Trong cuộc trò chuyện với Một Thế Giới, anh Nguyễn Thanh Đảo - Tổng giám đốc Công ty CP Quảng cáo và Xúc tiến Thương mại Đông Nam đã đưa ra lời khuyên bổ ích cho những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực mà công ty anh đang theo đuổi, phát triển.

CEO Nguyễn Thanh Đảo: Muốn khởi nghiệp phải dự phòng cả rủi ro lỗ vốn

11/02/2019, 12:26

Trong cuộc trò chuyện với Một Thế Giới, anh Nguyễn Thanh Đảo - Tổng giám đốc Công ty CP Quảng cáo và Xúc tiến Thương mại Đông Nam đã đưa ra lời khuyên bổ ích cho những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực mà công ty anh đang theo đuổi, phát triển.

CEO Nguyễn Thanh Đảo (thứ hai từ trái sang) tại một hội chợ triển lãm năm 2018 - Ảnh: Internet

Chào anh, đầu tiên anh có thể chia sẻ một chút về bản thân để làm quen với độc giả Một Thế Giới được không?

- Chào các độc giả, hôm nay tôi rất vui khi nhận lời mời phỏng vấn của báo điện tử Một Thế Giới.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Tiền Giang, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi lên TP.HCM học Đại học Kinh Tế TP.HCM chuyên ngành quản trị kinh doanh, tốt nghiệp năm 2001. Sau khi ra trường, tôi vào làm việc ở một số công ty dệt may, đến năm 23 tuổi tôi mở công ty kinh doanh hoa tươi. Tuy nhiên sau 2 năm kinh doanh không thành công, tôi vào làm việc tại một công ty chuyên về dịch vụ hội chợ triển lãm. Sau 3 năm làm việc, tôi có nguyện vọng thành lập công ty riêng và thế là năm 2008, tôi đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm Nội thất Đăng Khoa. Nhìn thấy được tiềm năng phát triển, năm 2009 tôi tiếp tục thành lập Công ty CP Quảng cáo và Xúc tiến thương mại Đông Nam (gọi tắt là Công ty Đông Nam) chuyên tổ chức hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại.

Hằng năm, công ty của anh tổ chức khoảng bao nhiêu hội chợ triển lãm, ở những lĩnh vực nào và chủ đề nào thường thu hút nhiều khách hàng tham gia nhất?

- Mười năm qua, mỗi năm Đông Nam tổ chức khoảng 20 hội chợ triển lãm và rất đa dạng về lĩnh vực từ hội chợ thương mại tổng hợp với hàng Việt Nam, hàng tiêu dùng; đến các hội chợ triển lãm chuyên ngành với quảng cáo, in ấn, nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch... Bên cạnh đó, Đông Nam còn thực hiện các chương trình hội nghị, hội thảo, lễ hội... dưới sự chủ trì của các cơ quan nhà nước.

Hội chợ thương mại tổng hợp có đối tượng khách hàng khá đa dạng, đa số là trong nước, là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thời trang, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, điện máy, bất động sản, du lịch, dịch vụ... Mỗi kỳ hội chợ có thể thu hút từ 50.000 đến hơn 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm - đa số là người tiêu dùng.

Còn ở các hội chợ triển lãm chuyên ngành, đối tượng khách hàng tham gia là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc những lĩnh vực chuyên ngành của triển lãm đó. Mỗi kỳ triển lãm có thể thu hút từ 8.000 đến hơn 20.000 lượt khách tham quan, đa số là những nhà phân phối, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu... tới để tìm hiểu cơ hội hợp tác, giao thương.

Vậy kể từ khi anh lập nghiệp riêng đến nay, ngành tổ chức hội chợ triển lãm đã thay đổi như thế nào? Anh và Đông Nam đã làm gì để thích ứng với sự thay đổi đó?

- Ở các nước phát triển, khi nói đến hội chợ, triển lãm, người ta hiểu đó là hội chợ, triển lãm chuyên ngành (B2B). Con ở Việt Nam, do đặc thù về nền tảng kinh tế và xã hội nên từ trước đến giờ có rất nhiều hội chợ tiêu dùng (B2C). Tuy nhiên hiện nay xu hướng đã có sự thay đổi theo hướng gia tăng các hội chợ triển lãm chuyên ngành, các hội chợ hàng tiêu dùng thì ngày càng thu hẹp. Một trong những nguyên nhân là sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng thay vì đến hội chợ để mua sắm, họ chỉ cần vào các siêu thị hoặc trung tâm thương mại là đã có nhiều mặt hàng để lựa chọn, kết hợp trải nghiệm các loại hình giải trí khác như xem phim, chơi game…

Với các triển lãm chuyên ngành, hiện ở Việt Nam phần lớn do các công ty triển lãm nước ngoài hợp tác với công ty tiển lãm trong nước tổ chức, bên cạnh một số triển lãm uy tín do công ty Việt Nam tự tổ chức. Địa điểm tổ chức cũng khá khan hiếm. Tại TP.HCM chỉ có duy nhất Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) là đạt tiêu chuẩn quốc tế, nên luôn ở trạng thái “full”. Là một trong những đơn vị tổ chức, tôi đã đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, tạo các điều kiện như giao đất, miễm giảm tiền sử dụng đất... cho các nhà đầu tư xây dựng, mở rộng thêm các địa điểm tổ chức, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của ngành triển lãm.

