Tối 12.9, dù cơn bão số 4 không đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng người dân ở đây phải chạy lụt.

Chạy lụt giữa TP.Đà Nẵng

Lê Đình Dũng | 13/09/2016, 20:41

Tối 12.9, dù cơn bão số 4 không đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng người dân ở đây phải chạy lụt.

Ngập kinh hoàng

Đến sáng 13.9, khi bão số 4 đã tan thành áp thấp tận trong Quảng Ngãi, người dân cáctổ dân phố 1, 2, 3,phường Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng vẫn chưa hoàn hồn bởitrận lũ đêm qua. Đến chiều muộn, người ta vẫn lúi húi dọn dẹp nhà cửa, bê từng đống đồ bị hư hại ra vứt ven đường. Một vài hộ dân neo người được các chiến sĩquân đội giúp đỡ dọn dẹp, thu xếp.

Ông Lê Minh Hùng cho biết nhiều hộ dân trong khu vực bị hư hại đồ đạc - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông Lê Minh Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 2, P.Thanh Khê Tây kể lại: “Chưa bao giờ ở vùng này bị nước ngập kinh hoàng như vậy. Tầm 5 giờ chiều 12.9, nước bắt đầu tràn vào các nhà dân ở 3 tổ, nơi sâu nhất khoảng 1m. Nước vào quá nhanh, người dân đi làm về muộn hoặc bất ngờ nên hư hại rất nhiều đồ đạc trong gia đình,ti vi, tủ lạnh, giường chiếu...”.

Clip ngập lụt ở Thanh Khê Tây do người dân ghi lại:

Nguyên nhân của trận lụt được ông Hùng cho hay, từ khi thành phố cho xây dựng cầu vượt Ngã Ba Huế và đường trục 1 Tây Bắc (do Công ty cổ phầnĐầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư), công ty này làm luôn hạng mục cống Khe Cạn. Tuy nhiên, cống mới chỉ làm được vài chục mét, còn khe tự nhiên thì bị vùi lấp nên xảy ra tình trạng trên.

Theo ông Hùng và hàng chục người dân ở đây, chưa bao giờ có tình trạng nước ngập kinh hoàng như vậy. Họ kể, do nước dâng cao quá, khi khiêng dọn tạm bớt đồ đạc có giá trị xong là phải chạy ra đứng chen chúc dưới chân cầu vượt và kêu cứu lãnh đạo thành phố.

Nhà cửa người dân sau khi bị ngập lụt trong nước bẩn

Bà Đào Thị Hồng Minh (tổ 2)vừa chỉ ngấn nước còn hằn trên tường vừa kể: “Nước lên nhanh và cao nên nhà tôi bị hư nhiều thứ nhưtủ, giường, bàn học của con cái. May có gác lửng nên cả nhà bưng đồlên đó không thì hỏng hết”.

Ở bên kia cầu, nhiều người dân tổ 1 vẫn đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa dù trời đã xế chiều. Một dãy phòng trọ nằm ngay sát đường thấymép nước còn hằn ngang nửa cửa ra vào. Vài phòng đồ đạc ướt lem, bùn thối vương bẩn. Đang dọn dẹp đống bầy nhầy trong nhà, ông Huỳnh Văn Luận kêu: “Mong ai nói giúp với lãnh đạo cho chúng tôi với chứ như ri thì khổ quá, giữa phố mà ngập lụt thế này sao sống được”.

Nước ngập quá giường nhà anh Long.
Vợ anh Long phải bỏ hết đồ đạc, gạo muối trên gác lửng không dám lấy xuống vì sợ mưa sẽ ngập nhà tiếp - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Trong căn nhà còn mùi hôi nước cống, anh Trần Thanh Long (tổ 2) vẫn lui cui chùi rửa. Vợ anh đang trèo lên gác xép bới gạo nấu cơm. Bao nhiêu đồ đạc trong căn nhà chật chội đều tống lên đó. Nhà anh Long gần mương nước nên ngập sâu nhất, lút hết giường. “Tôi làm công nhân, hôm qua tôi về muộn, một mình vợ và con nhỏ ở nhà nên không kịp dọn, nước vào hư hết một số đồ rồi”, anh kể.

Theo ước tính của ông Lê Minh Hùng, có khoảng 70 hộ dân ở các tổ 1, 2, 3 bị ngập trong trận lụt đêm qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khêthừa nhận: “Khu vực đó trước đây ngập nhiều rồi, nhưng nước ngập sâu, ngập lâu và rút lâu như ngày hôm qua là lần đầu tiên”.

