Trong dự thảo Báo cáo quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết tính đến năm 2018, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%, trong đó tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đạt 99%.

Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đạt tỷ lệ cao

Thu Anh | 14/10/2020, 12:01

Trong dự thảo Báo cáo quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết tính đến năm 2018, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%, trong đó tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đạt 99%.

Liên quan đến chỉ tiêu “Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý”, Quyết định 681 (do Thủ tướng Chính phủ ký năm 2019, ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030) sử dụng chỉ tiêu khác: “Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường” để xác định lộ trình năm 2020 là 85% và 100% vào các năm 2025 - 2030.

chat-thai-ran.jpg

Theo đó, dự thảo Báo cáo quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nêu rõ tính đến năm 2018, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%, trong đó tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đạt 99%. Năng lực thu gom xử lý chất thải nguy hại của các cơ sở xử lý đã được nâng cao hơn. Cụ thể, năm 2018, cả nước có 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại, tăng 5 cơ sở so với năm 2017 và xử lý được thêm 500.000 tấn chất thải nguy hại/năm.

Tuy gần như toàn bộ chất thải y tế đã được xử lý đúng quy định, chất thải nguy hại trong công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt vẫn chưa được xử lý triệt để do chưa có hệ thống phân loại và thu gom khoa học cùng hệ thống giám sát, quản lý chặt chẽ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Vì vậy, dự thảo báo cáo của Bộ KH-ĐT cho rằng Việt Nam sẽ gặp thách thức để đạt mục tiêu 100% chất thải rắn nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đến năm 2025 nếu không tích cực đầu tư thêm và nâng cấp công suất các cơ sở xử lý chất thải nguy hại hiện có.

screenshot-68-.png
Số liệu trong Báo cáo quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

Đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý”, Quyết định 681 xác định lộ trình năm 2020 là 95%, năm 2025 là 100% và năm 2030 là 100%.

Theo đó, dự thảo báo cáo của Bộ KH-ĐT đã dẫn số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, đến giữa năm 2019, có gần 93% (407/439) cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.4.2003 về việc Phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng) đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để và tương tự, có 66% (289/435) cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1788/QĐ-TTg ngày 1.10.2013 về việc Phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020) đã hoàn thành xử lý triệt để.

Trong số các cơ sở chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, có 27/32 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 104/146 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg thuộc khu vực công ích và trách nhiệm xử lý là của Nhà nước (chủ yếu là các bãi rác, bệnh viện và các khu khám chữa bệnh...). Đối với các cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước để xử lý triệt để nhằm thúc đẩy tiến độ xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần giảm thiểu tác động của ô nhiễm tới cộng đồng.

Như vậy, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xử lý 95% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) đến năm 2020. Tuy nhiên, theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, Việt Nam còn phải xử lý hơn 100 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm tới 1/3 tổng số cơ sở cần được xử lý đến năm 2020) để đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong khi đó, danh sách các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng cần được xử lý có thể sẽ được tiếp tục bổ sung cho giai đoạn tới.

Bài liên quan
Nâng tầm dịch vụ y tế tại Phú Quốc với Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng
Sáng 16.11, tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi động dự án Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc - Sun Serenia Hospital.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đạt tỷ lệ cao