Ngày 14.1, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Cần tránh tư duy 'án tại hồ sơ' trong xét xử

22/01/2019, 12:28

Ngày 14.1, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Vụ ông Huỳnh Văn Nén với hai án oan giết người. Ảnh: Vnmedia

Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được đáng ghi nhận, thì ngành Tòa án còn một số tồn tại, hạn chế.

Đặc biệt, tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có một số vụ án oan sai chấn động dư luận được ngành tòa án tổ chức xin lỗi. Đó là vụ ông Hàn Đức Long ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang bị án tử hình oan tội giết người và hiếp dâm, vụ bà Đặng Thị Nga và 2 con Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương ở Tuần Giáo, Điện Biên bị án oan giết chồng, giết cha. Vụ ông Nguyễn Trần ở ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai án oan “giao cấu với trẻ em. Vụ anh Nguyễn Huy Hòa ở Ba Bàu, Bình Thuận án oan tội cố ý gây thương tích, vụ Vũ Ngọc Dương ở Đống Đa, Hà Nội bị án oan 30 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang án oan chung thân về tội giết người. Vụ ông Huỳnh Văn Nén ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận bị 2 án oan về 2 tội giết người. Vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh bị án tử hình oan tội giết em họ.

Đi tìm nguyên nhân của các vụ án oan sai bị hủy thì thấy, do việc đánh giá chứng cứ của tòa án các cấp đã chưa đảm bảo được đúng bản chất của nó. Chính vì việc sử dụng chứng cứ (không chính xác) cho nên đã cho ra những bản án oan sai như vậy.

Tại Điều 86 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Như vậy ngoài việc phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, thì trước tiên, chứng cứ phải là những gì có thật đã. Và như thế cũng có nghĩa rằng, không phải cứ thu thập theo trình tự, thủ tục của BLTTHS thì nó đã là chứng cứ. Đó là điều những người xét xử cần hết sức lưu ý.

Trên thực tế rút ra từ các vụ án oan sai bị hủy đã cho thấy, Hội đồng xét xử các vụ án đó đã "quên" mất khâu đầu tiên khi tiếp cận với những thứ "được thu thập theo trình tự, thủ tục" của BLTTHS quy định, do Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chuyển đến. Đó là phải đánh giá với những thứ được tạm coi là chứng cứ đó, xem nó có phải là "những gì có thật" trong vụ án đó không đã. Chỉ khi nào những thứ đó là "những gì có thật" trong vụ án, và phải có liên quan đến hành vi xảy ra trong vụ án "để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”, thì mới được coi là chứng cứ.

Lâu nay trong công tác tư pháp vẫn còn có tư duy "án tại hồ sơ", cho nên khi những thứ này được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát chuyển sang Tòa án thì ở những vụ án oan sai cán bộ xét xử đã xem xét dễ dãi, thậm chí có khi còn mặc nhiên coi nó là chứng cứ, mà thiếu đi sự cảnh giác rằng nó có thể không phải là "những gì có thật" trong vụ án đã xảy ra đó.

Từ các vụ án oan sai bị hủy đã cho thấy, mặc dù là "được thu thập theo trình tự, thủ tục" do BLTTHS quy định, nhưng do vô ý hoặc cố ý mà những thứ được coi là chứng cứ này ại không phải là "những gì có thật" như quy định đầu tiên của BLTTHS về chứng cứ.

Chẳng hạn như, lời khai bị mớm cung, bức cung, người làm chứng gian dối, vật chứng lấy không đúng thứ phản ánh hành vi xảy ra, sơ đồ hiện trường mô tả thiếu sót,... thì rõ ràng đã không phải là "những gì có thật" của vụ án, mặc dù "được thu thập theo trình tự, thủ tục" do BLTTHS quy định. Thậm chí có vụ án khi thiếu vật chứng thì đã bổ sung bằng cách lấy vật chứng từ ... bên ngoài vụ án để cho khớp với lời khai trong hồ sơ, và sơ đồ hiện trường bị điều chỉnh sao cho ... khớp với lời khai. Thế nhưng khi đưa vào hồ sơ thì lại là "được thu thập theo trình tự, thủ tục" của BLTTHS mà thành chứng cứ, mà Hội đồng xét xử lại không nghi ngờ tính "là những gì có thật" của nó. Và án oan sai ra đời chính là từ đó.

Như vậy, đã cho thấy tư duy lối mòn "án tại hồ sơ" là rất nguy hiểm, là nguyên nhân chính gây nên những vụ án oan sai chấn động dư luận.

Từ đó đã cho thấy để xác định được những thứ tạm coi là chứng cứ đó nó có phải là "những gì có thật" của vụ án hay không, tức là để đánh giá chứng cứ một cách chính xác, thì lại phải qua một khâu cực kì quan trọng khác, là tranh tụng tại phiên tòa, vốn lâu nay trong các vụ án oan đó đã bị các thành viên Hội đồng xét xử xem nhẹ với tư duy "án bỏ túi", tức là đã định hình sẵn kết quả vụ án trước khi đưa ra xét xử.

Điều này đã giải thích tại sao một trong các bước tiến hành tố tụng là phải có tranh luận tại phiên tòa, là một bước cực kì quan trọng, không thể thiếu trong công tác xét xử vụ án. Có nghĩa rằng, một vụ án được xét xử chính xác hay không, là phụ thuộc rất nhiều vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Chính bởi tại phiên tòa, các thứ "được thu thập theo trình tự, thủ tục" do BLTTHS quy định đang tạm được coi là chứng cứ, nhưng nó cần phải trải qua một khâu kiểm chứng rất quan trọng là tranh luận tại phiên tòa, để thẩm tra được nó có phải là "những gì có thật" của vụ án hay không? Từ đó Hội đồng xét xử mới đánh giá được những thứ đang tạm coi là chứng cứ ấy, xem nó có chứng minh được hành vi xảy ra hay không?

Có như vậy Hội đồng xét xử mới đưa ra được nhận định chính xác về diễn biến của vụ án. Từ đó mà có căn cứ kết luận đúng về hành vi của bị cáo, mà đối chiếu áp dụng đúng theo hệ thống pháp luật hiện hành.

Như vậy để khắc phục được tồn tại này, thì tới đây ngành Tòa án cần đặt trọng tâm hiệu quả xét xử là kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Việc tranh tụng tại phiên tòa một cách công bằng giữa các bên, các ý kiến đều được coi trọng ngang nhau, sẽ soi rọi nhiều chiều làm sáng tỏ được những góc khuất của vụ án mà nếu nhìn phiến diện bề ngoài với những thứ đang tạm coi là chứng cứ đó sẽ không phát hiện ra được. Ý kiến của bên bào chữa phải là ngang hàng với bên buộc tội, và tòa án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh luận giữa 2 bên này để xét xử chứ không được theo nhận định chủ quan của mình hay nghiêng về phía bên "nhà nước". Đó phải được coi là nguyên tắc xét xử thì mới tránh được án oan sai.

Phạm Mạnh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần tránh tư duy 'án tại hồ sơ' trong xét xử