Đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận dù nhưng bên liên quan đã có nhiều cố gắng nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý, nóng vội trong quá trình thực hiện nên còn rất nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, gây nhiều bức xúc.

‘Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án trọng điểm, mà còn là lời hứa của Chính phủ với nhân dân’

02/10/2019, 14:40

Đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận dù nhưng bên liên quan đã có nhiều cố gắng nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý, nóng vội trong quá trình thực hiện nên còn rất nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, gây nhiều bức xúc.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra nhiều dự án lớn tại Hà Nội - Ảnh: Hanoi.gov

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa đi kiểm tra một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.Hà Nội, gồm: Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng Hà Nội hiện vẫn có những thách thức rất lớn, do xu hướng tập trung hóa đô thị, vì vậy, trong thời gian tới Hà Nội và các bộ cần tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng, xác định rõ mục tiêu huy động các nguồn lực không chỉ từ ngân sách.

Lưu ý việc thành phố Hà Nội trong những năm tới ùn tắc giao thông sẽ ngày càng gia tăng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần có giải pháp để giải quyết đồng bộ các vấn đề này. “Không chỉ Hà Nội mà cả nước cần tích cực tham gia. Các vùng miền cần phát triển, tăng trưởng để hạn chế di dân cơ học đến các TP lớn như Hà Nội” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng nói đường sắt đô thị phải cơ bản hoàn thành mới giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, ODA vướng trần nợ công, cần phải huy động được nguồn vốn xã hội hóa. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục vay vốn, Bộ KH-ĐT hoàn thành hợp đồng bổ sung vốn vay.

Đặc biệt, đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng ghi nhận dù đã có nhiều cố gắng nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý, nóng vội trong quá trình thực hiện nên còn rất nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, gây nhiều bức xúc.

Phó thủ tướng yêu cầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ để thời gian sớm nhất phải đưa vào hoạt động. Tổng thầu phải đáp ứng các hồ sơ đánh giá an toàn, đủ điều kiện để chứng nhận an toàn hệ thống mới có thể hoạt động được. Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp nghiệm thu sớm công trình này.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương đưa dự án vào khai thác trong năm nay, vì dự án này không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội, mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân thủ đô.

Khi Phó thủ tướng yêu cầu sự cam kết về an toàn và tiến độ từ phía tổng thầu Trung Quốc, đại diện là ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nói:

“Chúng tôi cam kết về mức độ an toàn của dự án. Về tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng, nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có kết luận từ phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống. Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm đưa vào sử dụng càng nhanh càng tốt bởi càng chậm trễ càng ảnh hưởng tới hình ảnh của tổng thầu”.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận Hà Nội đã rất tích cực, vào cuộc rất sớm, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đến nay đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8 trên 9 gói thầu. Hiện còn gói thầu số 9 đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 10.2019.

Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng depot và tuyến, ga trên cao và đang triển khai giải phóng mặt bằng các ga ngầm (ga S9 đã thu hồi 99,1%; ga S10 thu hồi 95%; ga S1 thu hồi 94,2%; ga S12 thu hồi 94%), dự kiến, hoàn thành trong quý 4/2019. Dự án đang triển khai thi công, tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 52%, đối với đoạn trên cao dài 8,5km triển khai được 63% khối lượng. Dự kiến hoàn thành khai thác đoạn tuyến trên cao vào tháng 4.2021 và đoạn ngầm vào cuối năm 2022.

UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí đủ kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương từ năm 2020 cho đến khi hoàn thành dự án; Kiến nghị Bộ KH-ĐT sớm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2019 đợt 3 cho dự án; Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ký kết Nghị định thư bổ sung 20 triệu euro từ Chính phủ Pháp và gia hạn Hiệp định vay EIB…

Về công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt trên cao 2A Cát Linh - Hà Đông, năm 2014, thành phố đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố để vận hành các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội.

Tháng 7.2019, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương bố trí nguồn vốn để tiếp nhận nợ và trả lãi vay theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đã chỉ đạo xây dựng chính sách giá vé, xây dựng quy định quản lý, bảo trì và vận hành khai thác đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông; chỉ đạo công ty ký hợp đồng vận hành thử và hỗ trợ tiền lương cho các nhân sự từ ngày 15.3 đến 15.12.2019.

UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và có kế hoạch chi tiết về thời gian và kế hoạch bàn giao để thành phố có sự chủ động trong việc triển khai công tác tiếp nhận và đưa tuyến vào vận hành thương mại. Thành phố sẵn sàng tiếp quản khi dự án đủ điều kiện để vận hành an toàn.

Trong khi chưa có thời hạn chính thức bàn giao dự án, UBND thành phố đề nghị Bộ GTVT có văn bản để Ủy ban tiếp tục giao cho công ty duy trì số nhân lực đã được đào tạo vận hành dự án.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án trọng điểm, mà còn là lời hứa của Chính phủ với nhân dân’