Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, không nên có phương án tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, mà chỉ có tranh luận giữa đại biểu và người trả lời chất vấn.
Ngày 13.8, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức cuộc họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, hiện vẫn còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến các đại biểu quốc hội (Điều 8); giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo tại phiên họp toàn thể (Điều 16); Thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 17); Vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp (Điều 17); tranh luận, chất vấn lại (Điều 19)…
Về nội dung thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến các đại biểu quốc hội, đa số các đại biểu đề nghị quy định thời hạn gửi tờ trình dự thảo nghị quyết cần sớm hơn thời hạn gửi báo cáo thẩm tra. Lý do là khi có tờ trình chính thức, các cơ quan mới tiến hành thẩm tra nên báo cáo thẩm tra thường được hoàn thiện muộn hơn tờ trình.
Đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 17), có đại biểu đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đây vấn đề đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây. Điều này đã giúp cho mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.
Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như nội quy hiện hành để đại biểu quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình nên dự thảo Nội quy thể hiện theo hướng này.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn tại khoản 3, Điều 19. Đại biểu quốc hội có quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm. Thời gian tranh luận không quá 3 phút.
Thực tế tại các phiên chất vấn trong thời gian gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 1 phút để chất vấn và phải đợi đến lượt mới được hỏi. Trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 3 phút để tranh luận là không công bằng.
Do đó, các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ có đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Có ý kiến cho rằng tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng. Mục đích là làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn.
Còn chất vấn lại quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn. Theo quy định hiện hành, việc chất vấn lại cũng là chất vấn và có thời gian như nhau.
Dự thảo Nội quy (sửa đổi) đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, để bảo đảm công bằng, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1 phút đến 2 phút.
Về biểu quyết hỗn hợp (Điều 19), có đại biểu đề nghị quy định hình thức biểu quyết linh hoạt hơn trong trường hợp đặc biệt như khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua nhằm bảo đảm quyền biểu quyết của các vị đại biểu quốc hội tham dự kỳ họp theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, đề nghị bổ sung hình thức biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay khi Quốc hội họp trực tuyến mà hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị di động không thể vận hành. Dự thảo nội quy đang được thể hiện theo hướng này.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc sử dụng đồng thời các hình thức biểu quyết khác nhau với mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội, do đó đề nghị cân nhắc việc quy định biểu quyết hỗn hợp.
Góp ý vào điều 18 về vấn đề chất vấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, không nên có phương án tranh luận giữa đại biểu với đại biểu. Do đó cần quy định rõ ràng chỉ có tranh luận giữa đại biểu và người trả lời chất vấn. Đại biểu cũng đề nghị tăng thời gian câu hỏi phần tranh luận.
Đối với việc quy định chủ tọa có quyền kéo dài hoặc rút ngắn với người chất vấn, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành là không nên. Lý do là nếu kéo dài hoặc rút ngắn thì phải áp dụng đồng loạt chứ không riêng một đại biểu nào.