Japan Times ngày 10.11 cho biết, một ngày sau chiến thắng gây sốc của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Mỹ trong 20 phút. Thủ tướng Abe đã chúc mừng tân Tổng thống Trump và cho biết sẽ làm việc với ông Trump để hồi sinh một "Nước Mỹ vĩ đại”.

Chiến lược cuộc đời của Thủ tướng Abe có thể phá sản khi Trump vào Nhà Trắng

13/11/2016, 06:21

Japan Times ngày 10.11 cho biết, một ngày sau chiến thắng gây sốc của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Mỹ trong 20 phút. Thủ tướng Abe đã chúc mừng tân Tổng thống Trump và cho biết sẽ làm việc với ông Trump để hồi sinh một "Nước Mỹ vĩ đại”.

Tân Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng là mối lo với Thủ tướng Abe - Ảnh : Internet

Đáp lại, ông Trump đã ca ngợi những thành tựu kinh tế của chính phủ Abe. Tân Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông mong được làm việc cùng với Thủ tướng Abe trong những năm tới và sẽ tìm cách để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác tốt giữa Mỹ và Nhật Bản. Thủ tướng Abe là lãnh đạo nước ngoài thứ tư nói chuyện với ông Trump sau khi cuộc bầu cử có kết quả.

Theo tin Văn phòng Nội các Nhật Bản, Thủ tướng Abe và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thống nhất sẽ gặp nhau vào ngày 17.11 tại New York. Nếu sự việc diễn ra đúng như vậy thì có lẽ Thủ tướng Shinzo Abe là quốc khách đầu tiên mà ông Donald Trump tiếp đón khi ông được xướng tên là vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Có thể thấy rằng động thái này là một sự vội vã của Tokyo và cá nhân Thủ tướng Abe trong việc kết nối với chính quyền mới tại Washington. Điều đó khiến cho dư luận nghi vấn phía sau sự vội vã đó là gì? Mỹ - Nhật là đồng minh chiến lược đã 70 năm qua và quan hệ Nhật - Mỹ luôn nằm trong sự ưu tiên nhất nhì của Washington, do vậy Tokyo đâu sợ mất phần?

Chiến lược cuộc đời của Thủ tướng Abe có nguy cơ phá sản khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng

Khi được bầu đứng đầu chính phủ Nhật lần thứ hai, Thủ tướng Abe đã công bố một chương trình kinh tế quan trọng, được gọi là Abenomics. Với ba mũi nhọn của Abenomics là tăng cường sức mạnh kinh tế để tăng an sinh xã hội và hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, cho thấy ước vọng của ông Abe rất lớn. Có người cho rằng nếu Abenomics thành công, Abe có thể nhận giải Nobel.

Tuy nhiên để thoả ước vọng lớn thì cần phải có những công cụ hữu hiệu và đủ mạnh. Song Nhật Bản đang là nước có tỷ lệ nợ công/GDP lên tới 247% nên ông Abe không có được công cụ tài chính tốt nhất cho chính sách của mình. Tokyo đã áp dụng lãi suất âm để kích thích đầu tư trong nước, kích cầu nội địa, song không mang lại kết quả vì tiền gửi tiết kiệm vẫn gia tăng.

Abenomics – Chiến lược cuộc đời của Thủ tướng Nhật có thể phá sản khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng - Nguồn : Bloomberg

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử 1/2 Thượng viện Nhật Bản ngày 10.7 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện tham vọng quá lớn khi tung ra gói kích thích tăng trưởng kinh tế lên đến 28.000 tỳ yên và tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên dân số già đã là một trở ngại lớn nhất cho Tokyo thực hiện kích thích phát triển kinh tế nội địa.

Do vậy, Abenomics phải hướng về kinh tế đối ngoại và lợi ích kinh tế kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là một trong những cứu cánh cho Abenomics. Vì lẽ đó cho nên dù TPP có nguy cơ chết yểu ngay dưới thời Tổng thống Obama, song Tokyo vẫn nhanh chóng thông qua TPP trước khi chính quyền mới tại Washington được kiện toàn.

