Với những “phủ định biện chứng”, “phủ định siêu hình” trừu tượng, khô khan, làm thế nào giáo dục cho học sinh những phẩm chất rất cụ thể như lòng tự trọng, sự trung thực, sự sẻ chia cộng đồng, sự tôn trọng của công, v.v…? Hay lại đẻ ra những con người chỉ giỏi thuộc lòng và “chém gió”, còn tranh cướp khi có dịp thì vẫn cứ tranh cướp?

Phủ định siêu hình, phủ định biện chứng và lòng tự trọng

06/01/2014, 20:28

Với những “phủ định biện chứng”, “phủ định siêu hình” trừu tượng, khô khan, làm thế nào giáo dục cho học sinh những phẩm chất rất cụ thể như lòng tự trọng, sự trung thực, sự sẻ chia cộng đồng, sự tôn trọng của công, v.v…? Hay lại đẻ ra những con người chỉ giỏi thuộc lòng và “chém gió”, còn tranh cướp khi có dịp thì vẫn cứ tranh cướp?

Liên tiếp trong những ngày gần đây đã xảy ra những cuộc tranh cướp suất ăn (sushi) miễn phí và quà khuyến mãi (một cái gối Hàn Quốc) ở hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó nữa là tranh cướp áo mưa do đại sứ quán Hà Lan phát miễn phí, cũng ở Hà Nội, và tranh đổi mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng. Xa hơn nữa là vụ cướp hoa trong lễ hội hoa anh đào Nhật Bản ở Hà nội năm nào. Những vụ tranh cướp khiến nhiều người buồn lòng, xấu hổ, cảm thấy lòng tự trọng, tự hào dân tộc bị tổn thương.

Phải, hãy xấu hổ, hãy buồn thật nhiều vào để nhìn cho ra, cho rõ gốc rễ của những thói hư tật xấu mà nếu không phải nằm trong tính cách dân tộc thì ít nhất cũng là của một bộ phận người Việt. Và để tìm cách thay đổi. Vậy gốc rễ của những thói hư tật xấu này là gì?

Có người lý giải đó là do tàn dư của nếp sống phong kiến “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”; hoặc do ảnh hưởng còn sót lại của lối sống thời thiếu đói triền miên; thậm chí là do dân “ngoại tỉnh” đổ về sống ở các thành phố lớn mà chưa kịp hấp thu văn hóa đô thị… Có thể có một chút sự thật đằng sau mỗi cách lý giải đó nhưng dừng lại ở đó có lẽ là chưa đủ, và quan trọng hơn là, nếu vậy chỉ còn cách là chờ (không biết tới bao giờ?) cho những tàn dư đó qua đi hoặc cho văn hóa đô thị bén rễ nơi những người mới đến.

Nhưng, dù thế nào cũng không thể né tránh, bỏ qua những tác động từ sự vận hành của xã hội và của nền giáo dục hiện tại đối với sự hình thành nhân cách con người. Nhìn những gương mặt trong cuộc tranh cướp sushi hay cái gối Everon khuyến mãi, ta nhận ra hầu hết là những gương mặt trẻ, thậm chí ăn mặc đẹp nữa, còn xã hội mà trong đó họ sống đã khởi đầu từ gần 40 năm rồi còn gì, có khi còn nhiều hơn cả tuổi của họ! Vậy, xã hội và nền giáo dục hiện tại đã tác động như thế nào đến họ để gây nên một nỗi buồn và nỗi xấu hổ lớn đến vậy về lòng tự trọng của người Việt?

Có tham nhũng trong chuyện xếp hàng. Lâu dần người ta không còn tin vào lẽ công bằng của sự xếp hàng nữa.

