Năm 1154, vua Jaya Harivarman I đã đem dâng con gái của mình cho vua Lý Anh Tông, một cử chỉ thể hiện sự thuần phục và kết thân. Vua Lý Anh Tông đã thu nhận người con gái nước Chiêm, qua đó cũng chấp nhận sự thuần phục về ngoại giao của Chiêm Thành.

Chiêm Thành cầu hòa Đại Việt để đại chiến với Chân Lạp

22/03/2018, 21:51

Năm 1154, vua Jaya Harivarman I đã đem dâng con gái của mình cho vua Lý Anh Tông, một cử chỉ thể hiện sự thuần phục và kết thân. Vua Lý Anh Tông đã thu nhận người con gái nước Chiêm, qua đó cũng chấp nhận sự thuần phục về ngoại giao của Chiêm Thành.

Các đợt tấn công liên tục của nước Chân Lạp trong kể từ khi vua Suryavarman II lên ngôi (năm 1113) đã khiến đất nước của người Chiêm bị tàn phá nặng nề. Thậm chí có khoảng thời gian Chiêm Thành bị xóa sổ khỏi bản đồ, trở thành thuộc địa của nước Chân Lạp. Năm 1150, vua Chiêm Thành là Jaya Harivarman I sau những nổ lực kháng chiến không ngừng nghỉ đã khôi phục lại được kinh thành Vijaya và góp phần gián tiếp khiến vua Suryavarman II thiệt mạng, nhưng mối họa xâm lăng đến từ nước Chân Lạp đối với Chiêm Thành vẫn còn tồn tại dai dẳng về sau. Và ở chiều ngược lại, nước Chiêm Thành cũng là một thế lực hiếu chiến khi họ trở nên hùng mạnh. Kể từ khi đất nước bị quân Chân Lạp tàn phá và chiếm đóng vào những năm 1145-1150, ý chí báo thù của người Chiêm quốc đã không còn nhắm vào nước Đại Việt mãnh liệt như trước mà chuyển sang căm thù người nước Chân Lạp. Ngoài ra, các đời vua Chiêm luôn phải bận tâm củng cố quyền lực trong nước, ngăn chặn xu hướng ly khai của các tiểu vương.

Từ hàng trăm năm trước, việc năm xứ của người Chiêm nắm giữ quyền tự trị quá cao luôn là một vấn đề nhạy cảm đối với bất cứ triều đại Chiêm Thành nào. Trải qua những nhiều biến cố, xứ Panduranga ở cực nam Chiêm Thành dần trở nên giàu mạnh, thách thức quyền lực của triều đình Vijaya. Cùng với đó, các xứ khác cũng chỉ phục tùng triều đình khi mà có chung lợi ích và nhà vua có đủ uy tín cũng như sức mạnh quân sự. Đến nửa cuối thế kỷ 12, nước Chiêm Thành là một quốc gia liên bang khá lỏng lẻo, và riêng xứ Panduranga gần như là một nước riêng biệt. Vua Jaya Harivarman I đối diện với nguy cơ đất nước của ông hoàn toàn bị phân rã.

Năm 1151, vua Jaya Harivarman I phải thân chinh đi đánh xứ Amaravati (thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay) vì chống đối lại uy quyền của triều đình Vijaya. Sau đó để được yên ổn mặt bắc, vua Jaya Harivarman I đã chủ động giao hảo với triều đình Thăng Long. Năm 1154, vua Jaya Harivarman I đã đem dâng con gái của mình cho vua Lý Anh Tông, một cử chỉ thể hiện sự thuần phục và kết thân. Vua Lý Anh Tông đã thu nhận người con gái nước Chiêm, qua đó cũng chấp nhận sự thuần phục về ngoại giao của Chiêm Thành. Sự kiện này là tiền đề quan trọng cho vua Jaya Harivarman I thực hiện kế hoạch phục hưng đất nước và báo thù nước Chân Lạp của mình. Khi đã yên mặt bắc, quân đội của triều đình Vijaya ồ ạt đánh xuống xứ Panduranga hòng buộc xứ này quay trở lại quỹ đạo của một đất nước Chiêm Thành thống nhất. Panduranga là một thế lực không dễ đối phó. Họ đã cầm cự với vua Jaya Harivarman I suốt hàng năm trời. Cho đến năm 1161, xứ này phải chịu khuất phục triều đình Chiêm Thành, công nhận vua Jaya Harivarman I là vua của toàn cõi Chiêm Thành. Panduranga vẫn giữ được nhiều quyền tự trị của mình và tiểu vương xứ này vẫn giữ được quyền thế tập.