Trong khi đó tân Tổng thống Donald Trump là người phản đối mạnh mẽ nhất TPP vì ông cho rằng Hiệp định thương mại thế kỷ này chỉ giúp cho các đối tác “xẻ thịt” nước Mỹ, chứ không mang lại lợi ích thiết thực cho kinh tế Mỹ và người dân Mỹ. Và để TPP được hồi sinh dưới thời chính quyền Trump thì phải có những đàm phán lại hoặc bị hủy bỏ.

Điều đó khiến cho việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của Tokyo trở nên lố đà, khiến cho Thủ tướng Abe có thể phải trả giá vì động thái này. Bởi nếu TPP phải tái khởi động thì Tokyo phải nhượng bộ nhiều hơn, còn nếu TPP bị hủy bỏ thì Thủ tướng Abe có thể phải đối mặt với làn sóng chỉ trích và gói kích thích tăng trưởng kinh tế 28.000 tỷ yên khó thành hiện thực.

Khi Abenomics “lâm nguy” có thể khiến Tokyo mất thế trước Washington trong việc xem xét lại Hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật, khi chính quyền Trump thúc đẩy điều đó. Theo Japan Times, trong chiến dịch tranh cử, Trump liên tục chỉ trích Hệp ước an ninh Mỹ - Nhật không công bằng với nước Mỹ vì vậy việc Washington xem xét lại hiệp ước này có thể xảy ra.

Trong khi hơn nửa thế kỷ qua, Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật đã giúp Tokyo có được điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế, đó là an ninh của nước Nhật được bảo trợ bởi sức mạnh Mỹ. Nay với quan điểm của ông Trump thì điều đó có thể không còn hoặc Tokyo phải trả một cái giá cao hơn cho sự hiện diện của Mỹ tại đất nước mặt trời mọc.

“Trump từng đe dọa sẽ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, để các đồng minh này tự bảo vệ mình - một động thái quyết liệt có thể làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực Đông Á và trên thế giới”, Japan Times phân tích. Trước đó, ngày 29.3 Trump đã trả lời CNN rằng: "Nhật Bản tốt hơn nên tự chống lại Triều Tiên hoặc phải trả thêm chi phí cho chúng tôi".

Và bây giờ Trump đã là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng, như vậy những gì ông nói trước đây đều có thể trở thành hiện thực. Điều đó khiến cho Abenomics - chiến lược cuộc đời của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc và sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Abe bị đe doạ nghiêm trọng khi suy thoái kinh tế kéo dài 1/4 thế kỷ vẫn chưa thể sáng hơn.

Những đối thủ của Washington lợi dụng nước đục thả câu gây thiệt hại cho Tokyo

Hiện nay, Washington phải đối trọng với Bắc kinh trong thế giới lưỡng cực Mỹ - Trung đang thành hình và đối trọng với Moscow trong cuộc Chiến tranh Lạnh Nga – phương Tây đang hồi sinh. Là đồng minh chiến lược của Washington, Tokyo cũng chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng từ những đối trọng đang xoay quanh nước Mỹ.

Thực tế Tokyo đã và đang ngấm đòn bởi những hiệu ứng tiêu cực từ đối trọng giữa Washington với các đối thủ. Kinh tế Nhật là một trong sáu nền kinh tế có mức phụ thuộc lớn nhất vào kinh tế Trung Quốc. Từ khi Tập Cận Bình thực hiện chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, hướng mạnh vào phát triển kinh tế dịch vụ là kinh tế Nhật ngấm đòn ngay.

Theo Nikkei Asian Review ngày 21.9, tháng 8.2016 kim ngạch xuất khẩu của Nhật giảm tháng thứ 11 liên tiếp với mức 9,6% so với cùng kỳ năm 2015, xuống còn 52,13 tỷ USD. Trong đó XK sang Trung Quốc giảm 8,9%, xuống còn 9,5 tỷ USD, giảm tháng thứ 6 liên tiếp. XK sang TQ chiếm hơn 18% tổng kim ngạch XK của Nhật, nên sự co lại của kinh tế TQ là rất nguy hại cho Nhật.

