Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng Trả lời trên sóng VTV tối 26.10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói 2 vấn đề then chốt trong đầu tư là việc thu hút FDI của Việt Nam và giải pháp xóa cơ chế xin-cho gây nhũng nhiễu bấy lâu nay.
Một Thế Giới lược trích lại một số câu hỏi và trả lời của Bộ trưởng để gửi đến độc giả:
Chín tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chỉ hơn 11 tỉ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái [...] Là bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông có thấy sốt ruột không?
Chúng ta không nên so sánh việc thu hút FDI cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước, bởi việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc “bắc nước chờ gạo người”. Việc quyết định đầu tư hay không, không chỉ là mong muốn đầu tư của Việt Nam mà còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi họ phải chịu rất nhiều tác động của chính tập đoàn bên nước ngoài, hay họ bị vỡ nợ, sa lầy vào chính những dự án của tập đoàn họ đang triển khai. Ngoài ra, còn vì vấn đề địa chính trị, không phải họ suy giảm về kinh tế mà còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác.
Như vậy, việc tăng, giảm (vốn FDI) không thể đánh giá là Việt Nam giỏi hay không giỏi trong thu hút đầu tư, cái đó không phải là tất cả.
Chúng ta phải tính việc đầu tư nước ngoài trong một thời kỳ nhất định mới đủ, giống như tính hệ số ICOR (Incremental Capital - Output Ratio, giúp tính hiệu quả sử dụng tổng hợp của vốn đầu tư phát triển) nó phải tác động trong những năm tiếp theo. Đánh giá cho giai đoạn 5 năm mới là phù hợp.
Bộ trưởng từng tuyên bố chính sách đầu tư công trung hạn sẽ phá bỏ được cơ chế xin-cho. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn làm thế nào mà Bộ trưởng nghĩ có thể xóa bỏ được cơ chế xin cho trong vấn đề đầu tư hay không?
Để giải tỏa việc này thì điều đầu tiên phải xem có bao nhiêu tiền trong ngân sách ở trung ương và địa phương, chọn ra những dự án quan trọng tạo sức lan tỏa cho cả nước thì mới đầu tư. "Ngay khi chúng tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bộ thì đã trình Chính phủ, Quốc hội đưa toàn bộ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 thành trung hạn, công bố luôn có bao nhiêu danh mục, Quốc hội sẽ quyết tiền cho các danh mục là bao nhiêu, còn hằng năm làm bao nhiêu cấp bấy nhiêu. Từ đó đến nay không có bộ ngành, địa phương nào lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cả".
Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ ra Chỉ thị 1792 để chấn chỉnh việc này. Đến nay, Luật đầu tư công thực chất cũng là nâng cấp Chỉ thị 1792 của Chính phủ để đưa ra các giải pháp mạnh mẽ về đầu tư công, làm sao sử dụng nguồn lực này hiệu quả nhất trong khi nguồn vốn của chúng ta có ít.
Có nhiều nội dung trong vấn đề này, trước khi ký quyết định đầu tư một dự án thì anh phải xem lại chủ trương có hiệu quả thực sự không và căn cứ vào cơ sở lý luận hiệu quả kinh tế, có trách nhiệm tiền ở đâu đầu tư để hoàn thành dự án, không để thời gian kéo dài, là tiền đề nhằm đảm bảo dự án có hiệu quả, đây chính là kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bởi vì đầu tư công trung hạn là chúng ta phải tính toán được nhiều vấn đề, nguồn lực trong 5 năm, gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, địa phương, bộ ngành và xây dựng nguồn lực để thực hiện vấn đề này, nguồn lực đó là đầu tư công.
Ngoài ra, Chính phủ cần công bố trong 5 năm tới sẽ cung cấp cho địa phương là bao nhiêu tiền, từ đó giao quyền chủ động cho các địa phương sắp xếp. Như vậy, các địa phương, bộ ngành biết được 5 năm tới có bao nhiêu tiền, bố trí cho những dự án nào để Trung ương kiểm duyệt.
Khi đó, họ cũng không cần chạy chọt ở đâu cả, sẽ sử dụng linh hoạt hơn nếu năm nay không dùng hết sẽ chuyển sang năm sau. Đây là vấn đề minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế, các dự án ODA của chúng ta đã làm như vậy phải báo cáo mất bao nhiêu tiền để họ cung cấp đủ cho ta.
Như vậy các địa phương và doanh nghiệp rất yên tâm, vì họ biết khi trúng thầu các dự án là có tiền, giảm đi nợ công không cho phép làm quá khối lượng.
Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp căn cơ nhất, nền tảng để hạn chế được cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu trong lĩnh vực này.
A.T tổng hợp