TS Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay, bởi năm ngoái tăng 2,5%, năm nay 7,5% thì qua 2 năm mới đạt 5%. Trong khi đó, mục tiêu của cả nhiệm kỳ là tăng trưởng 6,5 - 7%.

TS Nguyễn Đình Cung: Không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay

Lam Thanh | 13/09/2022, 10:55

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay, bởi năm ngoái tăng 2,5%, năm nay 7,5% thì qua 2 năm mới đạt 5%. Trong khi đó, mục tiêu của cả nhiệm kỳ là tăng trưởng 6,5 - 7%.

Đầu tư công phải “bơm máu” ra được nền kinh tế

Tại hội nghị về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng..., PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng tổng thể nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Điều này có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại.

“Tôi cho rằng điểm này phải nhấn mạnh vì nếu không giữ được mạch của nền kinh tế thế giới thì xuất nhập khẩu, cũng như FDI - hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không giữ được”, ông Thiên nói và cho rằng sẽ tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế.

“Nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính”, ông Thiên nêu và nhấn mạnh phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế.

Cũng theo chuyên gia này, 3 yếu tố là đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn như thế nào để không mất cân đối là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

“Căng thẳng về room tín dụng như truyền thông đưa gần đây, không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa”, ông Thiên chia sẻ.

thien.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Ảnh: VGP

Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng không chỉ nên lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu, bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu.

“Có thể không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu, mà nếu chúng ta bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay”, ông Thiên nêu.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng về kinh tế vĩ mô nên thận trọng với cung tiền. Với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% mà năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Vấn đề nợ xấu không trừ hẳn đi, vấn đề tăng vốn cho ngân hàng thương mại, tỷ lệ tín dụng trên GDP chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá, ta không muốn làm cho tỷ giá mất giá nhiều. Chưa kể những áp lực về lãi suất, lãi suất không thể tăng quá mức…

Như vậy, ông Thành cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.

Chuyên gia này cho rằng cần linh hoạt trong mức tín dụng của chúng ta vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng, quan trọng là con số tổng thể cả năm.

Cần cách tiếp cận động lực tăng trưởng mới

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương bày tỏ sự thận trọng: Chúng ta không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay, bởi nếu phân tích kỹ mục tiêu tăng trưởng trong cả nhiệm kỳ, năm ngoái 2,5%, năm nay 7,5% thì qua 2 năm mới đạt 5%. Trong khi đó, mục tiêu của cả nhiệm kỳ chúng ta đặt ra là tăng trưởng 6,5 - 7%. Như vậy trong 3 năm còn lại, chúng ta phải nỗ lực rất lớn.

Theo ông Cung, áp lực lạm phát đang rất cao, chính sách tiền tệ sắp tới đây không thể hỗ trợ tăng trưởng, dư địa của chính sách tài khóa sẽ giảm, chi phí đầu vào tăng, đầu ra không tăng được có nghĩa là lợi nhuận doanh nghiệp đang giảm sút, dòng tiền vào doanh nghiệp đang có vấn đề, sản xuất của chúng ta đang có vấn đề.

“Động lực tăng trưởng sắp tới đây như chúng ta nói xuất khẩu sẽ giảm, FDI vào sẽ giảm, như thế giải ngân FDI sắp tới sẽ giảm. Đầu tư nhà nước có cải thiện đều nhưng không có những thay đổi, đầu tư vào tư nhân cũng như thế. Động lực cho thời gian sắp tới không nhiều tích cực”, TS Nguyễn Đình Cung cảnh báo những khó khăn tiềm ẩn.

cung.jpg
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Để duy trì và phục hồi động lực tăng trưởng, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhìn trong tương lai dài hạn 5-7 năm tới, nếu đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn bộ nhiệm kỳ từ 6,5 - 7% thì cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng khác, đó là động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế.

“Động lực tăng trưởng của miền Đông Nam Bộ và khu vực sông Hồng chiếm 60% GDP và nếu chúng ta thúc đẩy 2 vùng này tháo gỡ điểm ngẽn của nó, làm nó phát triển tăng trưởng 9 - 10% thì cả nước sẽ tăng trưởng 7 - 8%. Cái này hoàn toàn nằm trong tầm tay”, ông Cung nói.

Vì vậy phải có một hệ khuyến khích đầu tư mới để thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào những vùng đô thị phát triển, chứ không phải vào vùng sâu vùng xa. Đó là cách chúng ta tạo động lực tăng trưởng, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo ông Cung, chỉ khi cả 2 miền của đất nước đổi mới mô hình tăng trưởng thì cả Việt Nam mới đổi mới mô hình tăng trưởng; còn nếu không chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ, tái cơ cấu, tái cơ cấu và tái cơ cấu nói mãi vẫn không tái được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Đình Cung: Không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay