Martin Cooper, kỹ sư người Mỹ phát minh ra điện thoại di động 50 năm trước đã đưa ra cả nhận định xấu lẫn tốt về tương lai phát minh của mình.
“Nhận định tiêu cực là chúng ta không còn quyền riêng tư nào nữa vì mọi thứ của chúng ta đều được lưu trữ ở nơi nào đó, người nào muốn tiếp cận đều có thể truy cập được”, kỹ sư Cooper nói với hãng tin AP tại triển lãm công nghệ di động nổi tiếng MWC. Ông nhận định vấn đề quyền riêng tư sẽ được giải quyết, nhưng không dễ dàng.
Ngoài lo ngại xung quanh quyền riêng tư, kỹ sư Cooper cũng thừa nhận điện thoại thông minh cùng mạng xã hội tạo ra một số tác động tiêu cực chẳng hạn như chứng nghiện internet, tình trạng trẻ em dễ dàng tiếp cận nội dung độc hại.
Với vấn đề này, ông đề xuất phát triển nhiều mạng internet khác nhau cho đối tượng sử dụng riêng biệt. Trẻ 5 tuổi có thể sử dụng internet phục vụ học tập nhưng không truy cập được nội dung khiêu dâm hay nội dung mà chúng không hiểu.
Về mặt tích cực, kỹ sư Cooper hy vọng những tiến bộ trong công nghệ di động có khả năng cách mạng hóa vài lĩnh vực như giáo dục hay y tế. Ông lạc quan nhận định với điện thoại di động, công nghệ y tế và internet, con người sẽ chiến thắng bệnh tật.
Theo kỹ sư Cooper, điện thoại di động sẽ phát triển để “gắn trên cơ thể”, có thể dưới dạng cảm biến giúp theo dõi sức khỏe người dùng mọi lúc. Thậm chí pin có thể được thay thế bằng năng lượng từ chính con người.
“Bạn ăn thức ăn, bạn tạo ra năng lượng. Tại sao không có thiết bị thu năng lượng này cho điện thoại đặt bên tai gắn dưới da của bạn chứ?”, kỹ sư Cooper phát biểu.
Ông thừa nhận, tuy là người phát minh ra điện thoại di động nhưng bản thân còn nhiều điều chưa học hỏi được, chẳng hạn như TikTok. Kỹ sư Cooper thường dùng điện thoại kiểm tra thư điện tử và tìm kiếm thông tin.