Rất nhiều bạn yêu thơ quan tâm đến giải thưởng PEN Award for Poetry in Translation 2014 và người Việt Nam lọt vào chung kết giải thơ này: Ngô Tự Lập! Đúng như nhiều nhận xét, bạn đọc vẫn còn lạ lẫm với thơ của anh hơn là văn xuôi. >>Thơ Ngô Tự Lập được đề cử giải PEN Awar

Chân dung về người vào chung khảo giải thơ PEN ở Mỹ

Một Thế Giới | 25/07/2014, 00:09

Rất nhiều bạn yêu thơ quan tâm đến giải thưởng PEN Award for Poetry in Translation 2014 và người Việt Nam lọt vào chung kết giải thơ này: Ngô Tự Lập! Đúng như nhiều nhận xét, bạn đọc vẫn còn lạ lẫm với thơ của anh hơn là văn xuôi. >>Thơ Ngô Tự Lập được đề cử giải PEN Awar

Ngay chính tôi cũng thực sự bất ngờ khi biết tin tập thơ của Ngô Tự Lập vào chung khảo của giải thưởng PEN Award for Poetry in Translation, một giải thưởng thơ nặng ký và có uy tín của Mỹ. 
Biết, chơi thân với anh Lập từ hơn hai mươi năm trước, từ cuộc thi Tác phẩm Tuổi Xanh lần thứ Nhất (do báo Tiền Phong và trường viết văn Nguyễn Du Hà Nội phối hợp tổ chức 1990), cả hai anh em chúng tôi cùng đồng hạng giải ba, giải thưởng văn xuôi. Anh Lập với truyện Ngôi Sao Trên Đỉnh Dốc Mù Chang, còn tôi là truyện Nước Mắt Trong. Thật khó tưởng tưởng sau ngần ấy năm, kể từ khi kết thúc giải thưởng, vẫn còn nhớ về nhau qua bóng những cái tựa truyện! Còn nội dung cụ thể thế nào thì gần như quên hết rồi!...
Dù sao đi nữa cái tên Ngô Tự Lập còn khá nặng ký khi nhắc đến những bài viết nghiên cứu, dịch thuật và học thuật. Nhưng thơ thì chưa bao giờ! Ấy mới là chuyện lạ!
Chan dung ve nguoi vao chung khao giai tho PEN o My
Từ trái sang: dịch giả Nguyễn Bá Chung, hai tác giả nhà thơ Ngô Tự Lập & Martha Collins, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều  
Nhân nhắc đến giải thưởng Tác Phẩm Tuổi Xanh, ngỡ cũng nên nói chuyện vui vui một chút. Là một giải thưởng văn học lớn và có uy tín lúc bấy giờ. Một thời của văn chương nghiêm túc, sang giá và sáng giá! Nhưng bây giờ nhìn lại thấy rõ rằng đó vẫn là hệ mỹ học cũ. Lúc phát giải thưởng, Đỗ Hoàng Diệu là bé nhất. Cô viết cái truyện Ông Già Hàng Xóm. Không ai hình dùng được gần hai mươi năm sau cô có tập truyện Bóng Đè "nổi tiếng"! 
Cũng như thế, Nguyễn Vĩnh Tiến xuất hiện với truyện Con Chó Hư. Từ xuất phát này Tiến đã có bước đi dài qua thơ ca và âm nhạc. Nhìn lại những giải thưởng văn chương đầu đời rất quan trọng đối với các cây bút yêu văn chương. Nó như bà đỡ mát tay hay cái bệ phóng, một con mắt xanh soi chiếu độ lấp lánh chữ nghĩa.
Với thế hệ chúng tôi, nói anh Ngô Tự Lập đi ra từ giải thưởng này cũng đúng. Vì từ đây chúng tôi đã biết nhau. Mặc dù, anh Lập thuộc hàng “cao thủ võ lâm”, viết văn trước đó khá lâu. Nếu tôi nhớ không nhầm ở giài thưởng TPTX anh Lập cũng chỉ mới nhỉnh trên 30 tuổi một chút. Nhưng nom rất chững chạc. Lúc bấy giờ anh chưa về làm thuyền trưởng Hải quân ở Hải Phòng mà đang đóng quân ở Bắc Ninh. Tôi nhớ rõ chuyện này vì sau khi nhận giải, anh rủ tôi đi Bắc Ninh xem hát quan họ. Hai anh em đang hẹn giờ cùng ra bến xe thì anh phải ở lại Hà Nội làm gì đó. Sau đó thì chia tay nhau.
Nhưng Lập là một người rất chí tình. Anh luôn luôn gửi những tác phẩm của anh cho bạn bè. Ngày ấy, sao chúng tôi say sưa viết như thế không biết! Chẳng như bây giờ lạnh giá tâm hồn. Lập là cây bút viết cực khỏe! Anh thường viết truyện dài trên 5000 từ và thường đăng trên báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội và Tiền Phong.
Tôi nhớ tên những cái truyện đầy ấn tượng như Mộng Du & Những Truyện Ngắn Khác, Lửa Trong Lòng Biển, Bão Lạc Mùa… anh khiến tôi và đọc giả say đắm cùng với anh nhập thần vào thế giới của những truyện ly kỳ đặc sắc trên biển cả. Những truyện ngắn nếu thiếu vốn sống sẽ khó mà hoàn thiện thiện. Khác với nhiều cây bút hiện thực buổi ấy, Ngô Tự Lập đã chọn một lối đi riêng hay anh "bị ám" với thế giới văn học huyền ảo. Lạ! Anh đà đắm và nghiên cứu những tiếng gọi bí mật huyền hồ từ phía bên kia. 
Sau này, anh có viết một công trình theo tôi là khá đắc địa “Những đường bay của mê lộ” hấp dẫn khi tổng hợp về thế giới ma trong văn học và văn hóa phương Đông. Và anh cũng cùng nhà văn Lưu Sơn Minh tuyển chọn hệ thống tuyển chọn Tuyển tập truyện ngắn Ma Việt Nam đầu tiên ra mắt ở nhà xuất bản Văn Học có nhan đề Đêm Bướm Ma. Tôi cũng được chọn một truyện ngắn Đỏ trong tuyển tập ma quái đó.
Chan dung ve nguoi vao chung khao giai tho PEN o My
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu tuyển thơ Những Vì Sao Đen ở Hà Nội

