Sáng 11.11, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 diễn ra với 40 dự án được chọn. Trong số này có “Mô hình ghe Ngo mini” của anh Thạch Rô Si Dol ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng).

Chàng trai Khmer đam mê mô hình ghe Ngo

Lương Xuân Cao | 11/11/2023, 17:15

Sáng 11.11, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 diễn ra với 40 dự án được chọn. Trong số này có “Mô hình ghe Ngo mini” của anh Thạch Rô Si Dol ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng).

001-new.jpg
Mô hình ghe Ngo mini của anh Thạch Rô Si Dol - Ảnh: Lương Xuân Cao

Lý giải về ý tưởng khởi nghiệp, anh Thạch Rô Si Dol (ngụ ấp Tân Lợi, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, anh xuất thân trong gia đình nông dân Khmer, lại là người có đam mê bộ môn đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc mình. Cha anh là họa sĩ vẽ hoa văn cho các ngôi chùa Khmer và trang trí ghe Ngo nên từ nhỏ Thạch Rô Si Dol đã được chỉ dạy về ý nghĩa các hoa văn, sự kết hợp màu sắc và thực hiện mô hình ghe giống như thật.

“Ghe Ngo được bà con Khmer ở Sóc Trăng dùng để đua tranh tài tại mỗi dịp lễ hội Oóc Om Bóc, với mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cũng chính từ niềm đam mê bộ môn thể thao này mà tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện mô hình chiếc ghe Ngo chỉ dài khoảng 2m, nặng 4kg và giữ nguyên vẹn tất cả các chi tiết đúng với nguyên mẫu của chiếc nghe Ngo dài 30m nặng 3,5 tấn cùng hồn cốt của nó”, Thạch Rô Si Dol cho biết.

003(1).jpg
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đang tham quan mô hình ghe Ngo mini của Thạnh Rô Si Dol - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo anh Thạch Rô Si Dol, vật liệu để làm những chiếc ghe Ngo mini là cây bình bát (loại cây mọc hoang ở nhiều địa phương Nam Bộ) hay cây tràm có dáng cong giống như chiếc ghe Ngo. Những loại cây này sau khi đốn về sẽ được bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài và phơi nắng cho khô, sau đó đục rỗng phần trong và làm nhẵn bề mặt thân cùng các chi tiết khác nhờ sự hỗ trợ của máy móc.

003a(1).jpg
Nhiều người thích thú với những chiếc ghe Ngo mini này - Ảnh: Lương Xuân Cao

Do được cha chỉ dạy về ý nghĩa các hoa văn và sự kết hợp màu sắc từ nhỏ nên khi làm ghe Ngo mini, anh Thạch Rô Si Dol đã tỉ mỉ trong cách phối màu và mô tả đường nét, chi tiết nhỏ trên thân ghe để đảm bảo được sự sắc sảo, sinh động cho từng chiếc ghe. Một chiếc nghe Ngo mini do anh tạo ra thường có kích thước từ 50cm đến 2m với thời gian thực hiện từ 3 - 5 ngày.

Hiện nay, mô hình ghe Ngo mini của Thạch Ro Si Dol được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người yêu thích bộ môn đua ghe truyền thống của đồng bào Khmer. Thậm chí, một số người còn tự tìm đến anh đặt hàng theo yêu cầu. 

Theo Thạch Rô Si Dol, khách đặt hàng đóng ghe Ngo mini là người hâm mộ của một đội ghe đua nào đó trong các cuộc đua ở địa phương. Họ tìm đến anh để đặt theo hình mẫu chiếc ghe Ngo của đội đó.

002-1-.jpg
Những chiếc ghe Ngo mini với nhiều kích thước khác nhau của Thạch Rô Si Dol - Ảnh: Lương Xuân Cao

Dù chỉ mới "khởi nghiệp" thời gian gần đây, nhưng tính từ năm 2022 đến nay, Si Dol đã thực hiện hàng trăm chiếc ghe mini với mức giá dao động từ 500.000 - 1,8 triệu đồng. Số tiền bán mô hình ghe mini đã giúp cho chàng trai người dân tộc Khmer có nguồn thu nhập khá ổn định.

Đặc biệt, những sản phẩm mô hình ghe Ngo mini của Thạch Rô Si Dol cũng đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng hôm nay (11.11). Đây là cuộc thi do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. 

Lễ Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo là một lễ hội của người Khmer Nam Bộ nói chung và của người Khmer Sóc Trăng nói riêng. Lễ hội này được tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động như cúng trăng, thả đèn nước, đua ghe Ngo…

Năm 2022, Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận “Đua ghe Ngo môn thể thao của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng có số lượng ghe và vận động viên tham dự nhiều nhất”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chàng trai Khmer đam mê mô hình ghe Ngo