Với nhiều người, Pablo Picasso là một bậc thầy hội hoạ, một tài năng hiếm có. Nhưng với cháu gái Marina Picasso, ông chỉ là một kẻ độc ác tới khó tin. Tuần trước, Marina, giờ đã 64 tuổi, đã rao bán dinh thự từng thuộc về Picasso vì không muốn nhớ về tuổi thơ hãi hùng.

Cháu gái danh họa Picasso: Ký ức hãi hùng về một “thiên tài tàn nhẫn”

Một Thế Giới | 28/05/2015, 10:46

Với nhiều người, Pablo Picasso là một bậc thầy hội hoạ, một tài năng hiếm có. Nhưng với cháu gái Marina Picasso, ông chỉ là một kẻ độc ác tới khó tin. Tuần trước, Marina, giờ đã 64 tuổi, đã rao bán dinh thự từng thuộc về Picasso vì không muốn nhớ về tuổi thơ hãi hùng.

Ky uc hai hung ve mot “thien tai tan nhan”-hinh-anh-1
 
Năm Marina lên 6 tuổi, mỗi tuần bà được cha đưa đến thăm ông nội một lần. Những lần ấy hoàn toàn không có các màn ôm ấp, tươi cười đón và đặc biệt là Marina không bao giờ được đi cửa trước.
Bà cùng anh trai Pablito luôn lo lắng đứng đằng sau cha mình, ông Paulo, khi họ bấm chuông cửa dinh thự bằng đá cẩm thạch trắng của Pablo Picasso ở Cannes, Pháp. Mấy bố con phải chờ rất lâu, trước khi người quản gia mở cửa, hỏi rằng họ có được hẹn gặp không? Paulo lắp bắp trả lời “có”.
Nghe thế, người quản gia trả lời rằng ông sẽ hỏi xem Picasso có muốn tiếp mấy cha con không, rồi khóa cửa lại. Picasso dường như rất khoái để thân nhân của ông phải chờ đợi. Trong những lúc như thế, Paulo hút thuốc để trấn tĩnh tại; Marina và Pablito bồn chồn không yên.
Phải mất rất lâu, người quản gia mới trở lại và nói với mấy bố con rằng Picasso sẽ không tiếp họ, bởi ông đang bận “làm việc”.
Bậc thầy tàn nhẫn
Mỗi lần như thế, Paulo cảm thấy rất mất mặt. Ông lái xe đưa các con về nhà và không thể lấy được khoản tiền lương mà Picasso trả cho mình mỗi tuần, với tư cách tài xế riêng của ông. Trong những ngày tiếp theo, các con Paulo chắc chắn sẽ phải sống trong cảnh chia nhau một quả táo cho bữa tối.
Ky uc hai hung ve mot “thien tai tan nhan”-hinh-anh-2
 