Ngô Tự Lập nổi tiếng thông tuệ và đa tài sau khi rời khỏi quân đội để tiếp tục chuyên sâu vào nghiên cứu và sáng tác văn học nghệ thuật. Anh thử nghiệm đủ mọi lĩnh vực. Từ việc thi hay xin được các học bổng nước ngoài để tiếp tục đi học, trở thành một nghiên cứu sinh. Ít người trẻ nào viết văn có chí lực như anh. Ham mê kiến thức và tìm tòi hiểu biết. Và kỳ thực, không ai trong bạn bè biết anh âm thầm làm thơ!

Cho đến khi khoảng giữa thập niên 2000, Ngô Tự Lập bất ngờ gửi cho bạn bè hai tập thơ anh in cùng lúc. Trình bày, in ấn rất đẹp! Đó là Thế giới và tôiChuyến bay đêm tháng Sáu. Anh chủ trương toàn bộ là Thơ Tự Do. Với cách nhìn rất riêng, tâm hồn nhiều suy tư, thơ Lập đặt ra rất nhiều vấn đề về cuộc sống và ý thức nhân sinh.Hãy đọc một tác phẩm thơ của anh đã lấy làm nhan đề tập thơ.

THẾ GIỚI VÀ TÔI 

Đó là thế giới và tôi

Hai miền hoang tưởng

Có phải sinh năm 1962?

 

Có thể là quá khứ và tương lai đã hoà trộn vào nhau

Có lẽ tôi thậm chí không phải là hạt bụi

Nhưng đôi lúc tôi tin vào sự dối lừa

Của vết sẹo thời chiến tranh còn lại

Của những đam mê cao thượng hoặc thấp hèn

Và mái tóc đang rụng xuống như cây rừng lở lói

 

Từng khoảnh khắc đều minh chứng cho cát bụi

Cùng thế giới qua khu rừng ấy

Trong cơn mơ tôi lặng lẽ bay đi


Hay một bài khác:

KHÔNG TƯỞNG

Tôi sẽ thấy mình trong một chiếc gương

Thấy tên mình trong một câu thơ tình cờ nhặt được

Và số phận - trong một kẻ chưa hề quen biết

 

Từng nằm dài sưởi nắng trên bãi biển Caxpi

Lắng nghe bọt bèo ca hát

Kẻ mộng du không hề được mất

Khuông Cơ, chiều nắng tắt dưới chân tôi

 

Ngước lên mắt mờ bụi đỏ

Thời gian

Hay kỉ niệm núi đồi ?

 

Rồi những ngọn nến vô hình thắp sáng trong đêm

Mỗi khoảnh khắc một niềm hy vọng

Cửa sổ phòng tôi hoá ngã tư đường


Nhà thơ Mỹ Martha Collins viết trong lời giới thiệu đầu tập thơ “Những vì sao đen” của nhà thơ Ngô Tự Lập: “Thơ Lập cũng có những con đường giữa các vùng đất: những con đường lớn, những con đường mòn, và cả biển khơi trong trải nghiệm của một người thuyền trưởng, chúng kết nối những ý niệm trừu tượng hơn, như quá khứ và hiện tại, làng quê và thị thành, cuộc sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối. Thơ Lập còn có những ngã rẽ và – thậm chí ngay cả trong phong cảnh đất đai hay biển cả - những ô cửa có thể mở ra những chân trời khiến ta ngỡ ngàng.”
Và chính bà, nữ thi sĩ Martha Collins đã dành nhiều thời gian và công sức để chuyển ngữ tập thơ sang tiếng Anh.
Đọc thơ Ngộ Tự Lập tôi không tách khỏi bóng những cơn suy tưởng đã phủ dụ từ thế giới sáng tạo anh như truyện ngắn, tiểu luận văn học. Thơ anh hiếm có những bài hay bất ngờ. Đôi khi tôi tự lý giải cơn cớ đó là thơ Lập vẫn chăm chắm đi vào thế giới suy tưởng được phép (!?). Giấc mơ cần mở rộng hơn nữa! Ngôn ngữ đập vỡ những quy ước thông thường để lèn nén trong đó những vấn đề nóng bỏng của thời sự và bão thời đại!
Đôi khi ta dễ ngủ trong bóng râm hiền triết ve vuốt của chữ! Chữ cần sự đánh thức trần trụi. Sự an toàn của vùng cấm đôi khi giết chết một Thi sĩ!
Nhưng vẫn còn nhiều phía khác rõ ràng tôi chưa nhận ra. Vẫn phải tiếp tục khám phá như chính dự báo chung kết của giải  PEN Award for Poetry in Translation tiếng hát của những vì sao đen!
Chúc mừng Ngô Tự Lập đã đem đến cho thơ niềm hy vọng vào lúc chữ nghĩa, thi tứ ngỡ mất hết lối, tuyệt lộ mọi phương hướng này!
Sao đen, đêm đen hãy hát!
Sài Gòn, 21.7.2014
Nguyễn Hữu Hồng Minh 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chân dung về người vào chung khảo giải thơ PEN ở Mỹ