Quán cơm ở Cần Thơ mở ra hơn 2 tháng nay phục vụ cho người nghèo với giá không thể rẻ hơn: cơm chay 1.000 đồng, cơm mặn 2.000 đồng.
Bữa trưa “sang chảnh” giá siêu rẻ trong quán cơm Yên Vui
Hơn 11 giờ trưa thứ hai đầu năm 2021, quán cơm Yên Vui trên đường Võ Văn Kiệt, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều TP.Cần Thơ đã tấp nập người ngồi ăn. Hai dãy bàn ngồi chật kín người, sinh viên, người già, người lao động nghèo thoải mái thưởng thức bữa trưa mà không phải nặng lòng về giá cả. Từ ngoài cửa quán 2 bà cháu bước vào, người bà đưa cho nhân viên 5.000 đồng, đổi lấy 2 thẻ cơm. Người bà nhắc đứa cháu trai nhận lại 1.000 đồng tiền thừa. Họ vui vẻ mang thẻ cơm đến kệ để cơm, đổi lấy 2 phần giống nhau, gồm thịt kho trứng cút, rau xào, 1 chén canh, 1 miếng dưa hấu.
Nhìn những phần ăn đầy đủ các món được trình bày đẹp mắt trong khay inox, chẳng ai nghĩ rằng nó chỉ có giá 2.000 đồng. Ở trên kệ để khay cơm, còn nhiều món ăn khác để cho khách thoải mái lựa chọn. Nếu khách ăn chay, họ chỉ mất 1.000 đồng là có thể đổi được 1 phần ăn với 4 món: đậu hũ kho rau củ, cà tím xào, rau xào, trái cây tráng miệng. Quán cơm Yên Vui giống như thiên đường của người nghèo. Không phải thiên đường sao được khi trong hàng chục người ngồi ăn cơm ở đây cuộc sống của họ luôn phải đắn đo từng đồng bạc khi chi ra. Nay, họ chỉ mất 1.000 - 2.000 đồng/phần ăn thì đó là niềm hân hoan khó gì sánh bằng.
Một phần cơm bình dân bây giờ ít nhất cũng phải 20.000 đồng, 1 ngày ăn 2 bữa, thì người ăn mất 40.000 đồng. So sánh như vậy mới thấy được những phần ăn 1.000 đồng, 2.000 đồng ở quán cơm này giá trị như thế nào. Nó không giúp cho chủ quán giàu lên một chút nào, nhưng từng ngóc ngách trong quán luôn tràn ngập tình yêu thương. Giữa chủ quán, nhân viên và thực khách đến ăn cơm tồn tại sự sẻ chia, đồng cảm. Đó là giá trị cần lan tỏa.
Bà Nguyễn Thị Quý (63 tuổi) người phụ nữ dẫn cháu trai tới ăn cơm ở trên kể rằng, nhà bà ở gần quán, bà sống cùng con gái và cháu ngoại. Ban ngày khi con gái đi làm, 2 bà cháu ở với nhau, đến bữa thì lại đây ăn cơm. “Cơm ở đây rất là ngon, vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng. Tôi có nói con gái đăng tin lên mạng để cho mọi người biết mà đến đây ăn”, bà nói. Để góp một chút vào với quán cơm Yên Vui, bà Quý thỉnh thoảng lại mang đến quán gói hạt nêm, chai nước mắm coi như góp phần nào vào bữa ăn cho người nghèo. Khi ăn cơm ở đây, 2 bà cháu đã tiết kiệm một khoản không nhỏ mỗi ngày. Đây là niềm vui nhỏ bé mà ngoài bữa ăn ngon, bà Quý và cháu ngoại nhận được.
Cũng như bà Quý, những người ngồi ăn cơm ở Yên Vui đều mang niềm vui nho nhỏ khi rời quán. Với những công việc tay chân, những lo toan cuộc sống giờ đây đã có người sẻ chia, san sẻ phần nào. Số tiền họ tiết kiệm nhờ vào giá cơm 1.000 đồng, 2.000 đồng sẽ giúp họ có một cái tết tươm tất hơn. Trong quán cơm này, còn rất nhiều phận đời, nhiều câu chuyện làm xúc động người nghe. Như câu chuyện của chị Minh Châu (ngụ P.An Hòa, 43 tuổi), một người phụ nữ từng chịu nhiều tổn thương. Chị Châu kể, từ khi Yên Vui bắt đầu đón khách vào hơn 1 tháng trước, chị đã ghé ăn cho đến giờ. Lúc trước, tới bữa trưa, chị thường chọn đến quán cơm chay cho rẻ.
