Các doanh nghiệp nước ngoài cho biết Việt Nam đã có thương hiệu trong giai đoạn COVID-19 là đất nước chống dịch tốt và được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Do đó, cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới.

CEO HSBC Việt Nam Tim Evans: Cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

Lam Thanh | 17/09/2022, 11:42

Các doanh nghiệp nước ngoài cho biết Việt Nam đã có thương hiệu trong giai đoạn COVID-19 là đất nước chống dịch tốt và được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Do đó, cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới.

Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

Tại hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp nước ngoài ngày 17.9, ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam nhận định “chúng ta đang sống trong giai đoạn khó khăn. Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục, giá hàng hóa chủ chốt bao gồm năng lượng tăng mạnh”.

Theo đó, dự kiến GDP của Anh, các nước vùng dùng đồng tiền euro và kể cả Mỹ sẽ giảm; tính không ổn định đang tác động đến chi tiêu đầu tư…

“Tuy nhiên, đây là cơ hội cho Việt Nam”, ông Tim Evans nói và cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Các khoản FDI mà Việt Nam nhận được là một minh chứng cho thấy thương hiệu của Việt Nam rất uy tín.

“Việt Nam đã có thương hiệu trong giai đoạn COVID-19 là đất nước chống dịch tốt. Bây giờ Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn”, ông Tim Evans nói.

vn.jpg
Ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam

CEO HSBC khuyến nghị Việt Nam cập nhật các khuôn khổ pháp lý về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động sản xuất chuỗi cung ứng giá trị cao được triển khai tại Việt Nam để có thể đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất của thế giới.

“Tỷ trọng FDI trong GDP của Việt Nam thuộc hàng top của thế giới. Chúng ta cần phải duy trì lợi thế này”, ông Tim Evans nêu và nhấn mạnh “cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới”.

Ông Kim Young Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cũng đánh giá Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và thế giới đang rất quan tâm, chú ý tới Việt Nam. Gần đây Moody's cũng nâng xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam.

Theo đại diện của doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam được dự đoán sẽ dễ dàng đạt tăng trưởng kinh tế 7% năm nay. Trong bối cảnh toàn thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng… Việt Nam vẫn được đánh giá cao do duy trì được vật giá, tỉ giá ngoại tệ ổn định.

Kỳ vọng quy hoạch điện 8 minh bạch, hữu dụng

Theo ông Tim Evans, các nhà đầu tư trung bình cần 6-9 tháng để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong khi kỳ vọng của họ chỉ có 3 tháng. Các nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi từ 15 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký, cho phép tiếp cận 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường thuộc khối G20. Việc tích cực quảng bá các FTA này do các Bộ, ngành liên quan thực hiện, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng.

Đồng thời, khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng giá trị, sự sẵn có của nguồn lao động lành nghề là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung vào phát triển nhiều lao động có kỹ năng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy và thu hút đầu tư giá trị cao vào các lĩnh vực có giá trị cao như bán dẫn, kỹ thuật ô tô, fintech, logistics…

Ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng cho rằng luôn luôn cần có một kế hoạch tổng thể liên quan đến đầu tư để có thể đưa các nguồn đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ cần phải phê duyệt một dự án quy hoạch điện 8 mới, minh bạch, hữu dụng, để có thể dọn đường cho việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch.

“Việc sử dụng các turbine gió cũng như các cánh đồng năng lượng mặt trời cũng chưa được đưa vào mạng lưới điện. Chúng tôi không muốn đặt gánh nặng lên nền kinh tế của Việt Nam cũng như làm giá điện ở Việt Nam tăng cao. Chúng tôi chỉ mong rằng chúng ta có một lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi năng lượng”, ông John Rockhold nêu.

vn-joh.jpg
Ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham)

Ông John Rockhold cũng hoan nghênh việc chuyển đổi số trong nền kinh tế của Việt Nam. Để Việt Nam hoàn toàn thực hiện hóa được tầm nhìn này, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để tạo ra một khung chính sách và quy định đảm bảo rằng tất cả người dùng Việt Nam cũng như các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng cơ chế có lợi cho họ.

Ông Kim Young Chul đề cập tới vấn đề đánh thuế chuyển giá và thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA - Advance Pricing Agreement). Theo đó, người nộp thuế giao dịch với các bên liên quan nước ngoài có nguy cơ bị đánh thuế hai lần do việc đánh thuế chuyển giá. Do vậy, doanh nghiệp phía Hàn Quốc đã đăng ký thỏa thuận APA để ngăn chặn những nguy cơ này.

Tuy nhiên, do việc sửa đổi luật quản lý thuế của Việt Nam cũng như tình hình COVID-19 phức tạp khiến cho việc đàm phán vẫn chưa được thực hiện. Doanh nghiệp Hàn Quốc hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu chi tiết về FTA để tham khảo và tham gia đàm phán hiệu quả...

Luật hóa việc phòng chống “chảy máu chất xám”

Đại diện KOCHAM cũng kiến nghị về việc cần có quy định luật pháp đối với việc phòng chống "chảy máu chất xám".

“Chúng ta có lực lượng nghiên cứu phát triển được đào tạo tốt, tuy nhiên hiện tượng "chảy máu chất xám" đang diễn ra. Điều này có thể tác động tiêu cực tới thu hút và mở rộng đầu tư của Việt Nam. Do đó, chúng tôi kiến nghị có luật phòng chống "chảy máu chất xám" đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh”, ông Kim Young Chul nêu.

vn-ko.jpg
Ông Kim Young Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)

Thêm vào đó, ông Kim Young Chul cũng cho rằng Việt Nam cũng nên có chính sách thị thực cởi mở hơn để trở thành một cường quốc du lịch toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

“Việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp thị thực (visa) của những người làm việc hoặc đầu tư ở Việt Nam đang trở thành trở ngại trong việc đầu tư vì hồ sơ xin giấy phép lưu trú tại Việt Nam quá phức tạp. Nếu vấn đề này được giải quyết thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ quan tâm đến Việt Nam hơn”, ông Kim Young Chul nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO HSBC Việt Nam Tim Evans: Cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới