Bản in đầu tiên cuốn sách “Tướng về hưu” của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ được bán đấu giá để gây quỹ trồng một cánh rừng tưởng niệm ông.

Đấu giá ‘Tướng về hưu’ dùng tiền trồng rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tiểu Vũ | 07/05/2021, 15:06

Bản in đầu tiên cuốn sách “Tướng về hưu” của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ được bán đấu giá để gây quỹ trồng một cánh rừng tưởng niệm ông.

Kỷ niệm 49 ngày nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất (20.3 - 8.5.2021), hai người bạn thân thiết của ông là họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà sưu tập Nguyễn Duy Cường đã quyết định bán đấu giá cuốn sách Tướng về hưu - tác phẩm tạo nên tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn Việt Nam.

Điều đặc biệt là cuốn sách Tướng về hưu được đấu giá lần này thuộc bản in đầu tiên có kèm theo chữ ký của tác giả Nguyễn Huy Thiệp.

4335_22.jpg
Bìa bản in đầu tiên của Tướng về hưu - Ảnh: NDC

Theo chia sẻ của nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường, Tướng về hưu được anh mua từ năm 2005 tại một tiệm sách cũ ở đường Láng, Hà Nội. Anh bất ngờ khi thấy cuốn Tướng về hưu là bản in đầu tiên và có chữ ký của tác giả. Sau khi đọc, anh đã trân trọng bảo quản gìn giữ cẩn thận đến ngày hôm nay.

Ý tưởng tổ chức bán đấu giá bản in đầu tiền cuốn sách Tướng về hưu được xuất phát từ vợ chồng Giáo sư Peter Zinoman – Nguyệt Cầm (vợ chồng Giáo sư Peter Zinoman hiện công tác tại Đại học California, Berkeley, Mỹ). Vợ chồng ông gợi ý tiền bán sách sẽ dùng để trồng rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

tuong-ve-huu-2-4850-1620290235.jpg
Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (trái) và chữ ký của tác giả - Ảnh: NDC

Những người tổ chức đấu giá cho biết phiên đấu giá sẽ được tổ chức trực tuyến trên mạng xã hội Facebook từ nay cho đến 16 giờ 45 ngày 8.5.2021. Giá khởi điểm cuốn sách là 3 triệu đồng. Người có giá cao nhất sẽ được sở hữu bản sách quý này.

Toàn bộ số tiền bán sách sẽ được ban tổ chức đấu giá phối hợp cùng một tổ chức xã hội dùng vào việc trồng cánh rừng để tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời vào ngày 20.3.2021 tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông ra đi đã để lại vô vàn thương tiếc cho giới văn chương và công chúng trong, ngoài nước.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn được đánh giá là cao nhân trên văn đàn Việt Nam đương đại. Ông cũng là ngọn cờ đầu trong cách tân văn học thời sau đổi mới với cách viết trần trụi thẳng thắn qua một loạt truyện mang tính đột phá như Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...

163203725_10225051518851935_8984182922111787926_n.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp luôn sống động bởi đó là những câu chuyện xảy ra trong đời sống quanh ông. Bằng góc nhìn đó, ông đã ghi lại một cách chân thật rõ ràng. Nổi bật nhất là tác phẩm Tướng về hưu, tác phẩm đã mang đến một góc nhìn mới và đột phá về người lính thời hậu chiến khác hẳn với dòng văn chương được cho là “chính thống” thời đó khi người lính được ca ngợi như những người anh hùng biết chịu đựng và vượt qua mọi gian khổ…

Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp cho thấy một một sự thật trần trụi mà không phải ai cũng dám viết. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp là vị tướng già, sau thời thời lừng lẫy, ông trở về làm dân thường và trở nên lạc lõng trong chính gia đình của mình khi những giá trị của cuộc sống bị đảo lộn. Đồng tiền và những nhu cầu vật chất đã chi phối mọi mối quan hệ. Sự can trường dũng cảm oai phong của ông trên chiến địa đã không thể chỉ huy được một gia đình nhỏ với cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.

