Qua các buổi xúc tiến thương mại và đầu tư trong tháng 9.2014, cuối cùng Samsung chỉ chọn được 7 trong số 500 doanh nghiệp Việt có thể hỗ trợ làm bao bì theo tiêu chuẩn do chính hãng đưa ra. Còn các linh kiện khác của Samsung, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thể làm được.

Chỉ 7 doanh nghiệp Việt làm được bao bì cho Samsung

Một Thế Giới | 28/10/2014, 11:05

Qua các buổi xúc tiến thương mại và đầu tư trong tháng 9.2014, cuối cùng Samsung chỉ chọn được 7 trong số 500 doanh nghiệp Việt có thể hỗ trợ làm bao bì theo tiêu chuẩn do chính hãng đưa ra. Còn các linh kiện khác của Samsung, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thể làm được.

Số liệu trên được GS. Võ Thanh Thu, Ủy viên Ủy ban tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, đưa ra trong hội thảo về Công nghiệp hỗ trợ cho khu/cụm công nghiệp phía Nam, diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM.
Cụ thể, để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung, các doanh nghiệp phải đảm bảo 7 yêu cầu, bao gồm:
Công nghệ (có năng lực kỹ thuật, cơ sở hạ tầng nghiên cứu phát triển, có đăng ký bằng sáng chế); Chất lượng (kiểm soát được chất lượng, đảm bảo an toàn, có giấy chứng nhận ISO); Khả năng đáp ứng và giao hàng (nhanh, giao kịp trong trường hợp khẩn); Cơ cấu giá (tính cạnh tranh cao, có thể giảm giá cho Samsung); Môi trường (giữ môi trường, có chứng nhận ISO và OHSAS, hệ thống báo cháy, công trình xử lý chất thải...); Tài chính (tỉ lệ vốn, tín dụng, vốn lưu động minh bạch và lành mạnh); Luật lao động (đảm bảo quyền con người, chế độ lao động, không được sử dụng lao động trẻ em, lao động ngoài giờ, lương cơ bản trợ cấp theo quy định).
Với những quy định khắt khe trên, việc làm nhà cung cấp bao bì cho Samsung rõ ràng đang thách thức nhiều doanh nghiệp trong nước. Khó trách tại sao họ chỉ chọn được 7 doanh nghiệp Việt, quá ít ỏi so với con số 500 doanh nghiệp tham gia.
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam chưa có ngành điện tử mà chỉ có ngành lắp ráp điện tử mà thôi!
GS. Thu thừa nhận, các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn phát triển rất yếu kém, nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu. Ở TP.HCM, chỉ có 5% các doanh nghiệp tại khu chế xuất mua nguyên liệu của nội địa, còn lại 95% nguyên liệu được nhập khẩu.
Chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ có từ năm 2007 với Quyết định số 34 nhưng kết quả là các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển rất yếu kém; mặc dù có khả năng mang lại ngoại tệ nhiều cho đất nước thì lại chỉ gia công, lắp ráp. Nguyên liệu chủ yếu nhập liệu từ nước ngoài.
Minh chứng cho điều này, GS. Thu lấy một số ngành được cho là mũi nhọn ra làm ví dụ.
Chẳng hạn, công nghiệp ôtô được xác định từ năm 2007 là ngành công nghiệp mũi nhọn với nhiều ưu đãi về vốn, đất đai, tín dụng và đặc biệt là thuế như thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc rất cao, thuộc loại cao nhất thế giới với 230-300%.
Kỳ vọng đặt ra là tỉ lệ nội địa hóa đạt 60% từ năm 2010 đến năm 2020. Thực tế thì năm 2014, con số tỉ lệ nội địa hóa đạt được là 7-8%. Hiện có khoảng 210 doanh nghiệp tham gia sản xuất ôtô, hỗ trợ cho ôtô nhưng chủ yếu mới sản xuất được những loại đơn giản, hàmlượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, ác quy, sản phẩm nhựa... Những bộ phận quan trọng chưa sản xuất được tại Việt Nam, hoàn toàn phải nhập khẩu.
Đã vậy, giá ôtô Việt Nam đắt hơn trong Đông Nam Á, châu Á đến 20%. Giá trị gia tăng rất thấp vì người Việt Nam ít sử dụng ôtô lắp ráp trong nước mà lại chuộng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc hơn, dù giá cao ngất.
Ngành sản xuất đồ da, giày dép cũng không ngoại lệ. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hơn 10 tỉ USD hàng hóa nhưng hàng nội địa chỉ mới đáp ứng được 30-40% nguyên liệu đơn giản như chỉ khâu, móc, bao bì, nhãn mác... Những nguyên liệu đều được nhập khẩu trong khi ngành này thu hút đến 1,1 triệu lao động. Việt Nam chỉ sử dụng 10% da nội địa còn 90% là nhập.
Ngành cơ khí dự kiến năm 2020 đạt tỉ lệ nội địa hóa là 75%, chất lượng đạt tiêu chuẩn khu vực nhưng thực tế, chế tạo cơ khí về tổng thể vẫn lạc hậu 2-3 thập niên so với các nước trong khu vực. Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay lạc hậu cao, sản phẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu nhỏ lẻ trong nước. Năm 2006 nhập khẩu ngành này nhập khẩu 8,4 tỉ USD thì năm 2013 con số này đã lên đến 20,8 tỉ USD.
Ngành điện tử thì tỉ lệ nội địa hóa mới chỉ đạt 20% nguyên liệu trong nước. Mà trong 20% chủ yếu là sản xuất các chi tiết đơn giản như bao bì, hộp xốp, thùng cacton đựng sản phẩm... Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam chưa có ngành điện tử mà chỉ có ngành lắp ráp điện tử mà thôi!
Anh Thư - Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ 7 doanh nghiệp Việt làm được bao bì cho Samsung