Một số thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích kế hoạch bảo vệ người tiêu dùng của Đức nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Mười năm trước, khi châu Âu đang vật lộn trong cơn khủng hoảng, Đức đã dẫn đầu xu hướng “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, giờ đây Đức lại chi tiêu quá nhiều cho các khoản trợ cấp năng lượng khiến nhiều nước thành viên EU lo ngại động thái này có thể làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng cũng như trầm trọng thêm sự phân chia giàu nghèo, bùng nổ các tranh cãi chính trị trong khu vực.
Bất đồng đang gia tăng ở EU khi Đức ngày 29.9 thông báo thiết lập một "lá chắn phòng vệ" 200 tỉ euro (194 tỉ USD), bao gồm cả kiểm soát giá khí đốt và giảm thuế, để bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước tác động cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khối không thể đưa ra mức hỗ trợ tương tự, như Pháp và Ý chỉ chi hỗ trợ lần lượt 67 và 68 tỉ euro, tương đương với 66 và 67 tỉ USD.
"Nhiều nước thành viên không có ngân sách linh động như Đức và không thể hỗ trợ tương tự cho nền kinh tế của họ”, Thierry Breton và Paolo Gentiloni, ủy viên đại diện cho Pháp và Ý tại Ủy ban châu Âu (EC), cho biết trên tờ Les Echos của Pháp ngày 3.10.
"Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tránh bóp méo sự cạnh tranh trong thị trường nội khối. Chúng ta không được châm ngòi một cuộc đua trợ giá, làm dấy lên hoài nghi về những nguyên tắc đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sự thành công của châu Âu", hai ủy viên của Pháp và Ý cho hay.
Những bất bình này dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ tại hội nghị thượng đỉnh EU vào hôm 7.10 tại Prague (Czech) khi các nhà lãnh đạo sẽ giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng và các phản ứng hỗ trợ kinh tế.
Phần lớn trong số 27 nước thành viên muốn EU áp giá trần khí đốt, một số quốc gia như Ba Lan, Ý đang soạn đề xuất riêng. Số khác như Đức, Áo, Hà Lan, Hungary, Đan Mạch phản đối.
Giới quan sát nhận định căng thẳng đang gia tăng trong nội bộ EU được khơi mào bởi sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga vốn gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng của khối kể từ khi Moscow đưa quân vào chiếm Ukraine.
Một số quốc gia chỉ trích rằng sức mạnh tài chính khổng lồ của Đức cho phép nước này cứu vãn nền kinh tế của mình, trong khi các quốc gia nghèo hơn không thể bắt kịp. Các quốc gia EU cho rằng Đức có trách nhiệm phải thể hiện sự đoàn kết chứ không chỉ chăm sóc bản thân. Họ lập luận chính Berlin đã tạo điều kiện cho khí đốt của Nga thống trị tại châu Âu. Và việc Đức “quay xe” trong việc theo đuổi nguồn cung cấp khí đốt mới đã làm bùng phát khủng hoảng năng lượng khiến giá cả tăng cao.
"Người Đức chỉ lo lắng về nguồn cung cấp khí đốt chứ họ không quan tâm về vật giá leo thang, song đối với 26 quốc gia thành viên EU khác thì không như vậy", Bộ trưởng Năng lượng Ý Roberto Cingolani nói với đài Rai TV (Ý) hôm 2.10.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 3.10 cũng kêu gọi các quốc gia phối hợp các biện pháp giải cứu và tránh phá hoại thị trường. “Các hành động được thực hiện ở cấp quốc gia có tác động lan tỏa quan trọng tới các quốc gia thành viên khác, do đó, một cách tiếp cận phối hợp ở cấp châu Âu là quan trọng hơn bao giờ hết”, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết sau cuộc họp của bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU.
Ngay cả thủ tướng sắp mãn nhiệm của Ý Mario Draghi cũng đã đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi đối với Đức vào tuần trước. “Chúng tôi không dư dả để điều động ngân sách cho mọi thứ, chúng tôi cần sự đoàn kết”, ông nói
Guido Crosetto, người đồng sáng lập Brother of Italy, đảng được kỳ vọng sẽ lãnh đạo chính phủ Ý tiếp theo, cho biết trên Twitter rằng động thái “vung tiền” của Đức “không được đồng ý, không được chia sẻ, không được truyền đạt, đe dọa từ gốc rễ tính hợp lý của liên minh”.
“Điều cần thiết là chúng ta phải duy trì sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia thành viên khu vực đồng euro. Nếu không tham vấn, nếu không đoàn kết, nếu không hỗ trợ có mục tiêu cho doanh nghiệp, và nếu không tôn trọng sân chơi bình đẳng, chúng ta có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ của khu vực đồng euro”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết hôm 3.10.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cùng ngày khẳng định “gói hỗ trợ tương xứng với nền kinh tế Đức cũng như phù hợp với những gì các nước khác ở châu Âu đang làm” khi đối mặt với khủng hoảng năng lượng.
Hai năm trước, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã công bố một gói hỗ trợ đầy tham vọng nhằm thúc đẩy các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế của Đức trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, động thái này đã dẫn đến những cáo buộc rằng Berlin đang bóp méo sự cạnh tranh trên khắp châu Âu vì không phải tất cả các nước EU đều có đủ khả năng thực hiện các biện pháp như vậy. Cuối cùng, Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng bằng cách thành lập quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 750 tỉ euro (737 tỉ USD) lịch sử dù chính phủ Đức đã nhiều lần khẳng định rằng đây chỉ là giải pháp "một lần" và sẽ không lặp lại.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, điều gì xảy ra ở Đức cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Berlin cần phải nhận thức được tầm quan trọng của một phản ứng thống nhất trong khối vì đây là cách duy nhất để giải quyết những thách thức kinh tế lớn trước cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến tranh Nga - Ukraine gây ra.
"Nếu Đức tiếp tục đi một mình một kiểu, chúng ta sẽ không có một châu Âu thống nhất nữa, mà chỉ thấy một nước thống trị là Đức, điều này sẽ làm suy yếu không chỉ EU mà tất cả các nước khác”, Andrea Ferrazzi, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Ý nói.