Có người cho rằng sở dĩ người Việt không thích xếp hàng mà thích xông vào tranh cướp vì họ không tin vào sự công bằng mà họ sẽ được hưởng khi xếp hàng trật tự chờ đến phiên mình (Đặng Vân Phúc, VnExpress 2.11). Vì sao họ không tin? Vì luôn luôn có những kẻ dùng sức mạnh chen ngang hớt phần của người xếp hàng, mà người đứng ra phân phối món hàng thấy nhưng vẫn để mặc, không yêu cầu kẻ chen ngang phải xếp hàng; luôn luôn có kẻ lợi dụng nhất thân nhì thế, không xếp hàng mà giành lấy phần lẽ ra dành cho người xếp hàng, với sự đồng lõa của người đứng ra phân phối; luôn luôn có những “cò” móc ngoặc tay trong tay ngoài để tuồn phần lẽ ra của người xếp hàng cho một người khác.

Nói tóm lại, có tham nhũng trong chuyện xếp hàng. Lâu dần người ta không còn tin vào lẽ công bằng của sự xếp hàng nữa. Và tranh cướp nảy sinh từ đó. Muốn chấm dứt điều này phải chấm dứt trước hết nạn thông đồng, móc ngoặc, nhất thân nhì thế, tham nhũng trong xếp hàng để nhận phần phân phối của xã hội và trong những lĩnh vực khác nói chung.

Còn giáo dục, cái nôi đào tạo nhân cách con người, trong đó có lòng tự trọng dính liền với chuyện tranh cướp này? Rất tiếc, việc đào tạo nhân cách vẫn mãi là một khoảng trống trong giáo dục phổ thông, như báo Tuổi Trẻ ngày 2.11 trong bài Khoảng trống “dạy người” phản ánh. Lấy ví dụ sách giáo khoa lớp 10 môn giáo dục công dân, được coi như môn chủ yếu “dạy người”, phó giáo sư, nhà giáo Văn Như Cương phân tích:

“Trong khi có quá nhiều vấn đề thiết thân hơn cần dạy cho học sinh thì chương trình – sách giáo khoa lại bắt học sinh tiếp cận với những khái niệm như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… Những phạm trù triết lý như thế này, đến sinh viên đại học còn khó hiểu, nó phù hợp với dạy trong các trường lý luận chính trị cao cấp hơn là dạy cho học sinh phổ thông”. Và theo ông: “Những tiêu cực xảy ra ở lớp trẻ những năm gần đây là minh chứng cho sự thất bại của nhà trường trong việc “dạy người”. Tôi nghĩ nếu nhìn ra điều này thì cần có những thay đổi thiết thực chứ không hô hào suông. Thay đổi là thay đổi ở phương pháp giáo dục, nội dung giáo dục”.

Vâng, với những “phủ định biện chứng”, “phủ định siêu hình” trừu tượng, khô khan, làm thế nào giáo dục cho học sinh những phẩm chất rất cụ thể như lòng tự trọng, sự trung thực, sự sẻ chia cộng đồng, sự tôn trọng của công, v.v…? Hay lại đẻ ra những con người chỉ giỏi thuộc lòng và “chém gió”, còn tranh cướp khi có dịp thì vẫn cứ tranh cướp?

Ảnh: Sau khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, rất nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tự động xếp hàng chờ vào viếng tại nhà riêng Đại tướng. Ảnh TL

ĐOÀN KHẮC XUYÊN

Nhà báo, sinh năm 1950, quê Nghệ An. Vào nghề báo từ năm 1970: cộng tác với một số tờ báo, tạp chí của phong trào sinh viên học sinh và lao động Sài Gòn; tham gia chủ trương và thực hiện tuần báo “Dậy – Tuổi trẻ đấu tranh” của một nhóm sinh viên (ra được 8 số thì đình bản). Sau 30.4.1975, làm việc ở các báo: Tuổi Trẻ (1985-1997): là tổ trưởng tổ Quốc tế, Phó tổng thư ký tòa soạn, Tổng thư ký tòa soạn; Thời báo kinh tế Sài Gòn (1997 đến nay)

Người Đô Thị
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phủ định siêu hình, phủ định biện chứng và lòng tự trọng