Băng tại Greenland tan dẫn đến chênh lệch cực lớn giữa vùng nước lạnh này và vùng nước ấm hơn ở phía nam, khiến chiến tuyến thời tiết hai khu vực thêm nóng bỏng.
Kiến thức - Học thuật

Băng tan tại Greenland tạo ra chiến tuyến thời tiết, châu Âu toát mồ hôi

Anh Tú18:28 11/03/2024

Băng tại Greenland tan dẫn đến chênh lệch cực lớn giữa vùng nước lạnh này và vùng nước ấm hơn ở phía nam, khiến chiến tuyến thời tiết hai khu vực thêm nóng bỏng.

greenladn.jpg
Greenland không còn lạnh như trước

10 mùa hè nóng nhất và khô nhất ở châu Âu trong 40 năm qua đều xuất phát từ việc một lượng nước ngọt đặc biệt lớn từ băng đảo Greenland tan chảy và điều đó có thể báo hiệu một mùa hè đặc biệt nóng bức đang đến ở miền nam châu Âu trong năm nay.

Theo bà Marilena Oltmanns tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Southampton, Anh, mối liên hệ này xảy ra do lượng nước tan chảy thêm gây ra một loạt phản hồi khuếch đại ảnh hưởng đến cường độ và vị trí của dòng khí quyển đối lưu trên khắp châu Âu.

Oltmanns dẫn chứng: “2018 và 2022 là những ví dụ gần đây nhất. Vào năm 2022, nắng nóng gay gắt và xảy ra nhiều vụ cháy rừng trên khắp châu Âu, trong đó nhiều khu vực ở Anh khi lần đầu tiên có nhiệt độ lên tới 40°C.

Oltmanns cho biết, những hiệu ứng phản hồi này có nghĩa là châu Âu sẽ còn nóng hơn và khô hơn trong những thập niên tới khi băng ở Greenland tan nhanh hơn, bên cạnh xu hướng cơ bản ấm lên do phát thải nhiên liệu hóa thạch. Oltmanns khẳng định: “Điều này xảy ra cùng với sự nóng lên mà chúng ta vốn có do lượng khí nhà kính tăng lên".

Mặc dù các đợt nắng nóng và hạn hán khô hơn được dự đoán sẽ xảy ra khi hành tinh ấm lên, nhưng ở một số khu vực như châu Âu, các đợt nắng nóng và hạn hán gần đây thậm chí còn khắc nghiệt hơn so với các chương trình khí hậu dự đoán. Một số nghiên cứu đã liên kết các hiện tượng cực đoan này với những thay đổi về cường độ và vị trí của dòng khí quyển cực bắc vốn có ảnh hưởng lớn đến thời tiết châu Âu.

Nhưng trước giờ, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra những thay đổi này. Giờ đây, Oltmanns và đồng nghiệp đã phân tích các quan sát thời tiết trong 40 năm qua, họ cho rằng thời tiết khắc nghiệt là kết quả của thời kỳ băng ở Greenland tan chảy ngày càng nhiều.

Theo đó, lượng nước tan thêm dẫn đến một lớp nước ngọt nông lan rộng về phía nam của Bắc Đại Tây Dương. Vì lớp này ít có khả năng hòa trộn với lớp nước ấm hơn, mặn hơn bên dưới nên vào mùa đông mặt biển trở nên lạnh hơn bình thường.

Điều này dẫn đến chênh lệch cực lớn giữa vùng nước lạnh này và vùng nước ấm hơn ở phía nam, khiến chiến tuyến thời tiết hai khu vực thêm nóng bỏng. Điều đó lại tăng cường động lực cho gió, đẩy dòng nước ấm chảy mạnh về phía bắc - dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương - xa so với bình thường. Hệ quả là lại càng khuếch đại độ dốc nhiệt độ hơn nữa.

Oltmanns so sánh: “Những chiến tuyến này được tạo ra giữa các khu vực có nước ngọt lạnh và các khu vực có nước biển ấm hơn, là nguồn năng lượng chính cho các cơn bão”.

Trong một nghiên cứu năm 2020, Oltmanns cho rằng quá trình này sẽ dẫn đến tình trạng bão tố gia tăng trong mùa đông.

Hiện nhóm của Oltmanns đang gợi ý rằng những thay đổi trong mùa đông này sẽ có tác động lâu dài trong những mùa hè tiếp theo, đồng thời cho biết: “Chúng ta vẫn thấy những tín hiệu quan trọng hai năm sau khi hiện tượng bất thường về lượng nước ngọt xảy ra”.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy độ dốc nhiệt độ mạnh hơn dẫn đến dòng đối lưu mạnh hơn trên khắp châu Âu, dẫn đến thời tiết nóng hơn và khô hơn ở miền nam châu Âu. Sau đó, khi dòng nước lạnh bất thường rút đi, dòng khí quyển dịch chuyển về phía bắc, mang theo thời tiết khô nóng đến Bắc Âu.

Oltmanns cho biết chuỗi phản hồi này đã bị bỏ qua trong các phần mềm tính toán vì chúng không chứa các yếu tố như sự thay đổi lớn về lượng nước tan chảy từ năm này sang năm khác. Nghiên cứu của nhóm Oltmanns nhận được sự tán thưởng trong cộng đồng khí tượng học.

Adam Scaife tại Met Office, cơ quan thời tiết quốc gia Anh cho biết: “Mối liên hệ giữa các dị thường về lượng nước ngọt Đại Tây Dương và thời tiết mùa hè tiếp theo trên khắp châu Âu, được đề xuất trong nghiên cứu này rất hấp dẫn. Nó cũng phù hợp với nghiên cứu khoa học hiện tại trong dự đoán dài hạn về thời tiết mùa hè, đặc biệt nếu mối quan hệ này được duy trì trong các mùa hè sau này”.

Fei Luo tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore cho biết: “Tôi nghĩ nghiên cứu này có phần thuyết phục. Nhưng việc xem xét lượng nước tan chảy trong năm trước sẽ không tốt bằng việc xem xét điều kiện thời tiết mùa đông khi dự báo thời tiết mùa hè”.

Tuy nhiên, Oltmanns đủ tự tin để dự đoán rằng do băng ở Greenland tan ngày càng nhiều trong mùa hè năm 2023, châu Âu sẽ phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng và hạn hán hơn trong những năm tới. Oltmanns phỏng đoán: “Tôi nghĩ mùa hè này chúng ta sẽ có những đợt nắng nóng bất thường ở miền nam châu Âu”.

Thậm chí, Oltmanns tin rằng xu hướng này có thể còn mạnh hơn vào năm 2025 và sau đó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến Bắc Âu khi khẳng định: “Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có một đợt nắng nóng và hạn hán mạnh mẽ khác ở Bắc Âu không phải trong năm nay mà trong những năm tới”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quảng Ninh: Di dời khẩn cấp trong đêm 136 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở đất
19 phút trước Theo dòng thời sự
Phía tây sườn đồi cao ở khu vực phường Quang Hanh đang bị sụt, lún chỗ sụt xuống lớn nhất khoảng 1m, xung quanh có nhiều vết nứt có chiều rộng khoảng từ 25-40 cm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Băng tan tại Greenland tạo ra chiến tuyến thời tiết, châu Âu toát mồ hôi