Về phía Đông Nam, nhờ nắm bắt được xu hướng thay đổi của ngành nên ngay từ đầu đã xác định hướng đi là tập trung phát triển các triển lãm chuyên ngành. Minh chứng là sự kiện đầu tiên mà công ty Đông Nam tổ chức chính là Triển lãm quốc tế Thiết bị và Công nghệ quảng cáo Việt Nam - VietAd vào năm 2010. Đến nay, VietAd được xem là triển lãm chuyên ngành quảng cáo lớn nhất tại Việt Nam.

Đối với Đông Nam thời gian qua, thành công lớn nhất và đáng trân quý nhất chính là sự tín nhiệm, ủng hộ, đồng hành của các đối tác và khách hàng.

Bên cạnh đó, Đông Nam là công ty đầu tiên và cho đến hiện tại là duy nhất của Việt Nam gia nhập Hiệp hội Triển lãm toàn cầu - UFI. VietAd cũng được UFI công nhận là Triển lãm đạt chuẩn quốc tế. Đông Nam cũng là thành viên tích cực của Hiệp hội Quảng cáo châu Á - AAA, Hiệp hội In châu Á - Asia Print, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - VAA, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - HUBA và Hội Quảng cáo TP.HCM - HAA.

Công ty cũng đã 3 lần nhận được bằng khen của Bộ VH-TT-DL, 2 lần đạt chứng nhận Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu do UBND TP.HCM khen tặng, cùng nhiều giải thưởng khác… Bản thân tôi 2 lần nhận giải thưởng Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu do UBND TP.HCM trao tặng.

Chúc mừng anh và Đông Nam! Vậy theo anh hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực tổ chức hội chợ triển lãm có sự cạnh tranh gay gắt không? So với doanh nghiệp quốc tế trong ngành thì như thế nào?

- Dĩ nhiên là có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực tổ chức hội chợ triển lãm, nhất là đối với việc tổ chức các hội chợ hàng tiêu dùng. Bên cạnh những hội chợ uy tín, cũng có những hội chợ chưa được kiểm soát tốt về mặt chất lượng hàng hóa trưng bày.

Sự cạnh tranh với các công ty quốc tế chủ yếu tập trung vào các triển lãm chuyên ngành. Các công ty nước ngoài khi tổ chức một triển lãm tại Việt Nam có lợi thế về tiềm lực tài chính, khách hàng, nên thường tổ chức với quy mô lớn và đa số là các khách hàng quốc tế tham gia. Tuy nhiên, công ty trong nước vẫn có những lợi thế nhất định, đó là sự am hiểu về địa phương, cũng như việc chúng ta có thể chọn những lĩnh vực, những thị phần mà các công ty nước ngoài chưa có điều kiện để tổ chức tại Việt Nam. Tại nhiều nước trên thế giới và khu vực châu Á, họ có hẳn một cơ quan chuyên trách hỗ trợ cho ngành hội chợ triển lãm (được xếp vào ngành MICE), đi kèm là nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm thu hút khách tham gia và tham quan hội chợ, triển lãm…

Với sự thành công như anh đã nói cho đến lúc này, ở vai trò doanh nhân đàn anh, anh có lời khuyên nào dành cho những ai muốn khởi nghiệp trong ngành này hiện nay không?

- Thị trường ngành hội chợ triển lãm tại của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng có tính cạnh tranh cao. Các bạn muốn gia nhập và khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị nhất định về vốn, chuyên môn, mối quan hệ và phải có dự phòng rủi ro cho những chương trình đầu tiên có thể sẽ chưa mang lại lợi nhuận, thậm chí là lỗ vốn.

Tương lai của anh và Đông Nam đã được lên kế hoạch như thế nào, đặc biệt trong năm mới 2019 này? Anh có muốn gửi lời chúc nào đến các độc giả của MTG không?

- Như tôi đã nói, hiện Đông Nam đã gia nhập các hiệp hội trong nước, khu vực châu Á và thế giới cho nên định hướng công ty sẽ ngày càng tiệm cận với các tiêu chuẩn tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế. Công ty Đông Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các VietAd, VPSE, Agritech Vietnam, Vietnam Farm & Food Expo, Farm & Food Tech. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, tổ chức thêm triển lãm ở những lĩnh vực khác, Đông Nam đang hướng tới việc tổ chức các triển lãm ở nước ngoài.

Nhân dịp năm mới xuân Kỷ Hợi, tôi và Công ty Đông Nam kính chúc quý độc giả một mùa xuân sum vầy, dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý! Kính chúc báo Một Thế Giới sẽ có một năm gặt hái nhiều thành công!

Cám ơn anh!

Anh Thư Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Nguyễn Thanh Đảo: Muốn khởi nghiệp phải dự phòng cả rủi ro lỗ vốn