Ngay sau khi Mặt trời lặn vào hôm nay 28.3, những người ở bắc và nam bán cầu có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn hiếm có: 5 hành tinh xuất hiện cùng lúc trên bầu trời.
Theo ông Cameron Hummels, nhà vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California (Mỹ), 5 hành tinh bao gồm sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thiên Vương sẽ xếp thành một hàng ngay dưới Mặt trăng. Hiện tượng này có thể kéo dài đến hết ngày 31.3, song vào tối 28.3, khoảng 20 - 30 phút sau khi hoàng hôn được cho là thời điểm nhìn thấy rõ nhất bằng mắt thường. Được biết, hiện tượng như trên có thể xuất hiện vài năm một lần hoặc lâu hơn.
Hành tinh dễ nhìn thấy nhất là sao Kim, thường được mệnh danh là "ngôi sao ban chiều" vì đây là vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm ngoài Mặt trăng. Sao Thiên Vương sẽ xuất hiện gần sao Kim, hơi khó thấy nếu không có ống nhòm hoặc kính viễn vọng.
Bên dưới sao Kim và sao Thiên Vương là sao Mộc và sao Thủy, lơ lửng ngay phía trên đường chân trời. Khi đó, cần có thiết bị quan sát đặc biệt mới có thể thấy sao Thủy vì ánh sáng chói của Mặt trời có thể làm mờ hành tinh này.
Tháng 6.2022, thế giới cũng chứng kiến hiện tượng thiên văn hiếm có này sau 18 năm. Vào thời điểm đó, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ cùng lúc xuất hiện trên bầu trời.
Tại Việt Nam, theo dự báo từ cơ quan khí tượng, các tỉnh miền Bắc những ngày qua đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường yếu, trời nhiều mây, có mưa rào, rải rác có giông. Tình trạng thời tiết như vậy khiến việc chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn này khá khó khăn.
Trong khi đó, khu vực Nam Bộ được dự báo đêm không mưa có thể thuận lợi chiêm ngưỡng hiện tượng này. Bầu trời ít mây, cũng như không chịu ảnh hưởng của chu kỳ trăng sẽ khiến cho các hành tinh này rực rỡ hơn bao giờ hết.