Chưa đầy 10 ngày nữa là tết, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Song và bà Nguyễn Kim Dừa không mấy thiết tha hòa vào cái không khí cuối năm. Có được miếng cơm manh áo thông thường đã là quý giá với đôi vợ chồng này. Với họ, tết tươm tất, tết sum vầy là quá xa vời.
Tình yêu dạt dào trong ngôi nhà dưới gầm cầu
Căn nhà nhỏ xíu, tứ bề được quây bằng tôn, không khí se lạnh cuối năm cũng không làm vơi đi cái nóng hâm hấp bủa vây. Đó là nơi ở của vợ chồng ông Nguyễn Văn Song (58 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Kim Dừa (63 tuổi). Tết nay là năm thứ 2 họ ăn tết trong căn nhà ấy, nó được dựng tạm bợ dưới chân cầu Cái Sâu, thuộc P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ.
Hơn 9 giờ sáng, bà Dừa nằm trên chiếc giường cô quạnh một mình, bà trở mình nôn nóng chờ chồng về. Đây là cảm xúc của bà hơn 4 năm qua, từ khi bà đổ bệnh phải nằm yên một chỗ. Bà sợ rằng, chồng không chịu nổi vất vả mà bỏ đi luôn. Thế nên, mỗi lần thấy cánh cửa bằng tôn lục đục có người mở cửa, thấy chồng bước vào, bà lại thở phào nhẹ nhõm. Biết ý vợ, ông Song nhìn bà rồi nói rằng: “Tôi ở đây, không bỏ đi đâu mà sợ. Bỏ được tôi bỏ lâu rồi”.
Mỗi sáng sớm, ông Song mua cho vợ 1 phần ăn sáng, 1 ly cà phê rồi để bụng đói đi bán vé số. Ông bảo rằng, chọn nghề bán vé số là để chủ động thời gian về chăm nom vợ. “Chứ làm nghề khác phải có giờ giấc, ai coi bả. Vài tiếng đồng hồ không thấy tôi, bà ấy lại lo”, ông kể. Đến gần trưa, ông Song mua con cá, miếng thịt về nấu cơm cho vợ. Ăn với vợ xong bữa trưa, ông lại tất tả lên đường bán vé số. Chiều về, hâm lại bữa trưa cho vợ ăn cơm, ông lại đi bán đến 8, 9 giờ tối.
“Tôi bán không được nhiều, mình là đàn ông nên cũng ít người thông cảm mua vé số cho. Ngày bán hơn 100 vé, tôi cũng lo cho vợ được 3 bữa cơm”, ông Song cho hay. Nhìn ông Song chăm sóc cho người vợ bệnh tật, ai cũng thầm cảm phục người đàn ông này. Từ khi vợ nằm một chỗ, việc ăn uống, vệ sinh cá nhân của bà một tay ông lo liệu, chưa một lần oán than hay cảm thấy phiền hà. Ông nghĩ đơn giản rằng: “Vợ mình, mình lo. Ngày trước bà ấy thương tôi sao, giờ tôi thương lại như vậy”.
Vợ chồng ông Song có 3 người con trai, nhưng cuộc sống của họ cũng chật vật không kém. Người làm thợ hồ, người làm công nhân, người làm thuê làm mướn khắp nơi, họ lo cho gia đình nhỏ cũng đã kiệt sức, không đỡ đần được cho cha mẹ bao nhiêu. Túng quẫn lắm, ông mới gọi cho các con. Nhận những đồng tiền chắt chiu con gửi, phận làm cha mẹ như ông cũng thắt hết ruột gan.
Trong tình cảnh đó, ông Song không dám nghĩ đến một cái tết tươm tất. Trong “túp lều” hơn 10 m2 của ông và vợ ở không có nổi một vật dụng gì có giá hơn 100.000 đồng. Cái bếp gas mini đã cũ, cái máy quạt nhỏ phủ đầy bụi được ràng buộc bằng dây lúc chạy, lúc không là 2 vật dụng giá trị nhất, tất cả đều được người khác cho. Còn lại là chiếc giường được ông dựng lên bằng những thanh gỗ.
Tấm đệm làm giường cho bà Dừa nằm thực chất là 2 tấm xốp ông lượm được ngoài đường. Chiếc giường sắt gãy mất mấy thanh ngang, rỉ sét vài nơi là chỗ ngả lưng của ông Song khi đêm về. Ông kể chiếc giường này được người ta cho, trước là vợ ông nằm, nhưng do bà đi vệ sinh không kiểm soát, chiếc giường bằng sắt bị rỉ sét nhanh chóng, có thể gãy sụp bất cứ lúc nào.
