Việc gian lận điểm thi tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình bị phanh phui... Việc gian lận này ngoài sức tưởng tượng của bất cứ một cá nhân hiền lương nào. Điểm số từ 1 hay 2 được nâng lên thành 9 hay 10! Tổng cộng ba môn, điểm được nâng lên có thể từ 2 hay 3 điểm thành 28 hay 29 trên tổng số 30 điểm!

Chiếc mặt nạ nhân văn

12/04/2019, 14:31

Việc gian lận điểm thi tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình bị phanh phui... Việc gian lận này ngoài sức tưởng tượng của bất cứ một cá nhân hiền lương nào. Điểm số từ 1 hay 2 được nâng lên thành 9 hay 10! Tổng cộng ba môn, điểm được nâng lên có thể từ 2 hay 3 điểm thành 28 hay 29 trên tổng số 30 điểm!

Nhiều đối tượng đã bị khởi tố trong vụ gian lận điểm thi tại một số địa phương.

Không chỉ sửa cho một thí sinh mà sửa cho cả một danh sách dài. Sự gian lận đã đạt trình độ công nghiệp, và gian lận ngay trái tim của đạo đức: ngành Giáo Dục! Có nhiều chứng cớ rằng nhiều người được nâng điểm là con cái các vị tai to mặt lớn.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, đương kim Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng: “sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương là việc vô cùng đáng tiếc” và: “sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận từ cán bộ quản lý giáo dục đến các thầy cô giáo, sau đó là các em học sinh” “mới là điều đáng lo nhất”

Dù nói vậy nhưng theo quan điểm của bà lại là không “công bố danh tính” vì “phải hết sức nhân văn”.(theo Dân Trí)

Vụ việc gây phẫn nộ của xã hội rộng lớn bởi tính chất vô lương tâm của việc đó đối với ngành giáo dục, đối với xã hội. Nâng một điểm đã là vô lương tâm, huống gì nâng cả chục điểm, và nâng cho nhiều người!

Đừng so sánh việc sửa điểm hôm nay với việc của Cao Bá Quát ngày xưa. Thời xưa Cao Bá Quát sửa quyển vì biết thí sinh là người tài giỏi thực, chỉ vì phạm húy mà có thể bị đánh rớt, nên muốn lấy đỗ những người có thực tài. Chữa quyển là sai, khi việc lộ ra, ông bị đề nghị xử chém. Vua Thiệu Trị hiểu lòng ông, hiểu tài học của các thí sinh kia, nên giảm tội cho ông và lập ban giám khảo chấm lại. Tên họ của những người liên quan tới sự việc đều được công khai.

Việc của ngày hôm nay, trái hẳn với việc ngày xưa: người ta biết rõ thí sinh học dốt. Họ đã cố tình, bằng biện pháp bất lương, đưa những kẻ dốt nát đó vào giành chỗ của những người có năng lực. Họ không hề quan tâm tới việc đất nước Việt Nam sau này có thể bị lãnh đạo bởi những người đốt nát, có truyền thống bất lương đó. Họ không quan tâm có thể vì vô lương tâm, mà cũng có thể vì họ không hiểu được người dốt nát và vô lương tâm ngồi ở vị trí lãnh đạo sẽ tàn hại đất nước như thế nào.

Cho nên khi nghe bà Nguyễn Thị Doan chủ trương “không đồng ý với việc công khai danh tính thí sinh”, tôi rất băn khoăn, trăn trở cho vấn đề đạo đức giáo dục mà ai cũng thấy rất cần vực dậy. Bản thân việc không “công khai danh tính thí sinh” đã bao hàm không “xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật” rồi. Hơn nữa, xử lý không chỉ cần nghiêm minh mà điều cần hơn là công minh. Không “công khai danh tính” làm sao công minh?

Bà Doan cho rằng “phải nhân văn với các cháu”. Tôi đồng ý phải nhân văn, nhưng nên theo cách khác. Công khai danh tính để tập cho các bạn đó biết rõ xã hội không chấp nhận gian lận thi cử. Rồi tạo điều kiện cho các bạn học tập, học giỏi thực, đủ tài học thì năm sau, năm sau nữa lại tiếp tục thi. Như vậy là rèn luyện tính độc lập, cứng cỏi vượt qua nghịch cảnh, vượt qua sai lầm. Còn hơn là nhân văn theo kiểu nuông chiều hư hỏng trong môi trường không trung thực, ươn hèn tiếp theo ươn hèn, dối trá chồng lên dối trá, rốt cuộc trở thành người không còn biết đâu là dối trá, ươn hèn! Nhà báo Nhị Lê suy nghĩ nhiều vầ tính Liêm Sỉ của cán bộ, dạy tính Liêm Sỉ là nên dạy những lúc này!

Nhưng xã hội mới quan trọng hơn cá nhân. Nuông chiều một nhúm nhỏ người gian lận thì cái xã hội mênh mông bị lừa dối, bị gian lận kia nghĩ gì, phản ứng gì? Thượng bất chánh, hạ tất loạn. Tại sao không sợ “nhân văn” kiểu đó sẽ sản sinh và nuôi dưỡng tính vô lương, bất đạo trong xã hội? Những người lương thiện còn sót lại thì nhìn vào mặt kẻ có trách nhiệm với lòng khinh bỉ. Còn gì là xã hội?

Nhân văn kiểu này cũng có nghĩa là che chở cho người có chức quyền. Bình thường họ đã chèn thành viên của gia đình, phe cánh vào các vị trí then chốt, nay với gian lận thi cử họ có thêm phương cách nắm tất cả các vị trí, tạo nên những nhóm lợi ích hùng mạnh vững chắc. E rằng cả núi củi to sẽ đè nát cái lò!

Mục Thời Sự & Suy Nghĩ cũa báo Tuổi Trẻ ngày 11.4.2019 có bài Cởi Bỏ Những Mặt Nạ bàn về việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình. Bài báo cho rằng “chúng ta, từ người lớn đến con trẻ, từ thầy cô đến học trò, từ bộ đến nhà trường, nên đồng lòng vứt bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo bấy lâu”.

Có nên e ngại rằng Nhân Văn cũng được dùng như một chiếc mặt nạ không?

Lê Học Lãnh Vân (ngày 11 tháng 4 năm 2019)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếc mặt nạ nhân văn