Sự tăng trưởng nhu cầu giấy vệ sinh là tín hiệu đáng lo cho môi trường, cho biến đổi khí hậu. Đã đến lúc mọi người cần bắt đầu suy nghĩ về tác động môi trường của giấy vệ sinh.
Giấy vệ sinh quá phổ biến ở một số quốc gia đến mức nô vô hình như không khí ta thở hay nước ta uống. Người ta chỉ chú ý đến nó khi một ngày vắng nó, ví dụ như tình trạng thiếu hụt giấy vệ sinh tại các siêu thị hồi đại dịch COVID-19.
Được cho là đã được sử dụng ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ sáu, nhưng phải đến năm 1850, “giấy vệ sinh” thương mại mới lần đầu được cấp bằng sáng chế ở Mỹ. Kể từ đó, nhu cầu giấy vệ sinh đã tăng vọt ở nhiều nơi, được thúc đẩy bởi tốc độ dân số tăng, quá trình đô thị hóa và cả thay đổi thói quen vệ sinh theo xu hướng văn minh.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chỉ có 25-30% thế giới sử dụng giấy vệ sinh; phần còn lại làm sạch bằng nước hoặc sử dụng các phương tiện khác. Bất chấp điều đó, đến năm 2023, doanh thu hằng năm trong lĩnh vực giấy vệ sinh (giấy vệ sinh khô và ướt) đạt tổng cộng 107,4 tỉ USD, với doanh số gần 46 triệu tấn, đồng thời thị trường mặt hàng này dự kiến sẽ tăng trưởng là 5,92% hằng năm trên phạm vi toàn thế giới. Theo các nhà phân tích thị trường, doanh thu lớn nhất được tạo ra ở Trung Quốc đông dân, lên tới 22,33 tỉ USD vào năm 2023 và sẽ duy trì tăng trưởng lên đến 7% mỗi năm cho đến năm 2027.
Sự tăng trưởng này là tín hiệu đáng lo cho môi trường, cho biến đổi khí hậu. Đã đến lúc mọi người cần bắt đầu suy nghĩ về tác động môi trường của giấy vệ sinh.
Những tác động bất lợi đó xuất hiện dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc tìm nguồn cung ứng ở rừng nguyên sinh và các đồn điền bạch đàn; đến các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, nước và hóa chất rồi việc vận chuyển và đóng gói. Ngay cả cuối vòng đời, đến lần xả cuối cùng thì chất thải do giấy vệ sinh có thể đẩy gánh nặng cho các cơ sở xử lý nước thải. Đã có cảnh báo về mối liên hệ giữa việc khai thác nguyên liệu làm giấy vệ sinh với việc mất rừng già.
Phá rừng: Thực tế phũ phàng của giấy vệ sinh mềm và dai
Về khái niệm, giấy vệ sinh rất đơn giản. Chuyên gia công nghiệp Greg Grishchenko, một kỹ sư cơ khí đã nghỉ hưu, người đã dành hơn bốn thập niên làm việc trong ngành sản xuất khăn giấy, giải thích: Nó được làm từ sợi xenlulo cộng với các hóa chất để dính lại với nhau. Sợi chủ yếu có nguồn gốc từ cây thân gỗ, nhưng cũng có thể đến từ giấy tái chế hoặc các nguồn thay thế như tre.
Tuy nhiên, Grishchenko nhấn mạnh rằng để tạo ra giấy vệ sinh mềm nhất, trắng nhất, loại mà ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thì ta cần bột giấy nguyên chất. Đây là thứ bột được làm từ cây rừng hoặc cây trồng. Trong khi đó, loại giấy được dùng từ nguyên liệu tái chế càng nhiều thì các sợi càng ngắn và không được mềm, dai cho lắm.
Các nhà phân tích cho biết, khi khách hàng ngày càng đòi hỏi vào chất lượng giấy vệ sinh phải sạch sẽ và thoải mái, thì nhu cầu về giấy vệ sinh chất lượng cao, mềm, thấm nước tăng lên. Điều này dẫn đến nguồn cung cấp nguyên liệu từ cây gỗ, rừng và đồn điền sẽ tăng lên. Trong khi đó, các nhà môi trường cảnh báo rằng nhu cầu về bột giấy nguyên chất đang gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng và theo Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, nhu cầu này đã “gây thiệt hại đáng kể cho các khu rừng trên khắp thế giới”.
Rắc rối với giấy vệ sinh có nguồn gốc từ đồn điền
Nạn phá rừng để lấy gỗ, bột giấy và giấy đang diễn ra đáng báo động ở Indonesia, cao hơn so với công nghiệp dầu cọ. Báo cáo của họ lưu ý rằng tính đến năm 2020, Brazil, Canada, Mỹ, Indonesia và Chile là những nhà xuất khẩu bột giấy lớn nhất thế giới.
Brazil là nước xuất khẩu bột giấy phù hợp cho sản xuất giấy lụa lớn nhất thế giới. Các đồn điền bạch đàn ở Brazil nổi tiếng nhờ cung cấp chất xơ có chất lượng tốt nhất, rất quan trọng cho việc tạo ra các sản phẩm giấy vệ sinh chất lượng cao. Năm 2020, Brazil đã xuất khẩu 15,6 triệu tấn bột giấy. Gần 48% đến Trung Quốc, khoảng 1/4 đến châu Âu, khoảng 15% đến Mỹ và phần còn lại đến các nước khác.
Việc mở rộng nhanh chóng các đồn điền bạch đàn ở Brazil và các nơi khác đã gây chia rẽ giữa các nhà bảo vệ môi trường. Một số người ủng hộ tuyên bố của các nhà xuất khẩu bột giấy rằng việc trồng bạch đàn giúp hạn chế cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu bằng cách lưu trữ carbon. Những người khác lưu ý rằng việc lưu trữ carbon này chỉ diễn ra trong một thời gian giới hạn, với việc cây bị chặt và nghiền thành bột khoảng 8 năm một lần. Việc sử dụng cây bản địa để làm bột giấy hoặc chặt cây để trồng rừng cũng thúc đẩy nạn phá rừng.
Các vấn đề khác nảy sinh do cây bạch đàn xâm lấn có nguồn gốc từ Úc. Đó là loại cây hút nước như chết khát, làm suy kiệt nguồn nước ngầm và làm tăng tình trạng mất nước ở các quốc gia như Brazil hoặc châu Phi, những nơi vốn chịu hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Các đồn điền bạch đàn cũng thiếu sự phong phú để đảm bảo đa dạng loài. Ngoài ra, nếu cây được xử lý bằng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp, thuốc diệt cỏ và phân bón, chúng có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.