Vua Jaya Harivarman I đã thành công trong việc tái thống nhất nước Chiêm Thành và củng cố quyền lực của Vijaya nhưng di sản của ông để lại không hề bền vững. Sau khi Jaya Harivarman I mất, con trai ông là vua Jaya Harivarman II không đủ năng lực để khuất phục các tiểu vương. Ở xứ Panduranga, Po Klong Garai trở thành tiểu vương mới một lần nữa nổi lên chống lại triều đình Vijaya. Là một nhân vật giỏi về quân sự và đầy tham vọng, Po Klong Garai đã cho thấy vua Jaya Harivarman II không phải là đối thủ của mình. Năm 1167, Po Klong Garai dẫn quân Panduranga đánh chiếm kinh thành Vijaya, lật đổ vua Jaya Harivarman II. Po Klong Garai trở thành vua của nước Chiêm Thành, lấy hiệu là Jaya Indravarman IV.

Vừa lên ngôi, vua Jaya Indravarman IV đã phải đối diện với nguy cơ bị nước Đại Việt tấn công, vì hành động không nhất quán của đời vua trước đó. Số là vào năm 1166 dưới thời vua Jaya Harivarman II, sứ giả nước Chiêm Thành tuy đến Thăng Long triều cống nhưng khi trở về lại tùy tiện cướp bóc dân ven biển ở hai châu Ô, Lý. Năm 1167, Thái úy Tô Hiến Thành lấy cớ đó đem đại quân vào đánh Chiêm Thành. Đại Việt dưới thời vua Lý Anh Tông vốn không còn hưng thịnh như các đời vua trước, nhưng binh uy so với Chiêm Thành vẫn mạnh hơn rất nhiều. Nhận thấy không thể đối địch được với láng giềng phương bắc, vua Jaya Indravarman IV đã đem lễ vật đến doanh của quân Đại Việt cầu hòa. Thái úy Tô Hiến Thành đã chấp nhận lời cầu hòa của nước Chiêm Thành, dùng lời phủ dụ răn vua Chiêm phải cư xử đúng mực nếu không muốn bị trừng phạt bằng vũ lực. Từ đó nước Chiêm theo định kỳ mà triều cống, luôn giữ lễ phiên thần với Đại Việt. Quan hệ hai nước lại tốt đẹp. Giải quyết xong những rắc rối với Đại Việt, Jaya Indravarman IV bắt tay ngay vào kế hoạch phục hưng nước Chiêm Thành.

Đồng thời với việc kết thân với Đại Việt, vua Chiêm cũng cố gắng kết bang giao với nước Tống để tranh thủ các lợi ích về thương mại. Các hoạt động buôn bán được mở rộng, thương cảng dọc bờ biển nước Chiêm Thành dần lấy lại vẻ thịnh vượng. Chiêm Thành dưới sự trị vì của Jaya Indravarman IV đã thực sự tái thống nhất. Các xứ Chiêm trở nên đoàn kết hơn, hứa hẹn đem tạo ra một sức mạnh to lớn.

Trên những nền tảng đó, vua Jaya Indravarman IV tập trung nguồn lực để xây dựng quân đội hùng mạnh, với mục đích là để báo thù nước Chân Lạp. Ban đầu, vua Chiêm có kế hoạch mua ngựa chiến từ nước Tống để xây dựng kỵ binh hùng mạnh, hòng giành ưu thế với Chân Lạp trong một cuộc chiến trên bộ. Nhưng kế hoạch đó đổ vỡ, bởi chính bản thân nước Tống cũng rất cần ngựa chiến nên đã không đáp ứng mong muốn mua ngựa của Chiêm Thành. Vả lại, Tống cũng rất kiêng dè khi giao thiệp với Chiêm quốc vì ái ngại sẽ đụng chạm đến nước Đại Việt. Thất bại trong kế hoạch mua ngựa từ nước Tống, vua Jaya Indravarman IV chuyển sang nổ lực xây dựng một hạm đội hùng mạnh để đột kích Chân Lạp bằng đường sông. Trong khoảng 10 năm trời, cả nước Chiêm Thành vừa khẩn trương xây dựng kinh tế, vừa hừng hực khí thế mài gươm báo thù.