Khi danh họa đồng ý gặp gỡ, những đứa cháu nội của ông nửa phấn chấn, nửa sợ hãi. Để rồi chúng lại phải chứng kiến những cuộc cãi vã khủng khiếp giữa ông nội và cha mình.
“Mày không có khả năng nuôi con, không có khả năng kiếm sống và chẳng làm được bất cứ việc gì.
Mày chỉ là người tầm thường và luôn như vậy” – Picasso xỉ vả con trai không thương tiếc.
Picasso là người không ngừng lao động sáng tạo, song đi kèm với sức sáng tạo khủng khiếp ấy là tính khí tàn bạo và sự khinh miệt dành cho các người tình, vợ, con và cháu ông. Ông gây nên nỗi đau đớn không thể nguôi ngoai cho gia đình mình, kể cả khi đã chết.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2002, mang tựa đề Picasso: My Grandfather (Picasso: Ông nội tôi), Marina đã viết về sự tàn nhẫn của nghệ sĩ, người luôn tin mình là một vị thần.
Tuần trước, Marina, giờ đã 64 tuổi, thông báo bà quyết định rao bán dinh thự La Californie từng thuộc về Picasso với giá 169 triệu USD. Marina được thừa kế dinh thự này năm bà 22 tuổi, sau khi cha bà qua đời, và nhiều năm qua đã mong muốn tống khứ nó đi, vì không muốn nhớ về tuổi thơ hãi hùng.
Marina hy vọng việc bán villa này sẽ “lật sang trang mới câu chuyện đời đau đớn của bà”. Nó luôn nhắc tới bà rằng khi ông nội Picasso sống xa hoa trong La Californie, thì bà, anh trai và cha đẻ vẫn ở trong tình trạng đói khát.
Bi kịch khủng khiếp
Được biết Picasso đã coi thường con trai từ khi còn nhỏ. Paulo là con trai duy nhất của ông với người vợ đầu Olga Khokhlova, nghệ sĩ ballet người Ukraina.
Ky uc hai hung ve mot “thien tai tan nhan”-hinh-anh-3
 Chân dung người vợ Olga của Picasso. Ảnh được chụp tại phòng làm việc của Picasso năm 1917.
Picasso và Khokhlova gặp nhau, khi bà mời họa sĩ thiết kế sân khấu và trang phục cho mình. Tháng 7/1918, 2 người kết hôn, bất chấp việc mẹ của Picasso cảnh báo Khokhlova sẽ có cuộc hôn nhân bất hạnh với con trai bà.
Quả đúng như vậy. Khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, Khokhlova ghét những người bạn ăn chơi phóng đãng và thô bỉ của Picasso. Về phần mình, họa sĩ không thích tham vọng leo cao trong xã hội của vợ.
Sau này Khokhlova mắc chứng loạn thần kinh và hay đau ốm, còn Picasso thì hay cố chấp và ích kỷ. Họa sĩ bội tình và cũng chẳng hề có ý định che giấu điều đó. Ông còn trắng trợn để trong ví bức ảnh cô tình nhân tóc vàng Marie-Therese Walter, 17 tuổi, người mà ông gặp khi đã 45 tuổi.
Tháng 6/1935, Picasso và Khokhlova ly thân, nhưng vẫn là vợ chồng trên danh nghĩa, cho tới khi Khokhlova qua đời 20 năm sau đó. Trong những ngày cuối đời, khi đôi chân đã bị liệt sau một lần đột quỵ, Khokhlova vẫn yêu và ngóng chồng tới nói lời vĩnh biệt. Nhưng dù bệnh viện chỉ cách nơi Picasso ở chưa đầy 1 giờ đồng hồ chạy xe, họa sĩ không hề tới thăm vợ lấy 1 lần.
Paulo, “trái ngọt” sinh ra từ tình yêu của bà Khokhlova với Picasso, cũng chẳng nhận được sự đối xử tốt đẹp hơn. Từ bé, Paulo đã bị cha nói thẳng vào mặt rằng ông là kẻ vứt đi. “Cha tôi sinh ra và lớn lên dưới ách độc tài của Picasso” – Marina nói.
Bi kịch và nỗi buồn vẫn theo đuổi mấy cha con nhà Paulo cho tới tận khi Picasso qua đời. Ngày 8/4/1973, Paulo gọi điện cho các con, thông báo rằng ông nội chúng đã qua đời sau một cơn đau tim. Jacqueline, người vợ thứ 2 của Picasso, không muốn mấy cha con tới dự đám tang.
4 ngày sau đám tang Picasso, Marina phát hiện ra anh trai Pablito nằm trên ghế sofa trong căn hộ của họ, máu trào ra từ miệng. Pablito đã uống một chai thuốc tẩy và trút hơi thở cuối cùng, sau 3 tháng được chăm sóc đặc biệt. 2 năm tiếp theo, tới lượt ông Paulo qua đời, sau khi đã tự hủy hoại cuộc đời của mình bằng rượu.
“Khi tôi chết, gia đình sẽ như một con tàu đắm”
Những người phụ nữ khác của Picasso cũng không có cái kết tốt đẹp. Marie-Therese Walter treo cổ tự vẫn, còn Jacqueline thì tự sát bằng một viên đạn bắn vào thái dương.
Sinh thời, Picasso đã tiên đoán được bi kịch đó và từng nói: “Khi tôi chết, gia đình sẽ như một con tàu đắm”. Hiện trên “con tàu đắm" đó vẫn còn một số người sống sót, gồm Marina. Nhưng bà vĩnh viễn không bao giờ tha thứ cho ông nội mình vì những khổ đau để lại cho gia đình.
Việt Lâm /(TT&VH - Daily Mail)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cháu gái danh họa Picasso: Ký ức hãi hùng về một “thiên tài tàn nhẫn”