“Họ bán cho người khác thì 17.000 đồng/phần, còn những người bán vé số như tôi thì 10.000 đồng thôi. Còn không thì tôi vô quán cơm phần ở Q.Bình Thủy, họ cũng bán cho tôi 10.000 đồng/phần. Thường thì tôi vô lúc quán bán gần hết, họ xới cho tôi 1 tô cơm, còn gì thì tôi ăn đó. Buổi chiều cũng vậy, tôi ghé mấy quán cơm quen, mua 20.000 đồng đồ ăn về nhà nấu cơm cho 3 mẹ con ăn”, chị Châu xúc động kể.
Ba mẹ con chị ăn sáng cũng vậy, chị thường đưa con đến quán cơm chay, gọi 1 tô cơm, 2, 3 dĩa thức ăn, ăn xong chị đưa con đến trường. Chị Châu nghèo lắm! 11 năm trước, khi đứa con thứ 2 còn nằm trong bụng, chồng chị đã bỏ đi. Chị ở vậy, nuôi 2 đứa con bằng nghề bán vé số dạo. Chị là hộ nghèo ở địa phương, gạo được mạnh thường quân cho ăn hằng ngày, học phí của các con cũng được miễn giảm, nhà mẹ ruột cho ở đậu. Nhờ vậy mà chị bán vé số nuôi được 2 con ăn học. “Chứ ở nhà thuê dễ gì cho con đi học được”, chị cúi mặt nói.
Đến với quán Yên Vui, bài toán kinh tế của gia đình chị Châu bớt phức tạp đi nhiều. Vừa múc cơm, chị Châu vừa bày tỏ: “Hồi mới biết quán Yên Vui tôi mừng muốn chết, đi đâu cũng rủ mấy người bán vé số, mua ve chai ghé ăn cho đỡ tốn tiền. Lúc trước 3 mẹ con ăn cơm hết 30.000 đồng một bữa, giờ tốn có 6.000 đồng, mừng lắm”.
Mong Yên Vui lan rộng
Chị Lê Thị Hà Linh (33 tuổi) chủ quán Yên Vui cho biết, nguồn kinh phí để mở và hoạt động quán là từ quỹ từ thiện Bông Sen. Chị đứng ra quản lý, không nhận đồng lương nào. Quỹ từ thiện này có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, chuỗi quán cơm như Yên Vui là một trong số những hoạt động đó. Đến nay, quỹ đã mở được 13 quán cơm như trên ở khắp cả nước.
Để chuẩn bị mỗi ngày gần 300 suất cơm chay, mặn phục vụ người nghèo, chị Linh cho biết kinh phí vào khoảng 2,5 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền thuê mặt bằng, điện nước hàng tháng. Do điều kiện chưa cho phép nên hiện tại quán chỉ bán bữa trưa vào các thứ hai, tư, sáu trong tuần. Để đạt đúng tiến độ, chị Linh phải đi chợ trước 6 giờ sáng để 9 giờ 30 phút quán sẽ bắt đầu đón phục vụ khách. Ban đầu bếp ăn sẽ có 3-4 người phụ nữ phụ chế biến thức ăn, nấu cơm.
Đến giờ cơm vô khay, lên kệ và đón khách thì có thêm nhân viên đến phục vụ. “300 phần ăn/ngày nhưng trong đó chỉ hơn 30 phần là cơm chay, còn lại là cơm mặn. Chúng tôi lựa chọn và có sự thay đổi thực đơn để cho mọi người đỡ ngán. Tiêu chí của quán là ngon, đủ dinh dưỡng và vệ sinh, còn rẻ thì không phải nói rồi”, chị Linh cười nói.
Quán Yên Vui bày trí với màu xanh chủ đạo, ngay từ cổng đã có dòng băng rôn: “Đừng ngần ngại, cô bác vào ăn cơm đi!”, và với tinh thần “dành cho người cần thiết” quán đón rất nhiều người làm nhiều việc khác nhau ghé ăn trưa. Điều mà khách thấy hài lòng nhất là việc ngoài giá cơm như tặng mọi thứ còn rất vệ sinh, thái độ phục vụ của nhân viên thân thiện. Đối điện quầy bán thẻ cơm, là máy lọc nước, bồn rửa tay để cho khách hàng sử dụng. Bàn ghế, khay đựng thức ăn, nhà bếp, mọi thứ đều được chủ quán chăm chút từng chút và nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh tuyệt đối. Sự cố gắng của chị Linh đã mang lại một không gian gần gũi, ấm cúng khi khách đến ăn cơm.
Chị Linh mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều sự đóng góp từ cộng đồng để chị có thể bán thêm cơm buổi tối và tất cả các ngày. Việc làm tốt đẹp của chị Linh nhận được sự ủng hộ từ chồng, dù công việc của chị không hề rảnh rang nhưng khi được người ở quỹ từ thiện Bông Sen đề xuất mở quán cơm từ thiện, chị xung phong ngay. “Tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những người nghèo. Những bữa ăn là điều thiết thực nhất. Mình cực một chút không sao”, chị Linh nói giữa đông đảo thực khách ăn trưa.