Tôi có tên khai sinh là Huỳnh Chí Dũng nhưng mong muốn được gọi là Nhã Kỳ. Mặc dù vậy, mỗi lần tôi ký tên vào giấy tờ, thì vẫn phải ghi đúng cái tên của mình. Nhiều người lấy tên tôi đọc thành Chi Dung, theo cách viết tiếng Việt mà không bỏ dấu. Thôi thì cũng được.
Tôi được sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Cha mẹ đã rất vất vả để có thể chăm lo cho cái ăn, cái mặc của mọi thành viên. Hầu hết anh chị em của tôi đều phải tự học cách tự lập và trưởng thành theo cách của riêng mình. Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, mẹ tôi đã phải thức dậy và làm việc đến 1-2 giờ đêm của ngày hôm sau. Bây giờ, mỗi khi nhớ về thời thơ ấu, lúc mẹ dành thời gian ngồi dò bài cho tôi, tôi đã không biết trân trọng...
Tôi luôn ghen tị với những anh chị em khác và tự hỏi "Sao mẹ thương họ, chăm sóc họ nhiều trong khi tôi cần điều gì cũng phải cố gắng tự làm việc thật nhiều mới đạt được?" Mẹ nuôi dạy các con theo những cách khác nhau, vì mẹ mang trên vai gánh nặng của gia đình, yêu chồng, thương con nhưng lại không có nhiều thời gian để nuôi dạy chu toàn.
Theo lời mẹ kể, lúc tôi còn nhỏ, tôi xinh và dể thương lắm, mẹ lấy đồ lúc bé của chị cho tôi mặc, còn thoa son và để tóc dài. Những lúc mẹ bận làm việc, tôi tự mình bày trò chơi bán đồ hàng, may quần áo cho búp bê. Tôi còn mang búp bê vào lớp, chơi với các bạn nữ trong lớp vào giờ ra chơi. Bạn bè trong lớp thường hay trêu chọc tôi là "đồ pê đê". Lúc đó, tôi ngây ngô lắm, chưa thực sự hiểu "pê đê" là gì, chỉ biết bạn bè nắm tóc, tuột quần, trêu chọc mình, thì mình buồn, mình khóc vậy thôi.
Sau này khi lên phổ thông, tôi cũng chưa biết đến kiến thức về giới tính.
Ở trường, tôi thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Mỗi khi đếm số học sinh nam và học sinh nữ, nhiều bạn nói tôi là nữ, nhiều bạn khác thì nói tôi là "pê đê" chứ không phải nam. Hằng ngày, tôi bị ai đó xả đầy rác thối trong ngăn tủ. Khi ngồi học thì thường bị ném phấn, ném viết, bị dán giấy nhãn ở trên lưng "Tui biến thái". Giờ ra chơi, tôi không dám rời khỏi bàn học vì sợ bị giấu tập vở. Vào giờ nghỉ chuyển tiết giữa buổi sáng và buổi trưam tôi không dám ngủ vì sợ bị trói vào ghế. Xe đạp tôi đạp hằng ngày đến trường cũng thường xuyên bị đâm lủng. Do không có tiền vá xe, tôi phải dẫn bộ về nhà.
Đối với tôi, trường học không những là một nơi không an toàn mà còn đầy rẫy sự uy hiếp và sợ hãi. Có nhiều lúc tôi một mình chạy lên tầng 3 của trường, đứng khóc và tự hỏi "Mình khác mọi người ở điều gì? Tại sao lại đối xử với mình như vậy?". Lần đó, một người bạn trong lớp thấy tôi khóc, đứng ở phía sau và nói với tôi một câu khiến cho tôi nhớ mãi đến giờ, "Nếu Dũng là con gái, mình sẽ yêu Dũng".
Câu nói đó khiến cho tôi trăn trở và bắt đầu suy nghĩ, "Liệu hai người con trai có thể yêu nhau không?" Bản thân tôi lúc ấy không thể nào có câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?" và tôi cũng không biết cảm giác về tình yêu là gì. Tuy nhiên, trong lớp có một vài bạn hay có cử chỉ thân mật đặc biệt tôi, nhưng tôi vẫn không hiểu… Và tôi càng không hiểu vì sao mọi người lại tẩy chay tôi, trong khi tôi luôn cư xử tốt và luôn giúp đỡ bạn bè.