Các lực lượng được chính quyền cử xuống hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Theo ông Trung: “Anh Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng) và tôi khi nghe dân phản ánh thì lên đứng cả đêm đó mà. Chúng tôi đã chỉ đạo đưa dân quân và các lực lượng lên đó hỗ trợ. Mức nước như hôm qua thì cao thật, lên đến nửa mét đấy. Anh Thơ đã chỉ đạo các lực lượng quận, phường hỗ trợ di dời đồ đạc cho người dân, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân như thế nào mà gây ngập như vậy”.

“Tối hôm qua anh Thơ chỉ đạo ngay hôm nay quận, phường, Sở Xây dựng, công ty liên quan tìm hiểu nguyên nhân vì sao thoát nước chậm như vậy và xử lý trước mắt cái đã, sau rồi xử lý lâu dài. Sáng nay tôi có chỉ đạo các đơn vị chia làm 2 tổ đi kiểm tra và báo cáo tình hình sớm nhất”, ông Trung nói.

Các ngành liên quan và Công ty Trung Nam cho máy khơi rãnh thoát nước tạm thời ra Khe Cạn cũ để giải quyết trước mắt tình trạng ngập úng dưới Ngã Ba Huế - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Quản lý dự án có vấn đề

Theo chỉ đạo của ông Huỳnh Đức Thơ, ngày hôm nay (13.9) các ngành liên quan và Công ty Trung Nam đã cho máy đục lỗ cống cho nước thoát ra, đồng thời khơi thông Khe Cạn. Đây chỉ là biện pháp tình huống bởi ngay miệng cống thoát ở phía tổ 1, công ty này chỉ cho làm rất nhỏ, do đó nếu mưa lớn nước sẽ tiếp tục tràn lên gây ngập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay: “Nguyên nhân gây ngập nặng ở Thanh Khê Tây là Công ty Trung Nam chưa khớp nối kênh thoát tạm ra Khe Cạn cũ. Đồng thời, có một đoạn khớp nối tạm thì quá nhỏ nên nước thoát không kịp”.

Mương nước thoát tạm thời ở khu vực Khe Cạn bị chèn lấp và không được đấu nối gây ngập nhà dân.

Khu vực Ngã Ba Huế chỉ là một trong những điểm ngập úng đầu mùa mưa của Đà Nẵng. Tình trạng phố biến thành sông đã hiện rõ chỉ với ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Khẳng định với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới, ông Mai Mã cho rằng hệ thống thoát nước của thành phố đảm bảo tương đối ổnso với những tỉnh thành khác. “Những trục thoát nước chính đã hoàn thiện về cơ bản. Hiện tiếp tục khớp nối những mương nhỏ và nâng cấp những mương cũ để lại”.Điều ông mã nói trái ngượcvới hình ảnh người dân Đà Nẵng bì bõm trong nước ngày 12.9 trên các tuyến phố như Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Ông Ích Khiêm, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ…

“Ngày 12.9, do lượng mưa quá lớn, tới 200mm nên một số điểm bị ngập cục bộ. Tuy nhiên qua kiểm tra các hệ thống thoát, nước vẫn chảy xoáy mạnh chứng tỏ hệ thống vẫn tốt”, ông Mã nói.

Đường phố Đà Nẵng biến thành sông do ảnh hưởng bão số 4

Mặt khác, ông Mã cũng thừa nhận rằng, một số điểm bị ngập sâu như Quang Trung, Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ…do có các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mà không có phương án làm hệ thống thoát nước tạm dẫn đến tình trạng trên.

Về việc này, ông Mã cho rằng đây là lỗi của Ban Quản lý các dự ánđầu tư cơ sở hạ tầngưu tiên Đà Nẵng. “Các anh phê duyệt dự án mà không yêu cầu đơn vị thi công có phương án thoát nước tạm, chỉ biết làm việc của mình thì khó tránh khỏi ngập úng. Đề nghị Ban Quản lý đối với các công trình có thời gian kéo dài thì phải có phương án xử lý thoát nước tạm, trong hồ sơ phê duyệt phải có cái này”.

Trời tiếp tục mưa, người dân các tổ 1, 2, 3 dưới chân cầu vượt Ngã Ba Huế lại thấp thỏm. "Mới đầu mùa mưa mà ngập như ri, mai mốt mưa bão không biết chúng tôi sống thế nào nữa", anh Long thở dài nhìn về phía xa thành phố...

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dự kiến cung cấp miễn phí phần mềm chống lừa đảo cho người dân vào tháng 7
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết phần mềm sử dụng công nghệ tiên tiến để kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website, số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR, giúp người dùng tránh xa các mối nguy hiểm tiềm tàng trên không gian mạng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chạy lụt giữa TP.Đà Nẵng