Hóa ra câu chuyện của Victoria’s Secret lại không hề đẹp đẽ và mơ mộng như nhũng đôi cánh thiên thần.

Câu chuyện buồn đằng sau những đôi cánh thiên thần Victoria’s Secret

Elle | 30/11/2016, 16:03

Hóa ra câu chuyện của Victoria’s Secret lại không hề đẹp đẽ và mơ mộng như nhũng đôi cánh thiên thần.

Từ một món quà tặng vợ

Theo năm tháng, thời trang không còn chỉ là bộ quần áo để trưng diện và được ngắm nhìn. Bất cứ thứ gì được mặc lên người khiến bạn cảm thấy xinh đẹp đều là thời trang, kể cả là ở trong phòng ngủ.

Thực ra người ta đã cần một cuộc cách mạng to lớn để biến những bộ đồ lót trở nên thời thượng. Trong quá khứ, phần trang phục này vốn không được coi trọng mấy, có chăng là một chiếc váy ren mỏng manh để khoe da thịt. Vậy thì Victoria’s Secret đã làm gì để người ta phải mê hoặc như hôm nay?

Vào những năm 70, Victoria’s Secret chính là cuộc cách mạng. Tất cả đều khởi nguồn từ mong muốn thay đổi một phần u ám của ngành công nghiệp thời trang. Roy Raymond, cha đẻ của thương hiệu đã nung nấu ý tưởng về một cửa hàng đồ lót cho phụ nữ sau một lần đi mua quà cho vợ.

Khi Roy bước vào cửa hàng, cảm giác xấu hổ và ngại ngùng ngay lập tức xâm chiếm lấy anh, một gã đàn ông đã 30 tuổi. Ánh đèn huỳnh quang sáng trưng hắt xuống những bộ cánh kém tinh tế và đầy sến sẩm. Chẳng những ngán ngẩm vì không mua được gì thì cô thu ngân kia lại dành cho Roy ánh mắt soi mói đầy căng thẳng, như thể anh là một tên biến thái. Một trải nghiệm mà không ai muốn trải qua.

Bức ảnh hiếm hoi của Roy Raymond.

Thế nhưng nhờ có chuyến đi ấy mà Roy Raymond mới nảy ra ý tưởng trị giá triệu đô. Ông tưởng tượng ra một cửa hàng với đồ nội y từ thời Victoria, đó cũng là nguồn gốc của cái tên thương hiệu. “Secret” chính là điều bí ẩn lôi cuốn ẩn sau sự sang trọng và thời thượng của thời đại Victoria.

80 ngàn đô là số vốn khởi điểm của Roy Raymond, một nửa ông vay từ nhà vợ còn một nửa ông xin trợ giúp từ ngân hàng. Một quyết định hoàn toàn liều lĩnh nhưng cuối cùng cả ông và vợ đã mở được cửa hàng đầu tiên ở Palo Alto, California.

Catalogue của Victoria’s Secret từ những buổi đầu so với ngày nay.

Sự mới lạ chính là yếu tố đầu tiên giúp Victoria’s Secret kiếm lời. Người ta bị mê hoặc bởi những bộ cánh táo bạo và quyến rũ, bộ đồ ngủ cũng được xem trọng hơn khi cửa hàng mang một diện mạo khác hẳn. Đến năm 1982, công ty đã thu về hơn 4 triệu đô mỗi năm.

Xuống dốc và tìm lại thị phần

Roy Raymond đã rất thành công khi khởi đầu thương hiệu Victoria’s Secret, nhưng đáng tiếc rằng ông vẫn chưa phải là một doanh nhân giỏi có thể chu toàn mọi thứ.

Sau giai đoạn khởi sắc, việc kinh doanh bỗng xuống dốc không phanh, thậm chí còn đẩy công ty đến mức gần như phá sản. Ở đâu đó trong cách thức làm ăn của Roy có lỗ hổng mà ông đã không thể nhìn thấy.

Leslie Wexner, một doanh nhân sở hữu chuỗi cửa hàng đồ thể thao The Limited nổi tiếng thời đó, đang trên đường tìm kiếm một ngành hàng để chinh phục thì ông bắt gặp Victoria’s Secret. Khi bước vào một chi nhánh ở San Francisco, Leslie ngay lập tức phát hiện ra điểm yếu của thương hiệu này.

Leslie Wexner – Người đàn ông đã lấy lại vinh quang cho Victoria’s Secret.

Từ ý tưởng cho tới việc kinh doanh, Victoria’s Secret của Roy Raymond dường như không hề tập trung vào khách hàng là phụ nữ mà lại nhắm vào thị hiếu của cánh đàn ông. “Đó là một cửa hàng nhỏ, đậm chất Victoria, nhưng là nhà thổ thời Victoria thì đúng hơn, với những chiếc ghế sofa nhung đỏ” – Theo như Leslie thì Roy đã khiến cho những cô người mẫu giống nhưgái làm tiền hạng sang, cho dù bộ cánh có tinh tế đến đâu đi chăng nữa.

Nhìn thấy tiềm năng của Victoria’s Secret, Leslie Wexner đã mua lại thương hiệu với giá 1 triệu đô vào năm 1982. Ông nghiên cứu ra cách để lôi kéo phụ nữ tới mua đồ lót mặc hàng ngày mà vẫn giữ nguyên vẻ sexy vốn có. Toàn bộ các cửa hàng cũng đã được tân trang lại với gam màu tươi sáng nhằm lôi kéo các quý bà, quý cô vào mua hàng. Đến năm 1995, Victoria’s Secret đã đạt giá trị 1,9 tỉ đô và đến nay là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.

Victoria’s Secret giờ đây đã trở thành thương hiệu được phụ nữ khao khát.

Bi kịch của sự mất cân bằng

Thành công của Victoria’s Secret có lẽ phần nhiều vẫn nhờ công của Leslie Wexner, thế nhưng Roy Raymond mới là người khởi đầu cho tất cả.

Với Roy, Victoria’s Secret cũng giống như một đứa con tinh thần, là do mình tạo ra nhưng lại không thể vun đắp. Chính vì thế khi thương vụ mua bán diễn ra thì ông vẫn phải chịu tổn thất rất nặng nề.

Sau khi Wexner thâu tóm Victoria’s Secret, Raymond vẫn ở trên cương vị giám đốc thêm một năm nữa. Có lẽ vì chán chường nên ông nhanh chóng từ bỏ công ty để tự mình lập nghiệp. Cửa hàng quần áo trẻ em My Child’s Destiny ra đời nhưng nó lại tiếp tục là một sai lầm mà Raymond từng mắc phải.

Theo tờ New York Times, kế hoạch marketing tệ hại và việc quá tập trung vào tầng lớp thượng lưu chính là lý do My Child’s Destiny không thể trụ quá hai năm. Việc phá sản đã để lại cho Roy một khoản nợ nặng nề.

Đến năm 1993, chuyện hôn nhân tan vỡ giống như giọt nước tràn ly đối với Roy Raymond. Ông nhảy cầu tự tử từ trên Cầu Cổng Vàng, San Francisco vào cùng năm đó. Câu chuyện bi kịch của cha đẻ Victoria’s Secret chính là bài học mà không ai muốn nhớ đến.

Theo Nguyễn Gia Linh/ Elle VN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
5 phút trước Sự kiện
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện buồn đằng sau những đôi cánh thiên thần Victoria’s Secret