Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, trong hàng nghìn năm qua, ĐBSCL được phù sa và cát bồi đắp hình thành. Giờ đây, sạt lở xảy ra khắp đồng bằng bởi thiếu hai thứ ấy. Đó là hậu quả của việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát trên sông Mekong.

Cát ở ĐBSCL - Bài 2: Nguyên nhân gây cạn kiệt

Văn Kim Khanh | 15/10/2023, 07:35

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, trong hàng nghìn năm qua, ĐBSCL được phù sa và cát bồi đắp hình thành. Giờ đây, sạt lở xảy ra khắp đồng bằng bởi thiếu hai thứ ấy. Đó là hậu quả của việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát trên sông Mekong.

Hai nguyên nhân chính gây cạn kiệt

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo, hiện nay, việc cát được xem là vật liệu xây dựng và cấp phép theo địa giới hành chính là cách nhìn hạn hẹp. Theo ông, việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần “liên kết vùng”, xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng, kể cả bờ sông và bờ biển. Nếu mỗi địa phương cứ tiếp tục khai thác cát tận thu như hiện nay thì tương lai bản đồ địa lý ĐBSCL có thể thay đổi bởi bờ sông sạt lở biến dạng, bờ biển sạt lở thụt lùi.

cat-4.jpg
Theo ước tính, hơn 50% lượng cát ĐBSCL phục vụ cho xây dựng công trình giao thông - Ảnh: Mỹ Tho

Cũng theo thạc sĩ Thiện, từ năm 2010, khi tham gia nhóm chuyên gia quốc tế 25 người thực hiện “Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mekong” trong 14 tháng, ông đã liên tục cảnh báo việc cát về ĐBSCL ngày càng suy giảm và sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên, lúc đó cát còn dồi dào hơn bây giờ nên ít ai để ý.

Nói về tác động của các đập thủy điện, ông Thiện cho biết khi quốc tế họ dùng chữ "sediments" mà tiếng Việt gọi chung là phù sa thì nó gồm bùn và cát. Bùn thì lơ lửng trong nước và di chuyển về ĐBSCL, còn cát thì ở đáy sông phải mất vài chục năm mới từ phía thượng nguồn về tới ĐBSCL.

Nói về bùn, ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm, theo số liệu của Ủy hội Sông Mekong so sánh giữa năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Khi có thêm 11 đập dòng chính Mekong ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn ước tính sẽ giảm chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm.

Còn về cát, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nói “đáng lo là gần như toàn bộ cát sẽ bị thủy điện chặn lại, không còn về ĐBSCL nữa. Điều này có nghĩa là lượng cát hiện nay có được ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai”.

Phân tích thêm về tình trạng sạt lở do khai thác cát, chuyên gia này cho biết “sông Mekong tại Việt Nam là một hệ thống, khi khai thác cát trên nhánh chính sông Tiền, sông Hậu sẽ tạo ra những hố sâu. Dòng chảy sẽ khỏa lấp và tái phân phối đáy sông làm hạ thấp toàn bộ đáy sông Tiền, sông Hậu. Khi đáy dòng nhánh chính bị hạ sâu sẽ rút bùn cát từ đáy các sông nhánh ra. Sông nhánh bị sâu lại tiếp tục rút từ đáy các sông nhỏ hơn ra. Cứ thế nó gây sạt lở lan tỏa khắp đồng bằng, kể cả kênh rạch nhỏ, nơi không có khai thác cát”.

dinh-tuyen-3(1).jpg
Nhu cầu về cát cho xây dựng giao thông ở ĐBSCL mỗi năm lên tới hàng chục triệu mét khối - Ảnh: LĐT

Cần xem xét lại sự quản lý và khai thác cát

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Khai thác cát, sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún ở ĐBSCL nhanh hơn”. Ông Tiến cho biết thêm: “Tính từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã phải bố trí nguồn vốn riêng phòng chống sạt lở cho các địa phương ĐBSCL trực tiếp quản lý lên tới hơn 13.000 tỉ đồng”.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) khẳng định cát là nhu cầu thực sự cho xây dựng, san lấp, không thể cấm khai thác nhưng phải cân đối khoa học và kiểm soát một cách hợp lý. Thực tế, hiện nay chưa có quy hoạch khai thác cát mang tính tổng thể của toàn vùng ĐBSCL. Những mỏ cát, tài nguyên, đất đai giao cho tỉnh quản lý không có sự liên kết, không ai tính toán đến chuyện khai thác tài nguyên, mỏ cát của tỉnh này có ảnh hưởng tới tỉnh khác hay không. Những quyền lợi mang tính cục bộ chi phối nên các địa phương chỉ tính làm sao đem lại ngân sách cho tỉnh nhà mà không biết rằng đang gây hại cho chính mình và các tỉnh thành khác nữa.

cat-xay-dung-cong-nghiep-do-thi.jpg
Cát phục vụ xây dựng đô thị và công trình công nghiệp cũng đang lên cơn sốt - Ảnh: Internet

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, trước hết cần lập tức đánh giá lại trữ lượng cát của toàn vùng ĐBSCL, khả năng bổ sung còn chừng nào, được phép khai thác ở mức độ nào... Nếu không còn nằm trong mức an toàn thì phải tính toán lại hoặc ngưng khai thác. Quan trọng nhất, phải có bàn tay của Chính phủ làm “nhạc trưởng” điều phối, liên kết. Cần hình thành những hội đồng vùng đủ mạnh, không chỉ có đại diện tất cả các tỉnh, những nhà chính trị, kinh tế học mà phải có sự góp mặt của các nhà khoa học, những nhà môi trường, hoạch định chính sách để đánh giá, khuyến cáo, đưa ra các chính sách mang tính dài hạn, tổng thể.

Cát ở ĐBSCL - Bài 1: Trước mối nguy cạn kiệt

Bài liên quan
Cát ở ĐBSCL - 
Bài 1: Trước mối nguy cạn kiệt
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa phối hợp cùng các đối tác công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới thực hiện nghiên cứu trên quy mô toàn vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cát ở ĐBSCL - Bài 2: Nguyên nhân gây cạn kiệt