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi tôi đăng ký học thêm lớp vi tính buổi chiều. Vừa tan học, tôi chạy nhanh đến lớp học vi tính, quần áo xốc xếch, thầy giáo chủ động đến giảng bài lại cho tôi, bắt đầu hỏi những câu làm quen. Thầy nắm tay tôi vuốt ve và hỏi, "Sao mà em giống con gái thế?". Đột nhiên, thầy từ phía sau ôm chầm lấy tôi vào lòng, bứt hết nút áo trên chiếc áo sơ mi trắng và bắt đầu quấy rối tình dục… Sự việc đó xảy ra ngay trong giờ lên lớp, trong khi các học sinh khác đang tập trung làm phần bài tập của họ. Tôi như bị một tiếng sét đánh ngang đầu, sợ hãi, không thở nỗi, túm lấy cổ áo, vừa khóc vừa chạy ra khỏi lớp, bỏ luôn cả tập vở.
Mẹ mắng tôi phung phí tiền đăng ký học rồi lại: "Tao đâu phải là cái máy in tiền đâu, sáng tao dậy sớm làm việc, kiếm từng đồng từng cắc, đóng tiền cho mày học, người ta coi thường tao, tao cũng cố gắng làm vì chồng vì con…" Lúc đó, tôi rất giận mẹ vì mẹ chỉ biết la mắng mà không quan tâm đến cảm xúc của tôi.
Tôi im lặng và chỉ biết khóc. Hoảng loạn. Tôi không biết phải tâm sự với ai. Ngày nào tôi cũng nằm mơ thấy ác mộng, cái cảnh thầy giáo rê lưỡi liếm trên cổ, trên ngực, rồi cắn ngấu nghiến vào vai em, nắn bóp chỗ kín… Thành thật mà nói, sự việc đó vẫn còn ám ảnh tôi đến giờ mặc dù đã trải qua 10 năm. Mấy tháng sau đó, điểm số của tôi trong lớp kém đi rất nhiều. Ngày nào tôi cũng mất ngủ, ngủ dậy thì lại bật khóc, nước mắt ướt hết cả chiếc gối.
Tôi luôn ước có một người bạn thân hay một ai đó tin tưởng để có thể lắng nghe lời kêu cứu của tôi và chìa ra một bàn tay giúp đỡ. Thế nhưng hoàn toàn không có. Xung quanh tôi chỉ có bóng tối, sự sợ hãi, cô đơn, sự kỳ thị và câu hỏi lớn "Tôi là ai?".
Năm học mới, ngày đầu tiên cô T. nhận vị trí chủ nhiệm mới của lớp. Trong giờ học, tôi chỉ chăm chú viết một lá thư tuyệt mệnh, và cũng chẳng biết gửi cho ai. Cô T. đã đọc là thư đó, và cô cũng là người đã cứu lấy tôi. Tôi không kể cho cô nghe tôi bị bạn bè đối xử như thế nào. Tôi cũng không kể cô nghe tôi bị thầy giáo lạm dụng tình dục như thế nào. Nhưng dường như cô có thể cảm nhận được nỗi đau trong lòng tôi và bao dung tôi. Với cô, dù tôi có là ai đi chăng nữa thì có một điều vẫn không bao giờ thay đổi: "Em là học sinh của cô, cô yêu mọi học sinh của mình".
Cô kể cho tôi nghe về chị Cindy Thái Tài, người phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam can đảm nói với báo chí tôi đã từng là đàn ông. Cô kể cho tôi nghe về nghị lực của chị, sự xinh đẹp của chị, tài năng và thành đạt của chị. Giữa cô chủ nhiệm và tôi từ đó có một bí mật nhỏ mà cả hai đều cố gắng giấu kín.
Khi cô tiến cử tôi làm gương mặt học sinh đại diện cho trường Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) trong ngày 20.11 phát biểu cảm nghĩ của học sinh. Một số bạn cùng lớp càng ghét và tẩy chay tôi nhiều hơn. Họ cho rằng tôi là "pê đê bệnh hoạn" và không xứng đáng sở hữu vinh dự đó. Tuy nhiên, tôi lại được thầy Hiệu trưởng thừa nhận. Vậy là đủ. Tôi vừa cười vừa khóc, nhảy lên vì vui sướng khi các thầy cô cũng khá hài lòng về bài phát biểu của mình.
Mặc dù có cô chủ nhiệm bên cạnh nhưng tôi vẫn phải tiếp tục đối mặt với những cơn ác mộng. Tôi chưa bao giờ cho rằng thời học sinh là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình như những người khác. Tôi chỉ thấy máu, nước mắt, và nỗi đau… Không ngày nào là tôi không khóc, không ngày nào là tôi không tự dày vò, đau khổ và dằn vặt. Tôi tự trách bản thân mình vì không dám thừa nhận chính mình. Tôi lo sợ mọi người biết được bí mật của mình. Và tôi luôn sẵn sàng tự sát để được giải thoát khỏi nỗi đau này.
