Vấn đề này cũng là chuyện nóng trong năm qua với việc cư dân làng cổ Đường Lâm, Hà Nội (trước thuộc Hà Tây) và phố cổ Đồng Văn, Hà Giang đòi trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia vì họ không thể sống mà không được phép làm bất cứ thứ gì với phố cổ, với căn nhà cổ của họ trong khi nhà nước thì lúng túng không biết làm thế nào. Cũng là một kiểu “cháy” di sản, dù không phải cháy vật lý.
Làng cổ, phố cổ nói ở đây là những làng, những phố tuy cổ nhưng vẫn có người dân đang sinh sống. Nói cách khác, những làng cổ, phố cổ mà chúng ta muốn bảo tồn là những bảo tàng SỐNG. Một bảo tàng sống không thể là là một thứ phế tích đóng băng, đông cứng, trong đó người dân không thể sống với những tiện nghi tương đối.
Làng cổ, phố cổ mà chúng ta muốn bảo tồn là những bảo tàng SỐNG. Một bảo tàng sống không thể là là một thứ phế tích đóng băng, đông cứng, trong đó người dân không thể sống với những tiện nghi tương đối. Đã là bảo tàng sống thì con người phải sống được trong đó, vừa sống vừa bảo tồn và sống được chính nhờ việc bảo tồn.
Đã là bảo tàng sống thì con người phải sống được trong đó, vừa sống vừa bảo tồn và sống được chính nhờ việc bảo tồn. Tất cả bài toán đặt ra là ở đó. Và cũng vì thất bại trong việc giải bài toán đó mà người dân làng cổ, phố cổ đòi trả lại danh hiệu. Muốn bảo tồn làng cổ, phố cổ như những bảo tàng sống, chính quyền cùng với người dân sở tại cần giải quyết được bài toán nói trên.
Thực ra, không cần dẫn chứng đâu xa xôi ở nơi này nơi kia trên thế giới. Ngay trong nước, Hội An đã giải quyết tốt bài toán này để từ chỗ là một đô thị bị bỏ quên trong lịch sử, trong chiến tranh, trở thành một tâm điểm thu hút du khách cả trong và ngoài nước, cư dân sống được, thậm chí sống khá, nhờ đó mà vẫn bảo tồn được những giá trị vật thể và phi vật thể của một đô thị cổ.
Một chính quyền có hiểu biết và tấm lòng với di sản của tiền nhân, cùng với một cư dân thuần phác, thân thiện với du khách đã kéo được du khách đến sống với di sản của họ. Những nghề cũ sống lại, những nghề mới (như may áo dài, dạy nấu ăn…) xuất hiện đã giúp cư dân Hội An sống tốt đồng thời bảo tồn được di sản của họ.
Làng cổ Đường Lâm, quê của hai vua, với không gian làng cổ và những ngôi nhà, tường rào bằng gạch ong nâu vàng không thiếu những di sản và cái đẹp để giữ gìn. Phố cổ Đồng Văn cũng thế. Chúng cho thấy chiều sâu của thời gian, của lịch sử gắn với những địa danh đó.
Nhưng để sống, cư dân cần có những tiện nghi tương đối. Cuộc sống ở thế kỷ 21 không thể như 10-15 thế kỷ trước. Không thể đau bụng là chạy ra đồng. Do đó người dân cần được sửa chữa, xây dựng để đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người, miễn sao không phá vỡ quy hoạch, phong cách chung. Làm thế nào để không phá vỡ quy hoạch, phong cách chung? Đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý.
Nhưng như thế chưa đủ. Vấn đề là làm sao để người dân sống được, sống khá giữa làng cổ, phố cổ. Làm sao để thu hút du khách đến và chi tiêu, qua đó giúp người dân có thu nhập. Muốn vậy phải có “sản phẩm du lịch” bán được.
Cảnh quan, kiến trúc, nếp sinh hoạt tốt đẹp, những nghề truyền thống kể cả nghề nông, những lễ hội truyền thống, những nghề mới nảy sinh cùng với lượng du khách đổ tới như đón khách home stay… là những sản phẩm có thể bán nếu biết “đóng gói”, biết chuyển thành chương trình (tham quan), biết tiếp thị.
Nhưng điều đó đòi hỏi sự đồng lòng, đồng thuận của chính quyền và người dân, đặc biệt là sự hợp tác của các công ty du lịch, các nhà điều hành tour: hợp tác thiết kế tour, đưa khách tới, huấn luyện cho những cư dân làng cổ vốn là nông dân biết tham gia làm dịch vụ.
Lạ một điều là trong các cuộc hội thảo, hội nghị về bảo tồn làng cổ, hầu như không bao giờ người ta thấy bóng dáng và nghe được ý kiến của các nhà điều hành du lịch, mặc dù về mặt tổ chức nhà nước, ngành văn hóa và du lịch nằm chung trong một bộ, một sở.
Tuy nhiên, trên tất cả là sự hiểu biết, là tấm lòng, là một chút óc tưởng tượng và đồng lòng hợp tác vì người dân và cũng chính là vì giá trị của di sản cần bảo tồn.
Đoàn Khắc Xuyên
Ảnh bìa: Nhà Lang ở không gian văn hóa Mường trước khi bị lửa thiêu rụi (nguồn VietNamNet)