Về bản in đầu tin cuốn "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp

Đầu 1987, lúc Nguyễn Huy Thiệp vừa xuất hiện chấn động văn đàn kể từ "Tướng về hưu", tôi đã nhờ nhà thơ Thu Bồn (đang ở Hà Nội) liên hệ với tác giả gom một số tác phẩm có thể in được để xuất bản cho Thiệp tập sách đầu tay. Thu Bồn mang bản thảo Tướng về hưu vào Sài Gòn, chúng tôi gặp ngay Trương Văn Khuê, Giám đốc NXB Trẻ. Khuê rất mừng và nhận in, cho nhập liệu và sắp chữ ngay. Hồi đó còn dùng công nghệ in cũ: sắp chữ chì, dập bản nhũ rồi mới phơi kẽm và in. Xong công đoạn dập bản nhũ thì Nguyễn Huy Thiệp và "Tướng về hưu" bị một luồng ý kiến không ủng hộ, thậm chí phê phán vì viết về cái tiêu cực của xã hội...

NXB Trẻ bị áp lực, hủy kế hoạch xuất bản "Tướng về hưu". Lúc đó, cuối 1987, tôi (vừa được anh Nguyên Ngọc - Tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ, bổ nhiệm làm Trưởng văn phòng, thường trực các tỉnh phía Nam của tuần báo Văn Nghệ, có con dấu và tài khoản riêng) đề nghị với NXB Trẻ cho in tập sách này. NXB Trẻ cấp giấy phép - Tuần báo Văn Nghệ chịu toàn bộ chi phí in, phát hành và trả tiền nhuận bút cho tác giả.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, bạn nhậu của tôi, vẽ bìa miễn phí. Riêng chân dung tác giả, Khôi không thể vẽ, vì không có ảnh và chưa hề nhìn thấy Nguyễn Huy Thiệp bao giờ. Tôi tả cho Khôi hình dung, cái mặt nó thế, thế..., nhàu nhàu hơi giống quả táo tàu... Khôi xỉn, vẽ sao mà chả giống Thiệp tí nào. Kệ, có còn hơn không.

Nhưng in bằng cái gì? Giấy đâu? Tiền công in đâu?

May quá, có một bạn nhậu khác nhận gánh vác. Đó là Nguyễn Đình Phương, chủ một cơ sở sản xuất giấy thủ công. Phương vốn là ca sĩ thuộc đoàn Văn công giải phóng, về Sài Gòn chỉ lo làm doanh nghiệp, có chút lưng vốn. Phương thích sưu tập tranh và rượu, có khi mua hàng tạ quả mơ ngâm mấy chum rượu, mua hàng trăm chai Ararat một lúc, để mời bạn bè về nhà uống rượu, đọc thơ, ca hát chơi. Anh hào sảng tự nguyện nhận cấp giấy, công in, phát hành phi vụ lợi tập sách của Nguyễn Huy Thiệp, nếu lỗ thì tự chịu, nếu lời được đồng nào sẽ tặng hết cho tác giả.

Cuối 1987, vui vì "Tướng về hưu" in xong. Nhưng buồn vì chất lượng in thấp quá. Giấy thủ công đen xỉn, mặt láng, mặt sần, thỉnh thoảng còn thấy cả cái dằm tre như mẩu tăm trên trang giấy. Đôi chỗ bị mất chữ... Phát hành thật khó khăn. Tổng kết, Nguyễn Đình Phương tự bù lỗ, kể cả nhiều chai Ararat uống mừng tập sách.

Khi tôi ra Hà Nội để đi dự khóa nghiên cứu ngắn hạn tại Học viện Văn học Goorki (Liên Xô), đầu năm 1988, Phương gửi mang cho Thiệp chục tập sách và khoản nhuận bút (tôi không rõ bao nhiêu) cũng là tiền túi của Phương, kèm theo lời chúc mừng tác giả.

Bây giờ, 34 năm trôi qua, nhà thơ Thu Bồn và giám đốc xuất bản Trương Văn Khuê mất rồi, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi định cư ở Mỹ, nhà tài trợ Nguyễn Đình Phương phiêu dạt sang nước Úc, và Nguyễn Huy Thiệp về trời.

Vẫn còn đây, cuốn sách đầu tay của Thiệp: Tướng về hưu. Nguyễn Duy (nhà thơ)

Bài liên quan
Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình
Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
7 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đấu giá ‘Tướng về hưu’ dùng tiền trồng rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp