trị tại nhà. Phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo, liên hệ với các cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp. Thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong việc cách ly, điều trị, quản lý F1, F0 tại nhà.
Chế độ, chính sách của thành viên tham gia đội y tế lưu động thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
UBND TP.Cần Thơ đề nghị Trường đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ 200 sinh viên và 10 bác sĩ tham gia hoạt động của đội y tế lưu động. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện hướng dẫn hoạt động chuyên môn của đội y tế; dự trù, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang bị bảo hộ, vật tư y tế phục vụ cho hoạt động của đội.
Chủ tịch UBND quận,huyện có trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm phương tiện, hậu cần, nơi ăn nghỉ phục vụ hoạt động của đội y tế lưu động; chỉ đạo lực lượng địa phương phối hợp, hỗ trợ trong thời gian đội y tế lưu động hoạt động trên địa bàn.