Cậu bé mất hai tay và chịu thương tật đôi chân trong một tai nạn bom mìn, nhưng cậu bé Phan Trọng Hiếu, khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn hằng ngày đến lớp học trên chiếc xe máy cũ của cha. Em viết bài bằng cách cắm ống nhựa vào mỏm tay…

Cậu bé mất hai tay viết bài bằng… ống nhựa

Một Thế Giới | 24/03/2015, 12:33

Cậu bé mất hai tay và chịu thương tật đôi chân trong một tai nạn bom mìn, nhưng cậu bé Phan Trọng Hiếu, khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn hằng ngày đến lớp học trên chiếc xe máy cũ của cha. Em viết bài bằng cách cắm ống nhựa vào mỏm tay…

Tiếng nổ oan nghiệt
Cha mẹ Hiếu là ông Phan Nhì và bà Nguyễn Thị Ngọc Đào gần một đời dầu dãi nắng sương với 5 sào ruộng để nuôi 5 đứa con ăn học. Bốn chị, người đã lấy chồng, người đang học đại học ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Hiếu là con út và là con trai duy nhất. Nhà có 5 con bò, như những đứa trẻ trong xóm, Hiếu học một buổi, một buổi về chăn bò phụ giúp cha mẹ.
Một chiều đầu tháng 11/2013, Hiếu cùng bạn đi chăn bò trên núi và phát hiện một kíp mìn còn sót lại thời chiến tranh. Mấy cậu bé tò mò, bèn tìm cách đập nắp kíp mìn. Một tiếng nổ lớn vang lên, cả 3 ngã vật ra. Hiếu bị thương nặng nhất, cụt cả đôi tay, còn đôi chân bị tật đi lại khó khăn. Các bác sĩ bệnh viện Đà Nẵng cho biết, Hiếu còn quá nhỏ để phục hồi, vì vậy em phải mang thương tật suốt đời và đôi chân này có đứng lên được hay không thì phải trải qua rèn luyện. “Ban đầu nó còn đi được một chút, sau thì bị gãy luôn. Giờ chân trái của cháu có đến 8 cái ốc vít để cố định giúp tập đi”, ông Nhì xót xa.
Sau thời gian điều trị ổn định sức khỏe, Hiếu xin cha cho em đến trường đi học tiếp. Ông Nhì nhìn con mà ứa nước mắt. Ông đã quyết định giúp con đến trường bằng cả tấm lòng của người cha.
Cây bút có một không hai
Phan Trọng Hiếu đang học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Ái Nghĩa. Bị cụt cả đôi tay, việc cầm bút hầu như không thể. Cha em đã sáng tạo cho em một cây bút đặc biệt. Đó là một đoạn ống nhựa lắp vừa với mỏm tay cụt bên phải của em, cha khoét 2 lỗ trên ống nhựa để bỏ vừa cây viết. Như thế em có thể xỏ tay cụt vào ống nhựa, đưa đẩy ống để viết. Còn chuyện ăn uống, Hiếu phải dùng cả 2 tay cụt của mình giữ lấy chiếc thìa để lấy đồ ăn, cầm đồ uống.
“Lúc đầu rất khó viết chữ, vì cái ống nhựa gắn cây bút khó điều khiển, đưa đẩy cho ra con chữ lắm. Nhưng tập khoảng 1 tháng là em viết được và thậm chí còn vẽ nữa”, Hiếu kể. Cây bút của cha giúp Hiếu viết được con chữ, vẽ và làm toán. Nhưng đôi chân Hiếu thì không thể đi lại được kể từ khi bị gãy lần 2, em buộc phải sống chung với những chiếc ốc vít. Dù thế nào Hiếu cũng quyết nhập học. Đến tháng 9/2014, Hiếu bắt đầu vào lớp 6, trường Nguyễn Trãi.
Cau be mat hai tay viet bai bang… ong nhua-hinh-anh-1
 Hằng ngày Hiếu đến trường bằng đôi chân của cha
Hằng ngày, “đôi chân” của Hiếu chính là đôi chân của cha. Đều đặn mỗi ngày, ông Nhì đều chở con đến trường trên chiếc xe máy cũ và sau đó, ông lại cõng con, bế con đến tận chỗ ngồi vào lớp. Đến chiều, ông lại chờ đón con trước cổng trường. Khi thấy tan học, ông vội chạy xe vào tận lớp, mang chiếc cặp của con trên vai, hai tay ông bế đứa con trai bé bỏng của mình đặt lên yên xe máy và cọc cạch chạy xe về nhà. Ông Nhì chia sẻ: “Giờ con mình muốn học tiếp cũng phải chở nó, bế nó vào tận lớp, chỉ sợ vài năm nữa tuổi cao thì không biết làm sao bế nữa thôi…”.
Ngoài giờ học, Hiếu vẫn tập đi lại trong nhà với sự giúp đỡ của cha, từng bước một, dù chính Hiếu cũng không biết khi nào em mới đi lại được. Dù với đôi tay cụt, nhưng Hiếu lại thích vẽ và đam mê vẽ, với mong ước trở thành họa sĩ…
Thầy Nguyễn Ba - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, cho biết: “Em Hiếu mới đi học lại được mấy tháng nay. Nhưng em rất chăm chỉ đến trường. Nhà trường cũng tạo điều kiện, giúp đỡ động viên, tặng sách, vở tiếp sức em tiếp tục đến trường”.
Theo Nguyễn Trang (Tiền Phong)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cậu bé mất hai tay viết bài bằng… ống nhựa