“Câu chuyện từ trái tim’ của bác sĩ là những chia sẻ chân thành về chuyện nghề của đời bác sĩ – ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của PGS -TS. BS Nguyễn Lân Hiếu

Tiểu Vũ | 11/06/2021, 15:00

“Câu chuyện từ trái tim’ của bác sĩ là những chia sẻ chân thành về chuyện nghề của đời bác sĩ – ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu.

PGS - TS. Nguyễn Lân Hiếu là một bác sĩ có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, đồng thời là chuyên gia tim mạch đầu tiên trong công tác nghiên cứu chữa trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em Việt Nam. Ngoài lĩnh vực chuyên môn ông còn là một vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn đầy trách nhiệm về các lĩnh vực y tế, giáo dục.

dai-bieu-nguyen-lan-hieu.jpg
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu trên bghị trường - Ảnh: Q.H

Trong vai trò là người thầy thuốc, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu đã viết cuốn sách Câu chuyện từ trái tim để chia sẻ những điều ông đã từng trải qua trong quá trình làm việc.

Câu chuyện từ trái tim là những ghi mang tính thời sự đầy chân thật và sống động. Những câu chuyện về nghề thầy thuốc cùng bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng khác dưới góc nhìn của một vị ĐHQH.

Không chỉ dừng lại ở đó, những góc khuất, điều "được" và "mất" trong sự nghiệp của mình cũng được PGS – TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ :  “Có rất nhiều người đã hỏi tôi về những được và mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian".

231641bs-nguyen-lan-hieu.jpg
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu  tại nơi làm việc - Ảnh: BV Y Hà Nội

Theo PGS – TS. Nguyễn Lân Hiếu, bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc… Ông chia sẻ: “Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề.

cau-chuyen-tu-trai-tim-2.jpg
Câu chuyện từ trái tim của do NXB Thế Giới và Nhã Nam ấn hành tháng 6.2021

PGS – TS Nguyễn Lân Hiếu cũng mạnh dạn chỉ ra những điều còn bất cập trong ngành y của Việt Nam như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên y khoa kém chất lượng đang diễn ra tràn lan và nhiều biểu hiện tiêu cực khác.

Trong cuốn sách Câu chuyện từ trái tim, PGS – TS Nguyễn Lân Hiếu cũng dành một số bài viết để chia sẻ về con đường trở thành một ĐBQH của mình.

Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu.

Theo dự kiến PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu sẽ có buổi ra mắt sách để ông có dịp giao lưu cùng bạn đọc vào giữa tháng 6.2021. Tuy nhiên do dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp nên buổi giao lưu này đã được đổi sang hình thức trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội vào lúc 20 giờ - 21 giờ ngày 11.6.2021.

Năm 1989, tôi thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn, vừa đói ngủ.

Học y rất áp lực vì chương trình nặng, các thầy lại vô cùng nghiêm khắc. Hồi đó, cứ hỏi trường đại học nào nhiều sinh viên đúp nhất thì 100% câu trả lời sẽ là: “Y Hà Nội”.

Tôi bước vào giảng đường với tâm thế sợ đúp nhưng tôi thích học lắm vì được biết nhiều thứ mới lạ. Bây giờ chỉ cần “hỏi Google” vài phút sẽ rõ ngay thế nào là vòng tuần hoàn sinh lý nhưng vào những năm 1995, chuyện đó chỉ sinh viên ngồi trên ghế trường Y mới biết. Chiều hôm trước học lý thuyết thấy bao điều kỳ lạ trên giảng đường, sáng hôm sau đi lâm sàng chúng hiện lên trước mắt. Sáng đi nghe tim cho bệnh nhân thấy tiếng tim đập rất lạ, chiều về thầy hướng dẫn nguyên lý tiếng thổi tâm thu.

Thế hệ chúng tôi vào đại học khi đất nước vừa qua thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, ai cũng nghèo, cả lớp cắm đầu vào học vì mục tiêu học bổng, cuối tháng xôn xao hỏi nhau: “Mày được bao nhiêu phần trăm?” Học giỏi sẽ được học bổng 100%, kém hơn chút được 75%, rồi 50%, 25%. Nghe có vẻ oai chứ thực ra học bổng 100% được có 21 nghìn, đi ăn căng-tin ba hôm là hết vì phở 5 nghìn một bát. Đến năm thứ năm, các bạn nữ được thêm một phần học bổng ưu tiên, chúng tôi gọi đó là tiền “đền bù tuổi thanh xuân” vì trong khi sinh viên các trường khác đều đã tốt nghiệp, có việc làm nuôi thân thì chúng tôi vẫn phải học và thi hết kỳ này đến kỳ khác.