“Tết là lúc tôi bán được nhiều vé số nhất”
Với lý do tết bán được nhiều vé số nhất đã cho thấy rằng, những ngày này ông dành hết tâm trí, sức lực cho việc kiếm tiền. Còn ăn tết như người ta, ông không dám nghĩ đến. Kiếm thêm được đồng nào, ông có thể mua thêm cho vợ hộp sữa hay vài món ăn ngon. Chỉ tay lên bàn thờ ông khoe: “Hôm qua có người hảo tâm đến thăm, được cho hộp bánh kẹo, tôi để trên bàn thờ đó. Mấy bữa nữa, tôi kiếm ký thịt, chục hột vịt kho nồi thịt là được rồi, nhà nghèo ăn tết vậy thôi chớ mong đợi gì”.
Vợ chồng ông Song cũng đã từng có lúc huy hoàng, gọi là huy hoàng vì lúc đó khá hơn bây giờ. Nhưng xen lẫn trong cuộc sống của họ là những cơn sóng ngầm cứ chờ chực chồm lên nuốt chửng họ. Lần kể câu chuyện gần 40 năm về trước, ông Song cho biết, quê ông ở H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Lúc trai trẻ, tới tuổi đi lính, ông bỏ trốn khắp nơi vì sợ. Cơ duyên ông gặp được bà Dừa, và được gia đình bà cho ở nhờ. Quá trình sống chung, ông nảy sinh tình cảm với người phụ nữ hơn tuổi rồi nên duyên chồng vợ.
“Hồi đó, vợ chồng tôi cũng có ruộng vườn để làm. Rồi sau này, vay ngân hàng để làm ăn, thất bại rồi phải bán đất trả nợ. Gần 20 năm trước, gia đình dắt nhau lên Tây Ninh làm ăn. Thời gian ở đây có thể gọi là có chút khấm khá với gia đình tôi”, ông Song kể. Lúc đầu, 2 vợ chồng ông Song buôn bán hàng rong, thấy ở đây có món bánh mì thịt nướng được nhiều người ưa chuộng, họ tính kế làm ăn. Ông Song lén học nghề nướng thịt rồi cùng vợ đặt 1 tủ nhỏ bán bánh mì thịt ở trước khu công nghiệp.
Ông bán từ lúc 1 ổ bánh mì có giá 5.000 đồng đến khi lên giá 10.000 đồng/ổ. “Vợ chồng tôi buôn bán khá được một thời gian, rồi lấy vợ cho 2 đứa con trai. Sau đó, người ta làm ăn mạnh quá, vợ chồng tôi buôn bán không lại, tủ bánh mì bán ít lại dần”, ông Song buồn rầu kể. Lúc này, vợ chồng ông cũng để dành được chút tiền, mua cái nền nhà, định bụng dành dụm xây một mái nhà.
Rồi vợ ông đổ bệnh, u não, tai biến kéo theo bệnh đái tháo đường khiến ông không kịp trở tay. Để lo cho vợ, ông bán đi mảnh đất gia tài, đổi lấy hơn 100 triệu đồng. Nhưng những căn bệnh của vợ ông đã “ngấu nghiến” hết số tiền ấy một cách nhanh chóng. Ông tính đường về Cần Thơ, được người quen thương tình cho mượn đất, ông dựng nhà ở tạm, bán vé số lo cho vợ. Ở nhờ được gần 2 năm, đất bị lấy lại, túng thế không biết tính sao, ông liều ra dựng nhà ở dưới gầm cầu Cái Sâu.
“Tôi không thuê nhà trọ ở được, vì vợ tôi bệnh, không tự đi vệ sinh được. Nếu ở trong 1 dãy trọ sẽ làm phiền người khác lắm, trước sau gì cũng bị chủ đuổi đi”, ông Song cho hay. Trong “túp lều” không có nhà vệ sinh này, ông Song để vợ đi vệ sinh vào trong bô rồi ông dọn, còn bản thân ông thì khi có nhu cầu ông ra nhà vệ sinh công cộng. Tắm táp, thì ông ra đứng ngay bờ sông. Sống cơ cực, thiếu thốn là vậy, nhưng khi được hỏi, ông chẳng mong gì cho bản thân mình, chỉ mong có kiếm thêm được chút tiền lo cho vợ. Còn một mái nhà đúng nghĩa, là điều ông không dám mơ.
Bà Dừa nằm trên giường, chốc chốc lại đưa mắt tìm chồng. Mắt bà ánh lên niềm vui khi có người hỏi thăm, bà nói đứt quãng: “Tôi già rồi, đau bệnh luôn, bữa ăn được, bữa không, có bữa thức trắng đêm. Nằm ở nhà miết cũng buồn, bữa nhà bên kia có đám, hát karaoke tôi nghe cũng đỡ buồn”.
Dứt câu chuyện với khách, ông Song xách con cá lóc ra bờ sông, chuẩn bị cơm trưa cho vợ. Hai bên bờ sông Cái Sâu, mùa xuân đã đến ngập tràn, nhà nhà tất bật dọn dẹp, sắm sửa cho năm mới. Với ông Song, mùa xuân của ông đang nằm trong nhà, chờ một bữa trưa đong đầy tình cảm.