Cuộc điều tra quốc gia đầu tiên tại Việt Nam về quan điểm của người dân đối với hôn nhân cùng giới do Viện Xã hội học (IOS), Viện chiến lược và chính sách y tế (HSPI), và Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) đã cho thấy những xu hướng hoặc yếu tố ảnh hưởng đến việc một người ủng hộ hay phản đối hôn nhân cùng giới.
Càng trẻ càng ủng hộ hôn nhân cùng giới. Trong độ tuổi từ 18 đến 29, có tới 52,3% ủng hộ, trong khi đó ở độ tuổi 30-49 là 28,1% còn độ tuổi 50 đến 69 là 22,8%. Kết quả thể hiện sự khác biệt khá lớn giữa các thế hệ, và sự thay đổi này khá nhanh và mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, độ chênh về tỉ lệ ủng hộ giữa thế hệ 50-69 với thế hệ 30-49 là 5,3 điểm phần trăm, trong khi đó độ chênh giữa thế hệ 30-49 và thế hệ 18-29 là 24,2 điểm phần trăm.
Học vấn càng cao càng ủng hộ hôn nhân cùng giới. Trong những người có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên có 49,7% ủng hộ hôn nhân cùng giới. Trong những người học xong trung học phổ thông tỉ lệ này là 41,7%. Với những người chưa học xong Trung học cơ sở thì tỉ lệ ủng hộ chỉ còn 18,5%.
|
Chiến dịch Tôi Đồng Ý ủng hộ hôn nhân đồng giới thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội tại Việt Nam |
Thu nhập càng cao càng ủng hộ hôn nhân cùng giới. Những người có thu nhập cao từ 36 triệu/năm thì tỉ lệ ủng hộ là 37,9% còn những người có thu nhập thấp hơn 10 triệu/năm thì tỉ lệ ủng hộ là 25,9%.
Người sống ở thành thị ủng hộ hôn nhân cùng giới cao hơn người sống ở nông thôn. Cụ thể, có 36,9% người sống ở thành thị ủng hộ, còn tỉ lệ ủng hộ ở nông thôn là 30,1%,
Người không tôn giáo ủng hộ hôn nhân cùng giới cao hơn người có tôn giáo. Cụ thể, 37,9% người không có tôn giáo ủng hộ, 29,7% người có đạo Phật ủng hộ và 22,2% người có tôn giáo khác ủng hộ.
Người dân tộc kinh ủng hộ nhiều hơn người dân tộc thiểu số. Cụ thể, có 35,2% người kinh ủng hộ hôn nhân cùng giới, còn tỉ lệ này trong người dân tộc thiểu số là 23,3% .
Người miền bắc ủng hộ nhiều hơn người miền nam và người miền trung. Theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ ủng hộ ở miền Bắc là 42,9%, miền Trung là 34,5% và miền Nam là 26,7%.
Người biết hai người cùng giới sống chung như vợ chồng ủng hộ nhiều hơn người không biết, cụ thể tỉ lệ là 39,4% so với 24,4%.
Người quen ai đó là người đồng tính ủng hộ cao hơn người không quen ai là người đồng tính, cụ thể tỉ lệ là 44,8% và 31,1%.
Người biết nhà nước đang sửa luật HNGĐ ủng hộ cao hơn người không biết, cụ thể tỉ lệ là 43,5% và 27,3%.
Như vậy, nếu một người ủng hộ hôn nhân cùng giới thì xác suất để người đó thuộc giới trẻ, có trình độ học vấn cao, có thu nhập cao, sống ở thành thị, miền bắc, không có tôn giáo và có quen biết người đồng tính sẽ cao hơn. Điều thú vị là xác suất người đó là nam giới hay phụ nữ bằng nhau, vì theo nghiên cứu giới tính của người được hỏi không ảnh hưởng đến xác suất ủng hộ hay phản đối của họ.
Minh Hải (Theo DN)