Nhật Bản và Trung Quốc đều nằm trong top 10 quốc gia xuất siêu vào thị trường Mỹ, đều là những thực thể kinh tế bị Trump xem là gây thiệt hại cho lợi ích Mỹ và sẽ bị trừng phạt. Vì những đổi trao trong thế lưỡng cực, Bắc kinh có thể chấp nhận phần thua thiệt với Washington, điều đó khiến Tokyo phải ngậm đắng nuốt cay nhận đòn trừng phạt của Trump.

Như vậy là hai gọng kìm nguy hại Mỹ - Trung có thể khiến kinh tế Nhật thiệt hại rất lớn, dù quan hệ Tokyo – Washington có nồng hậu hay lạnh nhạt đi chăng nữa. Bên cạnh đó, nếu chính quyền Trump xem xét lại Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật thì Trung Nam Hải cũng lợi cả đôi đường, khi Bắc Kinh cho khuấy động vùng Đông Bắc Á và biển Hoa Đông.

Biểu đồ cho thấy kinh tế Nhật phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc rất lớn với 18% hàng hoá Nhật XK vào thị trường khổng lồ này - Nguồn: Oxford Economics

Trong khi đó, Thủ tướng Abe đã nhiều lần vượt rào cấm vận của Washington, hướng về nước Nga nhằm tạo ra cơ chế khai thác lợi ích tiềm năng của quan hệ Nga - Nhật, song những động thái bất lợi trong liên minh cấm vận đối với Nga khiến cho ông Abe như bị “bó chân bó tay” không thể làm khác được.

Nước Nga lao đao vì hai gọng kìm nguy hại “cấm vận - giá dầu”, vì vậy muốn nâng tầm quan hệ Nga - Nhật thì Tokyo phải có lợi ích để đánh đổi. Vậy nhưng Abe vừa mới tỏ vẻ thân thiện với Putin thì chính quyền Obama đã cảnh báo: "Mối quan hệ của chúng ta với Nga không thể bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra”, Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Noel Clay nói.

Như vậy “vòng kim cô” của các đồng minh bao quanh nước Nga khiến Thủ tướng Abe không thể đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển hợp tác với Moscow và Putin đã chọn cách đi cho riêng mình là mở cánh cửa ngay từ nước Mỹ. Việc Trump đắc cử Tổng thống Mỹ được xem là thắng lợi lớn của Kremlin và từ đó hạ tầm quan trọng của việc mở cánh cửa từ Tokyo.

Tranh chấp lãnh thổ vốn bị xem là rào cản cho quan hệ Nga - Nhật. Cho dù Thủ tướng Abe có nhận thức mới về phương cách giải quyết vấn đề này, song để dứt điểm tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật là không dễ dàng. Nay chính quyền mới tại Washington được xem là “thân Nga” hơn chính quyền Obama, điều đó khiến cho Tokyo phải chấp nhận nhượng bộ trong vấn để lãnh thổ.

Thực ra Hoa Kỳ luôn không sốt sắng hỗ trợ Nhật về vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga, thậm chí Washington còn có thể “phá ngầm” để kéo dài việc tranh chấp này. Bởi lẽ, khi vấn đề được giải quyết, quan hệ Nga - Nhật hết rào cản thì cũng phôi thai nguy cơ với nước Mỹ bởi chính đồng minh. Nay Moscow có thể chiều ý Washington để cho Tokyo ngậm quả đắng.

Tóm lại, chiến thắng của Donald Trump đã đưa Tokyo và cá nhân Thủ tướng Abe vào một tình thế nguy hại. Nước Nhật có thể mất nhiều lợi ích, còn Thủ tướng Abe có thể ngậm đắng nuốt cay với sự phá sản của chiến lược cuộc đời – Abenomics.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược cuộc đời của Thủ tướng Abe có thể phá sản khi Trump vào Nhà Trắng