Những mùa đông ấm hơn và ít mưa đã làm khô hạn ở vùng Nam Âu, đe dọa mùa vụ năm 2023. Các nước trong vùng phải làm gì để đối phó?

Châu Âu đối phó tình trạng hạn hán và thiếu nước

Bảo Vĩnh | 10/03/2023, 17:30

Những mùa đông ấm hơn và ít mưa đã làm khô hạn ở vùng Nam Âu, đe dọa mùa vụ năm 2023. Các nước trong vùng phải làm gì để đối phó?

rice-italy-pa.jpg
Hạn hán nặng khiến nhà nông Ý mất mùa lúa - Ảnh: PA

Nhiều nông dân châu Âu đang lo ngại cho vụ thu hoạch, vì tình trạng quá ít mưa trong đầu năm 2023. Tại nhiều nơi, mùa đông này khô hơn bao giờ hết và dù còn trong mùa đông, các nước Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đều không đủ nước. Tình trạng thiếu nước đã dẫn đến việc lúa mì và lúa mạch bị thất bát.

Trong vài mùa hè qua, vùng Nam Âu phải chịu đựng thời tiết cực kỳ nóng bức, khiến các hồ và sông bị cạn khô. Riêng tại Ý, sự thiếu nước đã tàn phá mạnh vụ thu hoạch lúa chỉ trong vài tuần lễ. Nhiều nước đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước.

Bà Samantha Burgess, Phó chủ nhiệm Hệ thống Giám sát khí tượng (C3S) thuộc Liên minh châu Âu nói: “Khi chúng tôi xem xét các biểu đồ về độ ẩm của đất, chúng tôi ghi nhận sự giảm độ ẩm. Phải có mưa nhiều trong mùa đông này để làm đầy lại các nguồn nước ngầm dự trữ”.

Do biến đổi khí hậu, những giai đoạn khô hạn sẽ còn kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn trong tương lai, nhất là vào mùa hè. Nếu quá ít mưa trong mùa đông, hạn hán sẽ kéo dài hơn và mùa hè tiếp theo sẽ lại càng khô hạn hơn.

Vậy các nhà nông, cộng đồng cư dân và các quốc gia phải làm gì để hạn chế tác động của hạn hán?

Trữ nước mưa trong hồ chứa

Bà Andrea Colombo ở Cơ quan Quản lý vùng chậu sông Po (Ý) đề nghị mở rộng các sơ sở hạ tầng cho nhiều hồ trữ nước. Cách này sẽ cho phép trữ nước mưa và nước băng tan chảy tại các làng, thị trấn và các vùng gần dãy núi Alps thuộc lãnh thổ Ý để sử dụng trong mùa xuân.

Một số quốc gia trên thế giới đã vận dụng ý tưởng này, theo báo Deutsche Welle (DW). Ví dụ Singapore có hai hệ thống trữ nước khác nhau: một là nước thải và một là hệ thống tích trữ nước mưa, hai nguồn nước này đều được xử lý thành nước uống và trữ trong các bể tích nước lớn.

singapore-pa.jpg
Singapore có hai hệ thống thu nước thải và nước mưa để xử lý thành nước uống - Ảnh: PA

Dĩ nhiên là tính hiệu quả của các hồ chứa này tùy thuộc lượng mưa trong mùa đông. Ở vùng núi Alps thuộc Ý, mùa tuyết rơi hiện nay đã giảm một nửa, và sông Po, con sông dài nhất ở Ý, cũng chỉ đạt một khối lượng nước nhỏ hơn bình thường, theo tổ chức giám sát môi trường Legambiente. Tổ chức này cảnh báo tình hình đang nhạy cảm và đòi hòi phải có ngay những hành động khẩn cấp.

Lãnh đạo Legambiente, ông Giorgio Zempetti kêu gọi chính phủ Ý vạch ra một chiến lược nước cấp quốc gia nhằm quảng bá cách quản lý nguồn nước vốn gồm thường xuyên xử lý và sử dụng nguồn nước nhằm kéo giảm những tác động môi trường và trữ nước ngầm.