Tôi đã từng suy nghĩ, "Chỉ có ai đã từng trãi qua, hay đang trãi qua hoàn cảnh tương tự thì mới có thể hiểu được tôi đang nghĩ gì".
|
Chi Dung hiện nay là một nhà hoạt động LGBT tích cực |
Tốt nghiệp phổ thông, tôi lên Sài Gòn một mình.
Mỗi ngày tôi ăn một gói mì gói, lang thang tự đi tìm công việc cũng như một nơi để học. Trước khi đi, sau bao nhiêu đêm thức trắng, tôi đã quyết định nói với mẹ sự thật. "Có lẽ con yêu đàn ông", tôi vừa khóc vừa viết câu "Con xin lỗi, con không thể trở thành đứa con trai mà mẹ mong muốn, không thể có vợ, có con cho mẹ ẫm bồng". Tôi cứ khóc và nước mắt tiếp tục rơi ướt đẫm dòng chữ "Con xin lỗi" trên cuốn vở trắng.
Mẹ gọi điện thoại lên Sài Gòn, qua điện thoại tôi vẫn nghe được giọng mẹ đang khóc. Mẹ nói tôi cố gắng học, giữ sức khỏe, ít thức khuya, và không nhắc gì đến chuyện tôi đồng tính. Về phía mình, tôi vẫn tiếp tục sống ở đất Sài Gòn, lặng lẽ, cô đơn và đói khát.
Những lúc không có tiền đóng tiền học, đi học chui, bị giám thị bắt ra khỏi lớp, nhục lắm, nhưng ham học. Qua hôm sau lại vào học, học lâu ngày, chai mặt. Tôi thường đón xe bus ra chợ Bến Thành và đi bộ lang thang ở công viên 23/9. Tôi thấy gia đình người ta ai nấy cũng hạnh phúc, tình nhân ai cũng có đôi. Nhiều đêm, tôi hay giật mình khóc tức tưởi… Có lần, tôi mua một vĩ thuốc ngủ, một chai nước lọc rồi dốt hết vào mồm.
Cứ tưởng mình sẽ chết, nhưng thật ra là tệ hơn cả chết. Đôi mắt tôi mở to hết cỡ nhìn lên trần nhà, có mấy con chuột nhắt cứ chạy qua chạy lại. Hai tay, hai chân tôi cứ như bị dán chặt xuống sàn nhà, mất hết sức lực không thể cử động. Thế nhưng đầu óc của tôi vẫn tỉnh táo, và nước mắt vẫn tiếp tiếp tục rơi. Những hình ảnh đau thương giống như đoạn phim chiếu chậm và lặp đi lặp lại. Đau đớn, đắng nghét…
Tôi không biết mình đã nằm như thế trong phòng bao lâu. Nhưng tôi nhớ ngày hôm sau là ngày sinh nhật của mình, ngày 25/10, cũng là ngày trường báo tin tôi đậu thủ khoa học kỳ I, được một phần học bổng khá lớn. Sự việc này giống như một ngọn lửa tiếp tục giúp tôi đốt cháy cuộc sống một lần nữa.
Tôi biết bản thân là người chuyển giới khi bắt đầu yêu một người dị tính. Anh ấy luôn muốn cưới tôi làm vợ và có con với nhau cho nên việc phát hiện ra giới tính sinh học của tôi là nam là một cú sốc quá lớn. Anh ấy sẵn sàng cho tôi tiền để sang Thái Lan phẫu thuật để chuyển đổi giới tính nhưng tôi xin phép được từ chối. Tôi thà là không yêu anh nữa, chứ không muốn anh có một gia đình không trọn vẹn. Tôi mong anh ấy hạnh phúc, với một người phụ nữ có thể sinh con cho anh.
Sau đó, tôi về Bến Tre thì mẹ lại nói: "Tao sinh ra mày là con trai chứ không phải là con gái, ở Sài Gòn mày sống như thế nào cũng được, nhưng về đây mày đừng để cho ai biết, tao không muốn người ta nói tao vô phước… Mày mà mặc đồ con gái, tao tống cổ mày ra đường, đừng có hòng mà quay về nhà nữa!"