Trong khi đó thì tại Chân Lạp, năm 1167 một viên quan trong triều đã làm chính biến lật đổ vua Yasovarman II và cướp ngôi, xưng là vua Tribhuvanadityavarman. Quân dân Chân Lạp nhiều người không phục mà nổi lên chống lại. Chân Lạp từ đó trải qua một thời kỳ rối loạn. Chớp lấy thời cơ, năm 1177 vua Jaya Indravarman IV thân chinh dẫn hạm đội Chiêm Thành theo dòng sông Mê Kong hành quân thần tốc tiến đánh Chân Lạp. Khi quân Chiêm Thành tiến đến hồ Tonle Sap (tức Biển Hồ), quân Chân Lạp đã hoàn toàn bị bất ngờ và bị kẻ địch đánh tan tác. Thừa thắng, Jaya Indravarman IV theo đường sông Siem Reap đánh chiếm kinh đô Angkor (bấy giờ gọi là thành Yasodharapura). Vua Tribhuvanadityavarman bị quân Chiêm Thành giết chết trong trận chiến, thành Angkor thất thủ. Nhân danh trả thù cho những gì người Chân Lạp đã gây ra trong những năm xâm lược và chiếm đóng Chiêm Thành xưa kia, vua Jaya Indravarman IV thả cho quân lính mặc sức cướp giết người Chân Lạp, đốt phá tan tành kinh thành Ankor.

Thế nhưng thắng lợi của quân Chiêm Thành dù to lớn thì vẫn chỉ là nhất thời. Từ vị thế kẻ bị xâm lược, người Chiêm lúc này đóng vai trò kẻ xâm lược cường bạo làm toàn thể người nước Chân Lạp căm phẫn và xích lại gần nhau hơn. Ngay sau khi tin tức thành Angkor bị tàn phá không thương tiếc, một hoàng thân nước Chân Lạp, con trai của vua Dharanindravarman II (vị vua trị vì Chân Lạp từ năm 1150 đến năm 1160) đã dấy binh khởi nghĩa và nhanh chóng tập họp được những lực lượng lớn mạnh, tiến hành kháng chiến chống quân Chiêm.

Trong bốn năm ròng chiến đấu, quân khởi nghĩa dần giành ưu thế và đánh bại quân Chiêm ngay tại hồ Tonle Sap. Một chiến thắng khác của người Chân Lạp tại đền Preah Khan thuộc Angkor vào năm 1181 buộc quân Chiêm Thành phải chịu rút lui. Lãnh tụ phong trào khởi nghĩa của người Chân Lạp bấy giờ lên ngôi vua, lấy hiệu là Jayavarman VII. Ông được xem là vị vua huyền thoại của nền văn minh Ankor, với chiến công giành lại độc lập cho đất nước là nhiều thành tựu lớn khác trong thời gian trị vì.

Đây là một giai đoạn đặc biệt khi mà cả hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp đều xuất hiện vua chúa có tài năng kiệt xuất. Cuộc đối đầu giữa vua Jaya Indravarman IV nước Chiêm Thành và Jayavarman VII nước Chân Lạp là một mảnh lịch sử lớn được khá nhiều sử gia phương đông và phương tây nghiên cứu. Những trận đại thủy chiến trên hồ Tonle Sap được lưu giữ trong ký ức cả người Chiêm Thành, Chân Lạp bằng hàng loạt các phù điêu, văn bia và truyện kể. Cuộc đối đầu này vốn là tiếp nối những ân oán giữa hai nước từ thời vua Suryarvarman II xâm lược Chiêm Thành, và nó còn kéo dài sang tận thế kỷ 13 với những sự kiện lớn đẫm máu khác đã góp phần làm suy yếu cả hai nền văn minh…

Quốc Huy

Bài viết cùng chủ đề:

3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt

Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới

Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán

Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...

Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến​

Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam​

Vua Lý Thái Tông dùng vũ lực, bình định phương nam​

Vua Lý Thánh Tông bắt Chiêm Thành phải trả giá vì tìm cách liên Tống chống Việt

Nhà Tống đi đêm với Chiêm Thành, Chân Lạp hòng thôn tính Đại Việt

Đại Việt ra uy, Tống bại, Chiêm Thành - Chân Lạp quay mũi giáo đánh nhau

Quân Đại Việt thời Lý 5 lần đánh bại Chân Lạp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiêm Thành cầu hòa Đại Việt để đại chiến với Chân Lạp