Trong danh sách 9 nước Đông Âu ủng hộ Ukraine gia nhập NATO vắng tên Bulgaria. Điều này cho thấy các nước trong sườn đông NATO vẫn chưa dễ dàng tìm được tiếng nói chung để ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Vì sao Bulgaria chưa có mặt trong nhóm 9 nước Đông Âu ủng hộ Ukraine vào NATO?

Tá Nhu | 03/10/2022, 09:37

Trong danh sách 9 nước Đông Âu ủng hộ Ukraine gia nhập NATO vắng tên Bulgaria. Điều này cho thấy các nước trong sườn đông NATO vẫn chưa dễ dàng tìm được tiếng nói chung để ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Các lãnh đạo của 9 quốc gia thành viên NATO đã cùng nhau nhóm họp vào ngày 2.10 để ủng hộ Ukraine xin gia nhập khối quân sự Bắc Đặi Tây Dương.

Thông cáo của lãnh đạo của các nước Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Litva, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia nêu rõ: “Chúng tôi kiên quyết ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine”.

Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm đó, các thành viên liên minh NATO đã hoan nghênh nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine và Gruzia, song không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào cho việc gia nhập của hai quốc gia trên.

Có thể thấy rõ cả 9 nước kể trên đều là các thành viên ở Đông và Trung Âu. Tuy nhiên, có 2 sự vắng mặt trong cuộc họp kể trên là Hungary và Bulgaria. Điều này cho thấy các nước trong sườn đông NATO vẫn chưa dễ dàng tìm được tiếng nói chung để ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Với Bulgaria, họ lẽ ra sẽ không thể vắng mặt trong hội nghị kể trên nếu như là chuyện của vài tháng trước. Vào cuối tháng 6, cựu thủ tướng thân phương Tây Kiril Petkov đã bị hạ bệ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đến đầu tháng 8, Tổng thống thân Nga Rumen Radev đã bổ nhiệm chính quyền tạm thời và họ đã chuyển sang hướng hòa hoãn với Nga.

Vấn đề lớn nhất của Bulgaria và Nga là mua khí đốt với giá rẻ trong mùa đông này. Trong thời gian Petkov tại vị, quốc gia vùng Balkan này đã bị Moscow cắt nguồn cung khí đốt vào tháng 4 vừa qua sau khi chính quyền Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp việc mua khí đốt của Tập đoàn Gazprom theo yêu cầu của Nga.

Bulgaria tiêu thụ khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Quốc gia Balkan này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga trước khi Moscow cắt giảm nguồn cung vào tháng 8. Bulgaria đang chật vật để đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt với giá cả phải chăng cho các doanh nghiệp tại nước này.

Vào 1.10 vừa qua, Đường ống kết nối khí đốt giữa Hy Lạp và Bulgaria (IGB) chính thức đi vào vận hành thương mại. Với tổng số vốn đầu tư khoảng 240 triệu euro, trong đó có 45 triệu euro do EU tài trợ theo kinh phí ban đầu, đường ống xuất phát từ thành phố Komotini (Hy Lạp) đến thành phố Stara Zagora (Bulgaria) với công suất hằng năm đạt 3 tỉ mét khối và có thể tăng lên 5 tỉ mét khối.

Theo thiết kế, đường ống IGB cho phép Bulgaria kết nối qua Hy Lạp với đường ống Biển Adriatic (TAP) nhằm vận chuyển khí đốt từ Biển Caspi đến Tây Âu. Ngoài ra, IGB cũng vận chuyển khí đốt từ các nguồn khác, đặc biệt là thông qua cảng dầu khí Alexandropoulis ở phía đông bắc Hy Lạp trong tương lai để giao hàng từ Algeria hoặc Qatar.

Như vậy, với đường ống đi vào hoạt động này thì Bulgaria có thể thoát khí đốt Nga được hay chưa? Câu trả lời là lý thuyết thì có nhưng thực tế thì chưa.

Về lý thuyết nếu bên cung đáp ứng đủ 3 tỉ mét khí đốt mỗi năm thì sẽ đủ nhu cầu cho Bulgaria. Trên thực tế, Giám đốc điều hành (CEO) Bulgargaz, bà Denitsa Zlateva cho biết mới đang tiến hành các cuộc đàm phán với Azerbaijan để tăng cường giao khí đốt trong mùa Đông. Mỗi năm, nước này tiếp nhận khoảng 1 tỉ mét khối khí đốt từ Azerbaijan theo một hợp đồng dài hạn.

Cho dù đàm phán thành công đi chăng nữa thì mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của Bulgaria. Còn khí đốt từ Algeria và Qatar thì chi phí vận chuyển quá cao sẽ không phù hợp với mức chịu đựng của Bulgaria do đây là quốc gia thuộc loại nghèo nhất châu Âu.

Bộ trưởng Năng lượng lâm thời Rossen Hristov cho biết Bulgaria cũng đang xem xét mở thầu cho đường ống khí đốt từ các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chắc chắn các nước này sẽ bán với giá thị trường.

CEO Zlateva nhấn mạnh Bulgargaz đã đưa ra đề xuất với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, song hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.  

Sau khi Sofia có chính quyền tạm thời, Đại sứ Nga tại Bulgaria cho biết việc giao khí đốt tới Bulgaria có thể được nối lại nếu có “ý chí chính trị từ Sofia”, đồng thời nhắc lại rằng các khoản thanh toán phải bằng đồng rúp.

Từ đó, Bulgaria khi chưa thể có khí đốt giá rẻ như khí đốt Nga thì họ chưa sẵn sàng thể hiện “ý chí chính trị” để khiến Nga mếch lòng. Do vậy, việc Bulgaria không xuất hiện trong danh sách 9 nước Đông Âu ủng hộ Ukraine vào NATO cũng dễ hiểu vào thời điểm này.

Khi được hỏi liệu NATO có sẵn sàng chấp nhận đơn đăng ký vào khối của Ukraine hay không, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời rằng “mọi nền dân chủ ở châu Âu đều có quyền áp dụng và NATO tôn trọng quyền đó, chúng tôi đã tuyên bố lặp đi lặp lại rằng cánh cửa của NATO vẫn để ngỏ".

Ông nói thêm rằng các thành viên NATO gần đây đã khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid rằng họ “ủng hộ quyền lựa chọn con đường riêng của Ukraine,  thỏa thuận an ninh mà nước này muốn tham gia”.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng đã nói rằng "một quyết định về tư cách thành viên phải được thực hiện bởi tất cả 30 đồng minh và chúng tôi đưa ra những quyết định này bằng sự đồng thuận”. 

Bài liên quan
Sau khi 4 tỉnh nhập Nga, Ukraine đòi sớm gia nhập NATO nhưng NATO nêu "thủ tục khắt khe"
Trước mong mỏi sớm gia nhập NATO của Ukraine, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã nói rằng "một quyết định về tư cách thành viên phải được thực hiện bởi tất cả 30 đồng minh".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Bulgaria chưa có mặt trong nhóm 9 nước Đông Âu ủng hộ Ukraine vào NATO?