Người chuyển giới đầu tiên mà tôi biết là chị Cindy Thái Tài và người đầu tiên mà tôi gặp cũng là chị Cindy thông qua một người bạn. Chị Cindy mời tôi đến nghe chị ấy hát trong một mini show. Ở ngoài chị ấy thật đẹp và hát rất là hay nữa. Tôi cũng không dám nghĩ đến sẽ có ngày được gặp chị, bắt tay với chị, và được ngồi nghe chị hát. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ câu chuyện của người phụ nữ này.
Ở nhà, gia đình tôi vẫn luôn kỳ thị, và mang giới tính của tôi ra để giễu cợt. Tôi bị phân biệt đối xử, không cho ngồi chung bàn, phải ăn riêng, uống riêng, bị đối xử giống như một người mang bệnh truyền nhiễm. Có lần mẹ đánh vào tay em gái tôi, vì em cầm ly của tôi uống nước. "Mày có biết thằng Dũng bệnh hoạn không? Mà mày dám lấy cái ly nó uống?". Những mảnh vỡ thủy tinh chạm đất vỡ tung lên cắt sâu vào trong tim tôi đau nhói. Lúc đó tôi rất muốn nói với mẹ "Người đồng tình hay người chuyển giới không phải là bệnh!”. Nhưng tôi không biết phải giải thích như thế nào!
Thời gian thấm thoát thoi đưa, phải mất 10 năm thì mẹ tôi mới hiểu và suy nghĩ khác đi. Mẹ bắt đầu quan tâm và yêu thương tôi nhiều hơn.
Công việc hiện giờ của tôi là một diễn viên múa tự do. Tôi thường đi diễn vào ngày thứ bảy, Chủ nhật tại các nhà hàng tiệc cưới hoặc sự kiện. Tôi thích được đi chúc phúc cho hạnh phúc của những người yêu nhau, tìm thấy nhau và cưới nhau. Ngoài ra, tôi cũng ước gì mình được mặc áo cưới một lần…mà không dám mặc vì sợ mặc thử rồi lại không muốn cởi ra. Những người đồng tính, chuyển giới như chúng tôi, ai có thể tìm thấy người mình yêu, được cưới nhau, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì không còn gì hạnh phúc hơn nữa.
Trong môi trường công sở, tôi luôn bị kỳ thị.
Là một người chuyển giới công khai nên công việc của tôi ít hơn, bị trêu cợt nhiều hơn. Có những công ty sự kiện đặt hàng em diễn đơn múa một tiết mục mặc đồ phụ nữ, nhưng ý định thật sự của họ là muốn tôi dùng hình ảnh của người chuyển giới để câu khách, mua vui. Thà tôi không diễn, chứ tôi không muốn hình ảnh của người chuyển giới không được tôn trọng. Có những người họ kỳ thị một cách thẳng thắn luôn, họ nói nếu diễn chung với tôi thì họ không diễn. Cùng một công việc, người khác làm sai thì không bị la rầy, nhưng tôi vô tình làm sai thì lại trở thành đề tài cho mọi người khác chế giễu.
Tôi rất thích trang điểm. Tôi ước gì sau này mình có điều kiện kinh tế để có thể học và trau dồi thêm kiến thức về trang điểm, mua thêm mỹ phẩm để có thể hành nghề. Tôi bẩm sinh bị đau cột sống nên không thể theo nghề múa được lâu dài. Trang điểm sẽ làm cho người khác trở nên đẹp hơn, tự tin hơn, ra sân khấu biễu diễn tốt hơn và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc ấy.
Tôi cho rằng mình chỉ có một cuộc đời để sống thì mình nên sống sao cho ý nghĩa. Cách đây vài năm, tôi thành lập nhóm Cocoboy, một nhóm công tác xã hội tình nguyện, phi lợi nhuận tại Bến Tre với mục đích là nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bạn LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới).
Tôi mong muốn có thể kết nối với các bạn đồng cảnh ngộ với mình để không còn ai cảm thấy cô đơn và lạc lõng như tôi đã từng. Mọi người đều có sân chơi, phòng khám sức khỏe, được chia sẻ kiến thức cũng như quyền lợi chính đáng thuộc về mình.
Khó khăn sẽ qua và ngày mai sẽ tương sáng hơn nếu chúng ta chịu đoàn kết và cố gắng. Đừng để câu chuyện về đời tôi xuất hiện ở bất kỳ bạn LGBT trẻ nào nữa.
Chi Dung
Bến Tre, ngày 07.04.2015
Mai Thảo (ghi)