[..] Tôi chọn ngành tim mạch, bởi tim mạch là một ngành rất logic.

Không có một triệu chứng nào của bệnh về tim mạch mà không giải thích được vì nó liên quan đến huyết động. Bạn hãy tưởng tượng, vòng tuần hoàn nó đẩy như cái bơm mà ở đây quả tim là cái bơm và mạch máu là các đường dẫn nước. Mọi thứ hoạt động và tuân theo nguyên lý về áp lực và động lực của vật lý. Ví dụ như là tại sao máu nó chảy từ chỗ này sang chỗ kia, hay là chảy ngược lại, tại sao có bệnh nhân lại tím có bệnh nhân lại không… tất cả đều có lý do hết, đều cắt nghĩa được. Tôi rất thích, bởi khi mình cắt nghĩa được, mình học thuộc rất là nhanh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ nguyên lý: nghe tiếng tim thổi tâm thu 2/6, 3/6 gợi ý gì, rồi dấu hiệu ngón tay dùi trống do đâu… Chính vì thế mà trong những năm đầu học đại học, tôi đã nắm vững những môn học liên quan đến tim mạch.

Tôi còn nhớ lúc tôi vẫn còn là sinh viên, có lần cậu bạn thân của tôi bị ngã xe sau khi chở người yêu đi sinh nhật về. Tai nạn rất nặng, đứt dây chằng khớp gối rồi dây thần kinh. Cậu bạn nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Tối hôm ấy tôi trực thì thấy cậu ấy khó thở, nhịp tim đập mạnh lên đến khoảng 150-160 lần một phút. Bác sĩ trực hôm ấy là một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại là bác sĩ mổ tiêu hóa chứ không phải mổ tim. Bác sĩ đến xem và cho cậu ấy uống digoxin. Về nguyên lý, digoxin đúng là thuốc trợ tim, tăng bóp cơ tim và làm chậm nhịp tim lại, nghe thì rất tốt nhưng nó lại chống chỉ định là: Nếu quả tim đấy nó bị suy hoặc quả tim bị “bọc” trong nước (ép tim), khi tim “bơi” trong nước như vậy mà càng cho digoxin vào thì càng nguy hiểm hơn, vì tim lúc đó không giãn ra được mà lại cứ bắt nó bóp lại. Tôi nghe được tiếng tim của cậu ấy rất mờ, không đập cạnh lồng ngực nữa. Tôi liền bảo với bác sĩ là cẩn thận, có khi cậu ấy bị ép tim. Vị bác sĩ ấy không nghe, vì ai lại đi nghe một ông sinh viên Y6. Lúc đấy tầm 1, 2 giờ sáng, chẳng biết làm thế nào nữa, tôi chạy vội đến nhà giáo sư Tôn Thất Bách để gọi ông. Thầy Bách đến viện, dẫn lưu ra được một lít máu trong tim cậu ấy.

Sau chuyện này, tôi lại hiểu mình hơn một chút, tôi nhận ra mình giỏi về tim mạch. Chú ruột tôi, đồng thời cũng là thầy giáo của tôi không khuyến khích tôi theo chuyên ngành tim mạch, chú bảo đây là một ngành rất nguy hiểm, chỉ cần sai sót một chút thôi là sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khôn lường.

Nhưng sau tất cả, tôi vẫn quyết định chọn tim mạch khi thi bác sĩ nội trú, năm 1995.Câu chuyện từ trái tim -  bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu

Bài liên quan
Đấu giá sách quý xuất bản trước 1945 'Về chốn thư hiên'
Tại cuộc triển lãm những cuốn sách quý xuất bản trước năm 1945 mang tên “Về chốn thư hiên” sắp tới, BTC sẽ cho đấu giá một số cuốn sách quý nhằm gây quỹ thành lập thư viện Nguyễn An Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện từ trái tim của PGS -TS. BS Nguyễn Lân Hiếu