Bộ Nông nghiệp Ý đã mô tả tình hình thiếu nước hồi đầu tháng là “một tình trạng khẩn cấp đòi hỏi các biện pháp đối phó ngắn hạn và dài hơi”. Nhưng tuyên bố này chưa kèm thêm một chiến lược cụ thể, theo DW.

Bảo trì ống dẫn nước và hồ trữ nước

Cách tồn giữ nước nhanh nhất và hiệu quả là sửa chữa những điểm rò rỉ của tuyến ống dẫn nước và lấp các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng nước hiện có.

Chẳng hạn Ý bị mất 40% lượng nước do ống dẫn nước bị xì. Tỷ lệ thất thoát nước này là 20% ở Pháp và 30% ở Bồ Đào Nha, theo Hiệp hội Các nhà cung cấp nước châu Âu. Tỷ lệ thất thoát nước lớn nhất là 60% ở Bulgaria và hơn 40% ở Romania.

Tính trung bình có ¼ nguồn nước uống ở châu Âu bị thất thoát do cơ sở hạ tầng nghèo nàn và cách quản lý nguồn nước không hiệu quả.

Để giải quyết, Liên minh châu Âu hồi cuối năm 2022 đã kêu gọi các nước thành viên giám sát kỹ hơn lượng nước thải và thất thoát, đầu tư các biện pháp thích đáng và thu thập dữ liệu.

phap-kho-han-reuters.jpg
Tình trạng hạn hán nặng nề ở Pháp - Ảnh: Reuters

Tái sử dụng và xử lý nước nhiều lần

Theo Ủy ban châu Âu, có rất nhiều tiềm năng cho việc tái sử dụng và xử lý nguồn nước ngọt.

Hiện tại, EU chỉ xử lý và tái sử dụng khoảng 1 tỉ mét khối nước ngọt (chiếm 0,5%). Với các nhà máy xử lý hiệu quả và cơ sở hạ tầng thích ứng, nguồn nước có thể được sử dụng hiệu quả hơn, điều sẽ khiến giảm đáng kể vào các nguồn nước tự nhiên cũng như giảm sức ép phải trữ nước.

Chẳng hạn tại Ý, nước đã qua xử lý chỉ chiếm 5% trong việc tưới tiêu. Phần còn lại là từ các nguồn nước ngọt vốn đã ít ỏi.

Mảng nông nghiệp ở các nước thành viên EU tiêu thụ khoảng 30% nguồn nước ngọt. Các nhà nông cũng có thể chuyển đổi qua các loại giống cây trồng chịu hạn, theo bà Burgess.

Chuẩn bị đối phó việc thiếu nước trong hè 2023

Nếu tình hình thiếu nước tiếp tục nặng nề, chính quyền 87 thành phố ở Pháp đã tuyên bố họ có thể ra lệnh hạn chế sử dụng nước. Biện pháp hạn chế này, gồm cả việc cấm bơm nước vào hồ bơi tư nhân, thường chỉ triển khai khi xảy ra hạn hạn nặng vào đỉnh điểm mùa hè.

Hiệp hội Các nhà nông châu Âu (Copa-Cogeca)nói tình hình rất đáng ngại, trong khi chuyên gia khí hậu Burgess cho biết các chỉ số nguồn cung nước trong các tháng ấm sắp tới đều không tốt. Bà nhấn mạnh: “Trừ phi chúng ta đón nhận hàng loạt trận bão và mưa to giúp độ ẩm tăng cao, những gì chúng ta ghi nhận trên bản đồ đất là sự khô hạn vào lúc này, cho thấy chúng ta đang đối mặt với một mùa xuân và một mùa hè rất khô nóng”.

Bà Burgess còn dự báo tại nhiều vùng ở châu Âu sẽ có những phương án hạn chế sử dụng nước trong mùa hè tới.

Bài liên quan
‘Trứng cá tầm Mexico’ trước họa hạn hán, biến đổi khí hậu
Chả trứng Ahuautle là một món ăn từng được tiến vua trong nền văn minh Aztec cổ đại ở Mexico, và được mệnh danh là “Trứng cá tầm Mexico”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu đối phó tình trạng hạn hán và thiếu nước