Theo các kết quả của công trình nghiên cứu được các nhà khoa học Nga công bố trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, thuốc trừ sâu tích tụ nhiều hơn trong cơ thể các loài sinh vật có nhiều mô mỡ.
Họ rút ra kết luận này qua nghiên cứu các loài chim biển và động vật có vú ở vùng Okhotsk và Bering trong nhiều năm. Họ lên tiếng cảnh báo về tác động lưu trữ của thuốc trừ sâu organochlorine trong cơ thể sinh vật biển và động vật có vú sống ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Đó là loại thuốc trừ sâu tổng hợp có chứa clo, bao gồm DDT (dichlorodiphenyltrichloroethane). Chúng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa học và nông nghiệp, mặc dù thực tế chúng rất độc, chậm phân hủy và có đặc tính tích tụ trong mô mỡ và các cơ quan nội tạng của sinh vật. Nhiều loại chất này được liệt vào danh sách cái gọi là "Dirty Dozen", như được ghi trong Công ước Stockholm.
Các tác giả đã nghiên cứu lông, da, gan, cơ các loài chim biển cũng như cơ, gan của cá voi xám và hải cẩu Thái Bình Dương. Họ đặc biệt chú ý đến cá voi xám, hải cẩu Thái Bình Dương và chim biển kể cả mòng biển, hải âu và chim báo bão...
Các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng sinh vật càng chiếm vị trí cao trong chuỗi thực phẩm thì càng có nhiều độc tố tích tụ trong cơ thể. Nghiên cứu cũng ghi nhận rằng các loài sinh vật sống lâu thì các nội tạng trong cơ thể càng tích tụ nhiều thuốc trừ sâu hơn là những loài có vòng đời ngắn. Chẳng hạn, cơ thể các loài cá nhỏ chứa ít thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, trong cơ thể sinh vật biển, động vật có vú và động vật ăn thịt những loài ăn cá đó thì nồng độ thuốc trừ sâu cũng cao. Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng ở động vật có vú mức độ ô nhiễm thuốc trừ sâu cao hơn, vì chúng có nhiều chất béo hơn trong cơ thể.
Vũ Trung Hương